Trung Quốc nỗ lực thoát "kiếp làm thuê" để tự sáng tạo nên những sản phẩm tầm cỡ iPhone

    Le Min Kop,  

    Thay vì chỉ nhận hợp đồng sản xuất của các công ty khác, Trung Quốc muốn tự làm tất cả để tạo nên những sản phẩm mang tính "cách mạng".

    Hàng thập kỷ qua, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn chủ yếu mang thân phận “làm mướn” để tạo ra những thiết bị do những tên tuổi công nghệ khác trên toàn thế giới thiết kế. Giờ đây họ đang nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ với việc tự thiết kế nên những sản phẩm mang tính định hình thị trường.

    Lấy điển hình như Công ty Jetta ở Quảng Đông đã chuyển từ mô hình đầu tư mạo hiểm sang tập trung phát triển thiết bị mới. Họ tìm kiếm thiết kế từ các sự kiện thương mại hoặc nguồn giới thiệu, sau đó tổ chức nhân sự xây dựng và thử nghiệm nguyên mẫu, thậm chí tiến hành khảo sát thị trường.

     Chợ điện tử Huaqiangbei ở Quảng Đông

    Chợ điện tử Huaqiangbei ở Quảng Đông

    Các nhà máy điện tử Trung Quốc đang cố thích nghi với chính sách của Mỹ trong việc cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc và sức nóng cạnh tranh từ khu vực Đông Nam Á vốn có lợi thế nhân công rẻ. Paul Traverss, người sáng lập Vuzix Corp (VC) trụ sở ở New York gợi ý, đầu tư vào khởi nghiệp sẽ là hướng đi đúng đắn để Trung Quốc vượt qua những thử thách khó khăn.

    Benjamin Joffe, thành viên đến từ startup máy gia tốc HAX trụ sở Thâm Quyến cho biết, xu hướng này đã tạo ra làn sóng lớn chưa từng thấy trong việc đưa ra những sản phẩm mới. Sự đi xuống của thị trường điện tử ở Huaqiangbei, thuộc tỉnh Thâm Quyến cho thấy mọi thứ đã thay đổi như thế nào.

    Những món đồ công nghệ như điện thoại, máy cạo râu điện hay loa Bluetooth nằm chật kín trên kệ. Nhưng rất ít người thực sự quan tâm tới chúng. Giống như VC, các nhà máy chỉ cần tạo ra một vài sản phẩm chất lượng thành công hơn là sản xuất tràn lan nhiều mặt hàng.

    Họ đang hỗ trợ quá trình khởi nghiệp không phải bằng tiền mà dựa vào khả năng sản xuất và điều kiện thanh toán linh hoạt. Họ muốn tạo nên những cú đánh mạnh vào thị trường thường xuyên hơn”, Joffe nhận định.

    BB-88 đại diện cho một tư duy mới cho các nhà sản xuất Trung Quốc
    BB-88 đại diện cho một tư duy mới cho các nhà sản xuất Trung Quốc

    Một trong những ván bài lớn nhất của Jetta là làm việc với công ty Sphero trụ sở ở Colorado để hiện thực hóa ý tưởng của đồng sáng lập Paul Berberian về một quả bóng được kiểm soát bởi điện thoại thông minh mang tên BB-8. Họ đã huy động tới 60 kỹ sư và chuyên viên phát triển để tạo ra quả cầu điều khiển từ xa. Thành công đã đến với cả hai khi 3 triệu chiếc đã được sản xuất.

    Đó là mối quan hệ cộng sinh tốt đẹp. Jetta đã tạo ra được sản phẩm tinh tế và chúng tôi góp công với phần mềm của mình để nó thực sự cất cánh”, Paul Berberian chia sẻ.

    Wayne Xiong đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm China Growth Capital tại Bắc Kinh với nguồn vốn khoảng 650 triệu USD cho biết: “Các nhà máy đang để ý tới những startup này với việc triển khai dự án của họ mà trước đây chẳng hề để mắt tới”. Một số nhận thấy cần mạo hiểm đầu tư tài chính và chuyên môn cho các hướng đi mới để mong bứt lên trong thế cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.

    Lewie Leung 42 tuổi, trợ lý giám đốc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển của Jetta chia sẻ: “Chúng tôi cố xác định quá trình khởi nghiệp từ 5 tới 6 năm để biến chúng trở nên vững mạnh, sau đó chúng tôi tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển công ty lên tầm cao mới. Điều quan trọng nhất là phải theo kịp với công nghệ”.

    Mối quan hệ giữa Jetta và Sphero cũng cho thấy cách mà các công ty khởi nghiệm giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ. Jett phát triển phần cứng BB-8 trong khi Sphero cung cấp phần mềm được mã hóa mà người dùng có thể tải về.

    Những thay đổi trong cách tiếp cận thị trường của nhà sản xuất góp phần tạo dựng nên bộ mặt mới của Quảng Đông. Tỉnh này vốn được mệnh danh như “nhà lãnh đạo” trong công cuộc chuyển đổi ở Trung Quốc từ thập niên 1990 tới nay, hiện đang tích cực xây dựng một trung tâm sánh ngang với thung lũng Silicon. Dự kiến nơi đây sẽ trở thành “vườn ươm” cho khoảng 1.100 dự án khởi nghiệp.

    Theo đánh giá, quá trình “lột xác” sẽ góp phần giúp nền kinh tế Quảng Đông tăng gấp đôi lên mức 1,15 nghìn tỷ USD trong vòng 7 năm, tính từ 2016. Đó sẽ là bước chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc từ “công xưởng thế giới” sang nhà lãnh đạo thị trường.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ