Trung Quốc vẫn sẽ sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe người dân hậu Covid-19, có cả cơ chế "chấm điểm" theo thang màu hẳn hoi

    DG,  

    Ứng dụng này sẽ sử dụng mã QR và phân ra thành nhiều loại màu sắc khác nhau, trong đó màu xanh lục đồng nghĩa với việc người dân có sức khỏe tốt và đủ điều kiện để học tập và làm việc bình thường tại Trung Quốc.

    Để hỗ trợ kiểm soát tình hình đại dịch Covid-19, kể từ tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành sử dụng 1 ứng dụng đặc biệt để theo dõi sức khỏe và lịch trình di chuyển của người dân thông qua các mã vạch barcode. Với hiệu quả ngoài sức mong đợi, chính quyền nhiều thành phố tại đây đang tính đến phương án sẽ tiếp tục duy trì ứng dụng này trong tương lai, kể cả khi dịch bệnh đã qua đi.

    Tiên phong trong ý tưởng này là thành phố Hàng Châu, thuộc miền nam Trung Quốc và cũng là mái nhà của rất nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó bao gồm cả Alibaba. Vào ngày thứ 7 vừa qua (23/5), đại diện tại đây cho biết Hàng Châu đang lên kế hoạch “bình thường hóa” việc sử dụng ứng dụng theo dõi nêu trên và biến nó thành một “bức tường lửa” để nâng cao sức khỏe cũng như hệ miễn dịch cho mọi người. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tình hình Covid-19 ở Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong thời gian gần đây.

    Trung Quốc vẫn sẽ sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe người dân hậu Covid-19, có cả cơ chế chấm điểm theo thang màu hẳn hoi - Ảnh 1.

    Ứng dụng theo dõi sức khỏe công dân tại Trung Quốc, với hệ thống "chấm điểm" dựa trên các thang màu sắc khác nhau.

    Được biết, ứng dụng đặc biệt này là sản phẩm hợp tác giữa Ant Financial (thuộc Alibaba) và "gã khổng lồ truyền thông" Tencent, hiện đã được tích hợp vào hàng loạt dịch vụ nổi tiếng như Alipay, ví điện tử của Ant, cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat. Nó sẽ cung cấp cho người dùng 3 loại mã QR, gọi là mã sức khỏe, với các màu sắc đỏ, lục, vàng tùy theo lịch trình di chuyển cũng như thông tin mà họ cung cấp. Những thông tin này bao gồm tình trạng sức khỏe của họ, kết quả xét nghiệm và những lần tiếp xúc với các trường hợp dương tính với SAR-CoV-2.

    Sau đó, chính quyền địa phương sẽ kiểm tra chéo các thông tin mà người dùng cung cấp với rất nhiều phòng ban về tài chính và dữ liệu để nắm rõ lịch sử giao dịch ngân hàng của họ cũng như các phương tiện giao thông công cộng mà họ đã sử dụng. Những người được cung cấp mã màu xanh lục đồng nghĩa với việc họ có thể ra ngoài đi làm, di chuyển trên các chuyến tàu điện ngầm hoặc ra vào các tòa nhà công cộng khi lệnh cách ly được nới lỏng. Còn những ai có mã màu đỏ hoặc vàng sẽ phải tiếp tục thực hiện tự cách ly trong những ngày tiếp theo.

    Theo thống kê của Tencent, hơn 1 tỉ người dân Trung Quốc đã tham gia chương trình này, và ứng dụng trên đây cũng đã thực hiện tổng cộng hơn 9 tỉ lượt quét tại nhiều địa điểm khác nhau kể từ tháng 2 đến nay. Mã vạch sức khỏe cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn nới lỏng cách ly tại quốc gia này, cho phép những người “mã xanh” có thể phần nào an tâm trở lại với cuộc sống bình thường của họ. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, ứng dụng quét mã vạch này một lần nữa lại được nhiều thành phố áp dụng gắt gao, trong đó có cả Hàng Châu.

    Trong tương lai, sở y tế Hàng Châu cho biết họ sẽ sử dụng mã vạch kết hợp với hồ sơ y tế điện tử để đánh giá tình trạng sức khỏe của người dân. Hồ sơ này bao gồm nhiều thông tin chi tiết về lịch tái khám định kỳ, thói quen sinh hoạt như số lượng thuốc lá họ sử dụng, số bước đi bộ hoặc thời gian ngủ trong 1 ngày. Ngoài ra, Hàng Châu cũng sẽ nâng cấp thêm nhiều loại mã màu mới theo dải màu lạnh từ xanh lá đến tím thẫm.

    Trung Quốc vẫn sẽ sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe người dân hậu Covid-19, có cả cơ chế chấm điểm theo thang màu hẳn hoi - Ảnh 2.

    Những ai được cấp mã xanh thì mới có thể ra ngoài làm việc khi nới lỏng cách ly.

    So với Châu Âu hay Mỹ, các quốc gia Châu Á đang tích cực áp dụng big data (dữ liệu lớn) hơn trong việc phòng chống đại dịch. Ví dụ như Singapore đã yêu cầu người dân sử dụng ứng dụng theo dõi qua BlueTooth; Hàn Quốc cũng tận dụng tính năng timeline trên Google Maps để khuyến khích người dân tự ghi lại lịch trình di chuyển của mình; Đài Loan thì sử dụng dữ liệu telecom để đảm bảo không ai tự ý ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.

    Những ứng dụng của các loại công nghệ theo dõi này đã làm dấy lên những lo ngại về tính bảo mật và quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt là sau khi đại dịch kết thúc. Thế nhưng, chưa có quốc gia nào dự định tiếp tục duy trì những ứng dụng đó trong tương lai xa như Trung Quốc, nơi nổi tiếng là khắt khe trong việc kiểm soát hành vi công dân với nhiều thiết bị theo dõi khác nhau. Covid-19 là 1 thách thức, nhưng cũng đem đến cơ hội để họ tiếp tục củng cố thêm loại hình công nghệ này.

    Chenchen Zhang, trợ lý giáo sư ngành chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Belfast cho biết: “Mã y tế mà Hàng Châu đang sử dụng cũng ẩn chứa nhiều mặt trái về công nghệ. Không ai biết những dữ liệu thu về sẽ được dùng để làm gì. Đây cũng là ví dụ mới nhất về tham vọng quản lý định lượng mọi thứ tại Trung Quốc”.

    Trung Quốc vẫn sẽ sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe người dân hậu Covid-19, có cả cơ chế chấm điểm theo thang màu hẳn hoi - Ảnh 3.

    Trung Quốc dùng cả drone với banner hình mã QR để nhắc nhở người dân có ý thức thường xuyên quét mã và cập nhật thong tin sức khỏe cũng như lịch trình di chuyển của mình.

    Ngay cả một số người dân ở Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại bởi ứng dụng theo dõi sức khỏe này. Chia sẻ trên Weibo, một người dùng có viết: "“Hiện tại, từ các cấp lãnh đạo hàng đầu cho đến các cơ quan cơ sở, tất cả đều có thể có quyền kiểm tra lịch sử di chuyển hàng ngày của công dân. Nếu bạn không được cấp mã màu xanh, bạn sẽ không được phép đi lại tự do trong quốc gia này”. 

    Theo phân tích của tạp chí New York Times, rất nhiều thông tin cá nhân của họ như địa chỉ, thành phố sinh sống và số chứng minh được chia sẻ với cảnh sát. Trong khi đó, đại diện Alipay khẳng định rằng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng là một yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các nhà phát triển bên thứ ba, bao gồm các hệ thống mã y tế. Trước đó, Alipay cũng cho biết họ đã cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho nhà phát triển hệ thống mã y tế, đồng thời là một trong nhiều nền tảng để người dùng truy cập vào hệ thống này. Tuy nhiên, Alipay không liên quan đến các quy tắc và hoạt động của các nhà phát triển bên thứ 3.

    Theo phiên bản hiện tại, rất có thể kế hoạch của thành phố Hàng Châu sẽ còn can thiệp sâu hơn vào nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng. Sở y tế tại đây không giải thích thêm các phiên bản cập nhật trong tương lai sẽ tiến thành thu thập dữ liệu người dân thế nào, và cũng không tiết lộ liệu đây sẽ là 1 cơ chế tự nguyện hay bắt buộc tất cả mọi người phải tham gia. Một chi tiết đáng chú ý khác là Alipay cũng chưa nhận được bất cứ lời đề nghị hợp tác nào liên quan đến dự án này.

    Theo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ