Trung Quốc thúc đẩy giáo dục AI từ sớm, nhưng 'siết' cách dùng: Học sinh không được viết bài bằng chatbot, giáo viên không được nhờ AI dạy thay
VTV.vn - Theo Đài truyền hình trung ương CCTV, chương trình đào tạo AI cho học sinh của Trung Quốc sẽ triển khai theo mô hình đào tạo "xoắn ốc".
Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa ban hành hai văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy giáo dục trí tuệ nhân tạo (AI) trong các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc, tờ Global Times đưa tin. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục AI toàn diện, đồng thời đặt ra các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng công cụ AI sinh nội dung trong môi trường học đường.
Hai văn bản mang tên "Hướng dẫn giáo dục AI phổ thông trong trường phổ thông (2025)" và "Hướng dẫn sử dụng AI sinh nội dung trong trường phổ thông (2025)" không chỉ định hình lộ trình giáo dục AI theo từng cấp học, mà còn phản ánh cách tiếp cận riêng của Trung Quốc trong bối cảnh giáo dục toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ.

Theo Đài truyền hình trung ương CCTV, chương trình sẽ triển khai mô hình đào tạo "xoắn ốc", tức học sinh sẽ tiếp cận kiến thức AI từ mức độ nhận thức ban đầu, sau đó nâng dần lên hiểu biết kỹ thuật và cuối cùng là thực hành sáng tạo. Mục tiêu của hệ thống này là giúp học sinh phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tư duy và giá trị – bao gồm khả năng tư duy đổi mới, tư duy phản biện, hợp tác với AI, cùng với ý thức trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục nước này nhấn mạnh rằng AI không được phép thay thế vai trò cốt lõi của giáo viên. Cụ thể, giáo viên bị cấm sử dụng AI để trả lời câu hỏi thay mình, không được dùng nội dung AI tạo ra để chấm điểm hay đánh giá học sinh, và không được nhập dữ liệu nhạy cảm như thông tin cá nhân hay đề thi vào các công cụ AI nhằm tránh rò rỉ dữ liệu.
Với học sinh tiểu học, các công cụ tạo nội dung mở – như chatbot hoặc ứng dụng viết văn bằng AI – bị cấm sử dụng độc lập. Lý do được đưa ra là nhằm bảo đảm tính an toàn, phù hợp độ tuổi và giữ vững tính giáo dục thực chất trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn còn đưa ra định hướng sử dụng AI sinh nội dung một cách có kiểm soát, phục vụ việc hỗ trợ học tập cá nhân hóa, quản lý giáo dục thông minh và thúc đẩy đổi mới mô hình dạy – học.
Tuy nhiên, mọi ứng dụng đều phải đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong giáo dục.
Theo People's Education, việc áp dụng hai bộ hướng dẫn này sẽ tạo nền tảng cho một hệ sinh thái giáo dục tích hợp AI kiểu Trung Quốc – an toàn, hiệu quả, công bằng và toàn diện – đồng thời góp phần đào tạo thế hệ nhân tài đổi mới sáng tạo phù hợp với thời đại số.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Trên tay Galaxy S25 Edge (& Galaxy Ring) tại Việt Nam: Samsung lại một lần nữa tiên phong, nhưng kẻ mở đường thường phải chấp nhận những hoài nghi
Galaxy S25 Edge và Galaxy Ring vừa cập bến Việt Nam, tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong của Samsung - nhưng cũng để lại không ít câu hỏi về tính thực tiễn và đối tượng người dùng mà hãng muốn hướng tới.
Căn phòng bí mật trên quỹ đạo: Sứ mệnh không gian kỳ lạ ít người biết của NASA năm 1973