Trung Quốc biến "chiếc ấm đun nước" trở thành thiết bị công nghệ được hàng tỷ người trên thế giới say mê: Âm thầm thống trị ngay khi chưa quốc gia nào dám nghĩ tới!

    Mạnh Kiên, thethaovanhoa.vn 

    Không quốc gia nào làm được như Trung Quốc

    Doanh nhân nghỉ hưu He Run nhớ lại chiếc điện thoại di động đầu tiên của ông "có kích thước bằng một chiếc ấm đun nước nhỏ" và giá trị thì hơn cả tiền lương một năm đối với hầu hết người Trung Quốc.

    Đó là năm 1991, khoảng 18 năm sau khi kỹ sư Motorola Martin Cooper thực hiện cuộc gọi điện thoại di động đầu tiên, và He là một trong số ít doanh nhân giàu có ở Trung Quốc sở hữu thiết bị công nghệ tiên tiến này.

    Người đàn ông gốc Quảng Đông đã vung 20.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 3.745 USD vào thời điểm đó, để mua một chiếc Motorola cồng kềnh, được gọi là "da ge da", dịch nghĩa ra là điện thoại ông trùm, nhờ sự xuất hiện phổ biến trong các bộ phim xã hội đen Hồng Kông.

    "Điện thoại của tôi là hàng nhập khẩu, to bằng cái ấm đun nước nhỏ và rất đắt so với thu nhập hàng tháng của người dân bình thường, lúc đó chỉ vài trăm nhân dân tệ", người đàn ông 75 tuổi kể lại, nói thêm rằng chiếc điện thoại khi ấy chỉ có tính năng nghe gọi.

    "Sở hữu điện thoại là biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và địa vị xã hội. Chỉ những người giàu nhất Trung Quốc mới có thể mua được. Hầu hết trong số họ là các doanh nhân hoặc thương nhân xuất nhập khẩu thế hệ đầu".

    Mặc dù khả năng bắt sóng của điện thoại di động thời điểm đó không ổn định, nhưng mọi người vẫn tự hào về các tiện ích mới và mang máy đi bất cứ đâu. He nhớ lại việc đặt dựng đứng chiếc Motorola giống cục gạch của mình ở cuối bàn để khoe khéo trong lúc ngồi ăn ở nhà hàng.

    Trung Quốc biến "chiếc ấm đun nước" trở thành thiết bị công nghệ được hàng tỷ người trên thế giới say mê: Âm thầm thống trị ngay khi chưa quốc gia nào dám nghĩ tới! - Ảnh 1.

    Ngày nay, Trung Quốc có nhiều người dùng điện thoại di động hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Dữ liệu chính thức cho thấy, năm ngoái, hơn một tỷ người ở đại lục sở hữu điện thoại.

    Vào cuối năm 2022, tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại thông minh của Trung Quốc đạt gần 72%, chỉ thấp hơn Mỹ, Nhật Bản và Nga.

    Tận dụng công nghệ đã cho phép thương mại di động ở Trung Quốc bùng nổ. Hơn 2/3 người Trung Quốc mua sắm bằng điện thoại thông minh, so với mức trung bình 32% trên khắp nước Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Úc, theo báo cáo từ PayPal.

    Thanh toán di động được chấp nhận rộng rãi ở Trung Quốc đến mức tiền giấy gần như đã trở nên lỗi thời ở nhiều nơi, vì hầu hết mọi người thích sử dụng ví điện tử để thanh toán mọi thứ, từ phí tiện ích đến các mặt hàng mua sắm tại trung tâm thương mại và thậm chí cả chợ truyền thống.

    "Tôi đã đi du lịch một số nước phương Tây và không quen với việc hệ thống thanh toán của họ quá lạc hậu và bất tiện, vẫn thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng", He nói.

    John Kou, một kỹ sư điện tử kỳ cựu đến từ Thâm Quyến, cho biết sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế di động được củng cố bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, giúp Trung Quốc bắt kịp sự phát triển mạng di động của thế giới và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

    "Trong khoảng 15 năm, từ năm 2000, Trung Quốc đã mở rộng cả mạng di động và cố định ra khỏi các thành phố, đến các thị trấn và làng mạc xa xôi, và những nỗ lực này đã được đền đáp", Kou cho biết.

    Theo một chương trình gọi là "Cun Cun Tong", nghĩa là kết nối các làng với bên ngoài, chính quyền trung ương ra lệnh cho tất cả các nhà khai thác viễn thông thuộc sở hữu nhà nước xây dựng các trạm gốc và mạng ở các vùng nông thôn.

    Kou cho biết: "Cho dù nơi đó rộng lớn và dân cư thưa thớt đến đâu, ngay cả ở những vùng núi nghèo khó, chính phủ Trung Quốc đã kết nối điện, tín hiệu viễn thông và đường nhựa bất kể chi phí, điều không thể ở hầu hết các quốc gia".

    Trung Quốc hiện sở hữu cơ sở hạ tầng mạng di động lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới. Số lượng trạm gốc 5G là 2,38 triệu vào cuối tháng 2, chiếm 22% tổng số trạm gốc di động trong cả nước.

    Trung Quốc biến "chiếc ấm đun nước" trở thành thiết bị công nghệ được hàng tỷ người trên thế giới say mê: Âm thầm thống trị ngay khi chưa quốc gia nào dám nghĩ tới! - Ảnh 2.

    Sản xuất điện thoại bùng nổ

    Tương xứng với vị thế là công xưởng của thế giới, sản xuất điện thoại di động cũng bùng nổ ở Trung Quốc.

    Hầu hết trong số 1,2 tỷ chiếc điện thoại thông minh được vận chuyển trên toàn cầu vào năm ngoái đều được sản xuất hoặc lắp ráp tại Trung Quốc – từ iPhone của Apple cho đến POP7 của Tecno có trụ sở tại Thâm Quyến.

    Đầu tư đa quốc gia vào những năm 1990 đã giúp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng đáng kinh ngạc, cho phép nước này sản xuất các linh kiện điện tử tinh vi, từ loa cho đến màn hình cảm ứng, ngoại trừ chip bán dẫn, phần lớn được nhập khẩu để cung cấp sức mạnh cho điện thoại thông minh cao cấp.

    Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại, cho biết trong những thập kỷ trước, Trung Quốc thu được lượng ngoại hối khổng lồ thông qua sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử, bao gồm cả điện thoại di động.

    Liu nói rằng điện thoại di động rất quan trọng đối với hệ sinh thái của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc: "Điện tử là nền tảng xuất khẩu của Trung Quốc, do đó là nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc".

    Mỹ đã liên minh với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc để hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc đại lục kể từ năm ngoái vì lý do an ninh quốc gia.

    Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự lực và tạo ra những bước đột phá trong các công nghệ "thắt cổ chai", chẳng hạn như thiết kế và sản xuất chip.

    Bất chấp những hạn chế đối với việc tiếp cận chip bán dẫn tiên tiến, điều này không có nghĩa là lĩnh vực điện thoại di động của Trung Quốc sẽ bị đình trệ.

    Zeng Liaoyuan, phó giáo sư kỹ thuật thông tin và truyền thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, dự báo lĩnh vực điện thoại di động của Trung Quốc sẽ trải qua một vài "thập kỷ đau đớn" trước khi chip bán dẫn trong nước sánh ngang với các sản phẩm hiện đại được sản xuất trên toàn thế giới .

    "Trung Quốc sẽ mất ít nhất 20 năm để tự chủ trong việc sản xuất chip dùng trong điện thoại thông minh cao cấp – và đó là một ước tính lạc quan", Zeng nói.

    "Tôi tin rằng sự đổi mới sẽ giúp Trung Quốc đạt được sự tự lực. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ có thể sản xuất chip điện thoại thông minh của riêng mình".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ