Truy tìm nguồn gốc của những phát minh “để đời” dành cho mùa hè
Xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại hay từ những bãi biển xinh đẹp ở California… là kết quả của nhiều năm tìm tòi nghiên cứu hay do tình cờ… được phát minh bởi Chúa hay những ngôi sao Hollywood… trên tàu điện ngầm hay trong phòng thí nghiệm NASA… đây là cách mà những phát minh độc đáo dành cho mùa hè đã ra đời.
1. Máy điều hòa không khí = Không khí Hơi nước
Ngày 17/7 vừa qua, thế giới đã kỉ niệm ngày sáng chế ra một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người giúp cho mùa hè bớt dài và nóng nực: máy điều hòa không khí.
Vào ngày này năm 1902, kỹ sư trẻ người Mỹ Willis Haviland Carrier – làm việc tại công ty Buffalo Forge đã hoàn thành bản vẽ thiết kế một thiết bị làm mát “đặc biệt”. Thiết bị này được chế tạo theo yêu cầu của ông chủ nhà xuất bản sách ở Brooklyn về một hệ thống kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ xung quanh nhà máy in.
Theo lời kể của Carrier, ý tưởng về hệ thống điều hòa không khí xuất hiện khi anh đang đi trên một chuyến tàu đêm trong sương mù tại nhà ga xe lửa ở Pittsburgh. Carrier nhận ra rằng sự xuất hiện của hơi nước trong không khí sẽ làm giảm nhiệt độ và ý tưởng tạo ra thiết bị xử lý không khí đã xuất hiện trong đầu chàng trai trẻ.
Hệ thống bao gồm 2 ống dẫn chính, 1 ống để làm lạnh không khí và 1 ống để cung cấp không khí chứa hơi ẩm. Nhờ đó, hệ thống có thể kiểm soát được độ ẩm ở mức 55% bên trong khối không khí đã được làm lạnh.
Ngay sau đó, một thiết bị 30 tấn lần đầu tiên được đặt trong nhà máy in. Hệ thống làm lạnh có thể bảo quản trang thiết bị trong nhà máy và tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện quá trình in ấn. Thành công ban đầu đã tạo động lực để 2 năm sau đó, ngày 16/9/1904, Carrier có bằng sáng chế cho phát minh đầu tiên của mình. Đây là một thiết bị rất hữu ích trong các nhà máy, đặc biệt là nhà máy dệt – nơi mà thiếu độ ẩm khiến cho việc liên kết các sợi trở nên khó khăn.
Được đưa vào sử dụng chính thức từ năm 1924, máy điều hòa không khí – khi đó vẫn là những cỗ máy khổng lồ “thô kệch” đã được sử dụng trong các rạp chiếu phim, nhà hát hoặc các cửa hàng bách hóa... Cho đến thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, thiết bị này mới được cải tiến nhỏ gọn với giá cả phải chăng hơn để sử dụng trong các hộ gia đình.
2. Kính râm: Ánh sáng, máy quay và… diễn!
Nguồn gốc của kính râm có từ thế kỷ thứ 13 tại Trung Quốc khi các thẩm phán tại tòa sử dụng tròng kính màu đen để che giấu cảm xúc thật sự của mình khi thực hiện nhiệm vụ phán quyết và bảo vệ công lý.
Đến năm 1430, một loại kính với tròng màu tối bắt đầu xuất hiện ở phương Tây và nước Ý để giảm độ nhạy cảm với ánh sáng. Sau đó, vào giữa thế kỉ thứ 18, James Ayscough đã phát minh ra loại màu mới cho mắt kính có tác dụng làm dịu nhẹ, không quá xanh hoặc tối sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn của người sử dụng.
Nhiều năm sau đó, khi ai cũng cảm nhận được sự bất tiện từ kiểu dáng hiện tại của chiếc mắt kính thì một chiếc kính râm có gọng hoàn chỉnh được tạo ra nhằm giữ nó chặt hơn trên mũi và mặt của người đeo. Chất liệu tạo nên chủ yếu bằng da, xương động vật hoặc kim loại.
Và phải đến đầu thế kỷ 20, kính râm mới có màn “lột xác” với thiết kế hiện đại hơn nhờ nghiên cứu của nhà khoa học người Anh William Crookes. Năm 1908, Chính phủ Anh lo ngại nguy cơ mắt và thị lực của người dân bị ảnh hưởng do sử dụng quá nhiều đèn điện và các thiết bị điện, đã yêu cầu các nhà khoa học nước này tìm kiếm giải pháp.
Đây là hình dáng của những chiếc kính râm năm 1929
Sau 8 năm nỗ lực nghiên cứu, Crookes và các đồng sự của mình đã tạo ra loại tròng có thể hấp thụ được 90% tia hồng ngoại và tia cực tím. Kính râm trở nên phổ biến từ những năm 1930 khi các diễn viên Hollywood dùng chúng để tránh ánh đèn chói mắt tại các studio hoặc tránh biểu lộ cảm xúc khi xuất hiện tại những nơi đông người – giống như các thẩm phán ở Trung Quốc.
Đến năm 1936, theo yêu cầu của quân đội Mỹ về một loại mắt kính bảo vệ tầm nhìn của các phi công khi bay ở độ cao nguy hiểm, Ray Ban đã cho ra đời một loại mắt kính phân cực nhờ phát minh về bộ lọc Polaroid của Edward Land. Chỉ một năm sau đó, loại kính này đã có mặt ở khắp nơi và trở thành món đồ yêu thích của các tín đồ thời trang.
3. Kem chống nắng: Khi làn da cũng trở thành biểu tượng thời trang!
Kem chống nắng được phát minh vào những năm 1930 bởi 4 nhà hóa học khác nhau. Loại kem chống nắng đầu tiên được nhà hóa học người Úc Milton Blake giới thiệu vào đầu thập kỷ. Đến năm 1936, Eugene Schuelles – cha đẻ của dòng sản phẩm L’Oreal cho ra đời hỗn hợp chống nắng của mình mang tên Ambré Solaire - một loại dầu kết hợp kem chống nắng. Tuy nhiên, cả hai sản phẩm kể trên đều chưa thực sự hiệu quả trong việc chống lại ánh nắng mặt trời.
Một trong những mẫu quảng cáo kem chống nắng đầu tiên năm 1958
Mãi đến năm 1938, thế giới mới có sản phẩm kem chống nắng thực sự do nhà hóa học trẻ người Úc Franz Greiter tạo ra sau khi anh phải đối mặt với những vết cháy nắng kinh khủng trên da vì leo núi. Sản phẩm này có khả năng hấp thụ các bức xạ tia cực tím và chuyển hóa chúng. Đến năm 1946, sản phẩm kem chống nắng mang tên Glacier Cream được tung ra thị trường và khái niệm nhân tố bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời (SPF) lần đầu được Greiter đề cập vào năm 1962.
4. Máy bán hàng tự động: Phát minh của Chúa
Mặc dù không phải là sản phẩm chỉ dành riêng cho mùa hè, nhưng bạn rất dễ dàng tìm thấy một chiếc máy bán hàng tự động khi đi chơi công viên hay sở thú vào mùa hè. Chiếc máy bán hàng tự động đầu tiên trong lịch sử được phát minh bởi Hero of Alexandria và dùng để phân phát… nước thánh trong nhà thờ.
Chiếc máy bán hàng tự động đầu tiên được dùng để bán… nước thánh
Chiếc máy là một loại hộp với khe hở để người mua có thể nhét tiền xu vào, sau đó đồng xu sẽ rơi vào một cái đĩa có nối với cần để mở nước. Dựa vào khối lượng của đồng xu, máy sẽ bơm ra khối lượng nước tương ứng. Chiếc đĩa này được thiết kế nghiêng để đồng xu có thể trượt từ từ xuống và cần mở nước không chịu tác động lực của đồng xu, đồng thời đóng van xả nước thánh lại. Với thiết kế này, người mua chỉ có thể nhận lượng nước thánh tương ứng với số tiền mà họ bỏ ra.
Những chiếc máy bán hàng tự động xuất hiện lần đầu vào cuối thể kỷ 19 tại Anh. Năm 1883, Percival Everett đã thiết kế một chiếc máy để bán… bưu thiếp. Không lâu sau đó, nó được dùng để phân phối sách. Và đến nay, chiếc máy bán hàng tự động có thể cung cấp đa dạng các loại kẹo, đồ ngọt, đồ ăn vặt hay nước giải khát…
5. Phao bơi tay
Cũng như nhiều “phụ kiện” đi biển khác, phao bơi tay được chế tạo từ cao su hoặc bơm hơi lần đầu xuất hiện tại các bãi biển ở California vào năm 1931. Chúng có thiết kế tương tự như những vật dụng mà các đội thợ lặn dùng để vận chuyển thiết bị và đồ dùng trong thời kỳ thế chiến thứ nhất. Thiết kế hiện đại của phao bơi tay có hình tam giác với 2 cạnh được bơm hơi do nhà khoa học người Đức Bernhard Markwitz phát minh vào năm 1964.
Hình ảnh phao bơi tay lần đầu xuất hiện năm 1931
Năm 1938, Jonathon De Longe phát minh ra nguyên lý “quả bóng nổi trên biển” đã kéo theo sự hình thành một thị trường “béo bở” của các sản phẩm và phụ kiện bơm hơi, từ phao bơi đến bể bơi. Đến năm 1947, sản phẩm phao bơi tay trở nên phổ biến khi chúng được phân phối rộng rãi bởi công ty Doughboy.
6. Súng hơi nước
Mặc dù không phải là một món đồ chơi bơm hơi nhưng súng hơi nước lại trở thành sản phẩm “đắt hàng” nhất mỗi mùa hè. Sản phẩm này được phát minh vào đầu những năm 1980 bởi Lonnie Johnson – một kỹ sư làm việc trong phòng thí nghiệm NASA.
Trong thời gian rảnh, Johnson thường nghiên cứu về một loại máy bơm nhiệt sử dụng nước thay vì freon. Năm 1982, sau khi chế tạo thành công chiếc súng hơi nước đầu tiên, ông đã nhốt mình trong phòng tắm để thử nghiệm sản phẩm và kết quả là căn phòng ngập nước do phản lực quá mạnh. Mặc dù lần thử nghiệm thất bại nhưng đó là cơ sở để tạo ra sản phẩm súng hơi nước hoàn hảo sau này.
Năm 1989, dưới sự hỗ trợ của công ty Hasbro, sản phẩm súng hơi nước đã được tung ra thị trường. Nhờ đó, Johnson trở thành một triệu phú và thành lập công ty công nghệ của riêng mình cũng như phòng Nghiên cứu và phát triển mang tên Johnson. Điều này đồng nghĩa với việc ông không phải nhốt mình trong nhà tắm để… làm thí nghiệm nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4