Trung Quốc thống trị công nghệ 5G sẽ là mối đe dọa nguy hiểm hơn so với chiến tranh thương mại

    Thanh Thanh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Động thái mới đây của Mỹ và Australia cho thấy các nước đang lo ngại Trung Quốc có thể thống trị lĩnh vực công nghệ.

    Trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, có một mối lo ngại còn quan trọng hơn: đó là cuộc đua thống trị không gian mạng, đặc biệt là công nghệ 5G , hệ thống di động và các công nghệ liên quan, theo nhận định của Richard Fisher – cựu Chủ tịch và CEO của Fed chi nhánh Dallas.

    "Tôi không tin là vấn đề nằm ở thương mại và các hàng hóa thông thường. Lo ngại thực sự của Mỹ nằm ở không gian mạng, ai sẽ dẫn dắt và chiến thắng trong cuộc đua 5G", ông nói với Nikkei Asian Review.

     Trung Quốc thống trị công nghệ 5G sẽ là mối đe dọa nguy hiểm hơn so với chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

     Công nghệ 5G cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ nhanh gấp 100 lần so với mạng 4G hiện tại và dự định sẽ được sử dụng trong các xe tự hành, công nghệ Internet vạn vật và các công nghệ khác cần đến tốc độ siêu nhanh. Theo dự kiến công nghệ 5G sẽ bắt đầu được thương mại hóa vào năm 2019.

    "Nếu Trung Quốc thắng cuộc đua này, họ sẽ là bên thiết lập các quy tắc của internet trên phạm vi toàn cầu", ông nói.

    Mỹ đã buộc tội Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và thực hiện các vụ tấn công mạng, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh phải từ bỏ các sáng kiến về công nghệ cao trong chiến dịch "Made in China 2025".

    Bên cạnh đó mới đây Australia đã viện dẫn các nỗi lo về an ninh để cấm các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE, cung cấp thiết bị 5G cho nước này.

    Động thái của Mỹ và Australia cho thấy các nước đang lo ngại Trung Quốc có thể thống trị lĩnh vực công nghệ.

    Tuy nhiên ông Fisher tỏ ra lạc quan về kết quả của xung đột thương mại hiện nay, cho rằng "chúng ta có lợi thế trong ngắn hạn vì Mỹ mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn và cũng có khả năng phân phối lại chuỗi cung ứng".

    Là Chủ tịch Fed Dallas từ 2005 đến 2015, Fisher cũng đã đưa ra một số bình luận về sự thất bại của chính sách tiền tệ và tài khóa tại các thị trường mới nổi. "Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Argentina và các nước mới nổi khác đã đưa ra những quyết định tồi tệ khi đi vay mượn bằng USD".

    Kể từ đầu năm đến nay đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất 40% giá trị so với USD, trong khi lạm phát tăng lên mức 17,9% trong tháng 8, cao nhất kể từ cuối 2003. Mặc dù NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất cơ bản, lạm phát của nước này vẫn không ngừng leo thang.

    Trong khi đó đầu tháng 9, đồng rupiah của Indonesia giao dịch ở mức thấp nhất trong 20 năm, mất tổng cộng 9% giá trị kể từ đầu năm đến nay.

    "Đáng lẽ họ phải tận dụng môi trường lãi suất thấp để tái cơ cấu nền kinh tế và sống có trách nhiệm hơn, nhưng điều đó không xảy ra", Fisher nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày