Trung Quốc: Một trường cấp hai để lộ kho dữ liệu gương mặt cùng các thông tin liên quan của học sinh
Bộ cơ sở dữ liệu này chứa rất nhiều thông tin quan trọng như mã ID của học sinh, tên tuổi, quốc tịch, giới tính, số điện thoại, khối, lớp, cũng như rất nhiều hình ảnh độ nét cao của tất cả học sinh trong trường.
Mới đây, một nhà nghiên cứu an ninh mạng đã vô tình tìm ra nguyên một bộ cơ sở dữ liệu liên quan đến dữ liệu gương mặt, cũng như các thông tin quan trọng như ID, mã học sinh, cũng như điểm số của một loạt học sinh cấp hai tại một trường học ở Trung Quốc.
Theo lời Victor Gevers, nhà nghiên cứu tại GDI Foundation, ông đã phát hiện ra một bộ cơ sở dữ liệu gương mặt của trường trung học huyện Nhược Nhĩ Cái tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bộ cơ sở dữ liệu này được đặt hết sức hớ hênh trên mạng Internet, và không được bảo về bởi bất cứ hệ thống xác nhận hay tường lửa nào. Nói cách khác, bất cứ ai cũng có thể tìm đến và lấy đi những dữ liệu này của nhà trường.
Nhiều trường học của Trung Quốc sử dụng Camera và hệ thống nhận diện khuôn mặt để quản lý học sinh
"Bộ cơ sở dữ liệu này chứa rất nhiều thông tin quan trọng như mã ID của học sinh, tên tuổi, quốc tịch, giới tính, số điện thoại, khối, lớp, cũng như rất nhiều hình ảnh độ nét cao của tất cả học sinh trong trường" - ông Gevers chia sẻ.
Hệ thống này của nhà trường được quản lý bởi một nền tảng mang tên Xiaoan Yundun, chứa dữ liệu của tổng cộng 1,3 triệu người, bao gồm học sinh, giáo viên, lao công và bảo vệ.
Những hình ảnh được dùng để huấn luyện hệ thống nhận diện gương mặt của nhà trường
Về cơ bản, những hệ thống giám sát như vậy đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Trung Quốc, khi xuất hiện rất nhiều trên đường phố. Chính phủ Trung Quốc cũng đang muốn áp dụng hệ thống nhận diện gương mặt vào các hoạt động khác nữa như mua vé tàu điện ngầm, hay thanh toán qua các cổng thanh toán điện tử.
Giáo dục cũng là một thị trường mới đầy tiềm năng, khi mà nhiều trường học đã trang bị cho học sinh của mình những bộ đồng phục với chip ID và hệ thống định vị GPS. Camera nhận diện gương mặt cũng được trang bị trong lớp học để thực hiện các hoạt động như điểm danh hay quản lý học sinh. Thế nhưng điều này cũng làm nảy sinh nhiều lo lắng về vấn đề bảo mật cho các hệ thống quan trọng như vậy.
Theo lời Gevers, Trung Quốc là nơi xảy ra rất nhiều vụ rò rỉ thông tin cá nhân ở quy mô lớn chỉ trong vài năm trở lại đây. Thậm chí, họ còn thống kê được có khoảng 200.000 hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức Trung Quốc đang ở trong tình trạng "hớ hênh" và không được bảo mật đầy đủ.
Và với việc các hệ thống giám sát và nhận diện khuôn mặt đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Trung Quốc, có lẽ các tổ chức tại quốc gia này nên chú ý nhiều hơn đến cơ sở dữ liệu của mình.
Theo abacus
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"