Trường tiểu học Trung Quốc yêu cầu học sinh không làm bài tập sau 9 giờ tối để có thể ngủ nhiều hơn

    Bảo Nam, thethaovanhoa.vn 

    Một trường học ở tỉnh Giang Tô đã yêu cầu học sinh ngừng làm bài tập về nhà lúc 21h và cũng miễn hoàn thành bài tập đó vào ngày hôm sau.

    Trung Quốc đang tiến hành các nỗ lực để giảm gánh nặng học hành cho học sinh, và một trường tiểu học ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc mới đây đã ban hành quy định mới gây nhiều chú ý.

    Cụ thể, trường tiểu học Bo'ai ở thành phố Thường Châu đã yêu cầu học sinh của mình ngừng làm bài tập về nhà "vô điều kiện" sau 9 giờ tối. Trường cũng miễn cho các em phải hoàn thành bài tập này vào ngày hôm sau.

    Thông báo của trường, được mệnh danh là “cơ chế ngắt điện lúc 9 giờ”, cũng nêu rõ rằng nhà trường sẽ quy định chặt chẽ tổng số bài tập về nhà trong học kỳ mới vừa bắt đầu vào tuần trước. Đồng thời, trường cũng yêu cầu phụ huynh cải thiện cách họ hỗ trợ con cái họ làm bài tập ở nhà.

    Trường tiểu học Trung Quốc yêu cầu học sinh không làm bài tập sau 9 giờ tối để có thể ngủ nhiều hơn - Ảnh 1.

    Theo quy định mới, học sinh không cần làm bài sau 9 giờ tối và cũng không phải trả bài vào ngày hôm sau.

    Theo đại diện trường, cơ sở lý luận của họ muốn nhắm tới hai điểm. Một là đảm bảo học sinh được ngủ đủ giấc và hai là giúp giáo viên cải thiện các tiêu chuẩn dạy của họ. Một cuộc khảo sát năm 2021 do Bộ Giáo dục Trung Quốc thực hiện cho thấy 67% học sinh tiểu học và trung học cơ sở không ngủ đủ giấc theo tiêu chuẩn quốc gia, với các quy định tương ứng là 10 giờ và 9 giờ.

    “Giáo viên nên tăng hiệu quả học tập trong lớp và giảm bớt các bài tập lặp đi lặp lại sau giờ học để giúp học sinh ngủ ngon hơn”, đại diện trường cho biết.

    Biện pháp này đã gây ra một số cuộc thảo luận với các phản ứng trái chiều trên mạng xã hội vào đầu tuần này. Trong khi một số người ca ngợi và ủng hộ, tin rằng nó sẽ đảm bảo cho học sinh sẽ trở nên độc lập hơn trong các môn học, thì những người khác cũng đặt câu hỏi về những tác động tiêu cực có thể có của nó đối với kết quả học tập của học sinh khi không có sự giám sát.

    “Điều này đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các bậc cha mẹ rằng họ nên đặt sức khỏe của con mình lên hàng đầu và học sinh không cần phải hoàn thành nhiệm vụ nếu chúng đã biết cách thực hiện chúng”, một người dùng chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Weibo.

    “Bây giờ tất cả là do cha mẹ. Bọn trẻ có thể bắt đầu ngồi làm bài tập vào những phút cuối trước 9 giờ tối nếu cha mẹ chúng không giám sát”, một người khác viết.

    Trường tiểu học Trung Quốc yêu cầu học sinh không làm bài tập sau 9 giờ tối để có thể ngủ nhiều hơn - Ảnh 2.

    Trung Quốc đang mạnh mẽ cải cách hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp.

    Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường giám sát giáo dục trường học, vốn từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi các cơ chế đánh giá tập trung vào điểm số. Các cơ quan quản lý cũng đã cấm các hoạt động dạy thêm sau giờ học và tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt các cuộc thi. Các động thái cải cách hệ thống giáo dục của Trung Quốc được cho là nhằm mục đích giảm bớt áp lực học hành, một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang ngày càng báo động.

    Các cơ quan quản lý giáo dục cũng đã quy định rằng học sinh tiểu học và trung học cơ sở không được dành hơn một giờ và quá một tiếng rưỡi mỗi ngày cho các bài tập viết. Một quy định khác nói rằng không nên yêu cầu học sinh đến trường quá sớm.

    Quyết định mới của Trường tiểu học Bo'ai được cho là phù hợp với các chính sách do cơ quan giáo dục thành phố Thường Châu công bố. Trước đó, một số trường học ở các thành phố khác như Phụ Dương, Thiệu Hưng và Nam Kinh, đã đưa ra các sáng kiến tương tự. Tuy nhiên, các quy định đó cũng yêu cầu phụ huynh nộp đơn hoặc đề cập đến những khó khăn trong học tập trước khi được phép cho học sinh không hoàn thành bài tập về nhà.

    Nhưng các chuyên gia học thuật đang nghi ngờ sự đổi mới này. Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, nói với truyền thông trong nước rằng các biện pháp như vậy không phù hợp với tất cả học sinh và về cơ bản sẽ không giải quyết được các vấn đề giáo dục sâu xa.

    “Hệ thống đánh giá phải được cải cách để thực sự giảm bớt gánh nặng học hành cho học sinh”, ông Chu nói.

    Tham khảo SixthTone

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ