TS Nguyễn Quốc Thục Phương: Nắng nóng mùa hè có giết được virus gây bệnh COVID-19 không?
Dù thế nào thì vẫn có thể hi vọng rằng hệ thống y tế của nước ta sẽ không bị quá tải đột ngột và vỡ trận như Vũ Hán (Trung Quốc) hoặc Ý nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng thực hiện các biện pháp chống dịch.
LTS: Khi dịch bệnh Covid-19 đã lan tràn khắp thế giới, cùng với các nhận xét cho rằng bệnh gây ra do chủng virus mới này có nhiều biểu hiện triệu chứng giống với cúm mùa, một câu hỏi tiềm ẩn niềm hy vọng lớn được đặt ra là liệu con virus này có bị suy yếu và giết chết vì nắng hè, tương tự các loài virus đã được biết đến hay không?
Trân trọng giới thiệu bài phân tích của TS Nguyễn Quốc Thục Phương, Chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, bang New York, Mỹ.
Có một hiện tượng đã được công nhận từ 2.500 năm trước bởi Hippocrates và Thucydides nhưng đến nay vẫn chưa được chú ý nhiều lắm: Nhiều loại bệnh truyền nhiễm có tính theo mùa (phổ biến hơn vào một mùa cụ thể). Tuy nhiên, câu giải thích cho hiện tượng này đột nhiên trở nên cấp bách hơn khi toàn thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19 .
SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh COVID-19, tính đến hết 22/3/2020 đã lây nhiễm cho hơn 304.000 người trên toàn cầu (số liệu thống kê được), hơn 12.000 người chết. Một số người lạc quan hy vọng nó sẽ giống cúm và giảm dần khi mùa hè đến ở vùng ôn đới của Bắc bán cầu, nơi hiện có khoảng một nửa dân số thế giới sinh sống. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ hy vọng đó. Tại Việt Nam, những ca bệnh được phát hiện đến nay chưa lây lan thành cụm dịch lớn (dù có thể nguyên nhân chủ yếu là do những biện pháp cách ly tức thời hữu hiệu của Việt Nam).
Chúng ta đã biết được những gì về COVID-19 và những virus gây dịch bệnh tương tự? Liệu virus SARS-CoV-2 có giảm đi khi hè đến? Chúng có biến mất hoàn toàn hay không?
Trong hình bên dưới, dựa trên hồ sơ sức khỏe của liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ, mỗi bong bóng đại diện cho tỷ lệ phần trăm các trường hợp hàng năm xảy ra trong mỗi tháng. (Dữ liệu đã cũ vì nhiều bệnh đã biến mất sau khi tiêm chủng được thực hiện rộng rãi).
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích cho tính mùa vụ của các dịch bệnh này. Ví dụ như mối quan hệ giữa mầm bệnh, môi trường và hoạt động của con người. Chẳng hạn, cúm thường hoành hành vào mùa đông vì các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ môi trường thuận lợi.
Martinez cũng đang nghiên cứu một lý thuyết khác: Hệ thống miễn dịch của con người có thể thay đổi theo mùa, trở nên đề kháng tốt hơn hoặc dễ bị nhiễm trùng tuỳ vào mức độ ánh sáng mặt trời cơ thể chúng ta nhận được. Hiểu nôm na rằng cơ thể có sức đề kháng yếu hơn vào mùa lạnh do thiếu nắng.
Có hai nhóm virus chính:
- Một nhóm (non-enveloped virus) có vật liệu di truyền được đóng gói bên trong lớp vỏ protein (gọi là capsid).
- Nhóm khác (enveloped virus như hình minh họa) có lớp vỏ ngoài được làm từ chất béo do chúng sử dụng lớp màng tế bào của vật chủ khi thoát ra.
Vòng đời của virus có vỏ ngoài (Hình vẽ có chỉnh sửa từ sách Nấu ăn thông minh – Tác giả Nguyễn Quốc Thục Phương).
Neal Nathanson, một nhà virus học danh dự tại Đại học Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, cho rằng khả năng tồn tại của virus bên ngoài cơ thể con người (ví dụ trong các giọt bắn) là rất quan trọng.
Virus có vỏ ngoài thường mỏng manh hơn và dễ bị tổn thương trước các điều kiện bất lợi, bao gồm, nhiệt mùa hè và độ ẩm không khí. Cúm và các coronavirus, bao gồm SARS-CoV-2 đều là virus có vỏ ngoài.
Tác giả bài viết - TS Nguyễn Quốc Thục Phương, chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại ĐH Rochester, New York, Mỹ.
Một nghiên cứu năm 2018 trong tạp chí Science Report cho kết quả giống với nhận định của Neal Nathason. Nhà virus học Sandeep Ramalingam tại Đại học Edinburgh và các đồng nghiệp đã phân tích đặc tính theo mùa của 9 loại virus. Theo ông Ramamam, virus có vỏ ngoài thường có tính theo mùa rất rõ ràng.
Ví dụ, RSV và cúm đạt đỉnh dịch trong những tháng mùa đông. Cả hai đều chỉ lây lan mạnh trong khoảng 4 tháng lạnh mỗi năm.
Trong khi đó, rhinovirus (virus phổ biến nhất gây cảm lạnh thông thường bên cạnh các chủng coronavirus), thuộc nhóm không có vỏ ngoài. Sự lây lan của chúng không phụ thuộc vào thời tiết lạnh và đạt cực đại khi trẻ em trở lại trường sau kỳ nghỉ hè và mùa xuân.
Độ ẩm không khí (hiểu đơn giản là lượng hơi nước có trong không khí) cũng được cho là ảnh hưởng mạnh đến sự tồn tại và lây nhiễm bệnh của các virus có vỏ ngoài.
Độ ẩm tuyệt đối giảm mạnh vào mùa đông, vì không khí lạnh giữ ít hơi nước hơn mùa hè. Nghĩa là vào mùa đông, khi không khí khô hơn thì virus hoạt động mạnh hơn.
SARS-CoV-2 là virus có vỏ ngoài, nên liệu chúng có sẽ chết đi nhanh hơn vào mùa xuân và mùa hè, khi trong không khí có nhiều hơi nước hơn (độ ẩm tuyệt đối và tương đối tăng lên) hay không?
Hai loại virus gần với SARS-CoV-2 nhất là SARS và virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), không đưa đủ manh mối cho chúng ta. SARS xuất hiện vào cuối năm 2002 và bị loại trừ hoàn toàn vào mùa hè năm 2003 thông qua các nỗ lực ngăn chặn mạnh mẽ. MERS thỉnh thoảng chuyển từ lạc đà sang người và đã gây ra dịch bệnh trong bệnh viện, nhưng không bao giờ lây truyền từ người sang người như COVID-19. Cả hai loại đều không lưu hành đủ lâu và trên quy mô đủ rộng để ta có thể theo dõi đặc tính theo mùa của chúng.
Bốn loại coronavirus khác (thường gây cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp ở người) tiết lộ cho ta biết nhiều hơn, dù trình tự gen của chúng ít giống với SARS-CoV-2 hơn. Trong một bài báo năm 2010, nhà nghiên cứu sinh học phân tử Kate Templeton tại Đại học Edinburgh đã phân tích 11.661 mẫu thử từ hệ hô hấp được thu thập từ năm 2006 đến 2009.
Kết luận được đưa ra là bốn loại coronavirus này có đặc tính theo mùa như bệnh cúm.
Một nghiên cứu (chưa qua kiểm duyệt của chuyên gia) được công bố trong tuần này kết luận rằng việc lây nhiễm COVID-19 liên tục trong cộng đồng dường như chỉ xảy ra ở các dải vĩ tuyến cụ thể trên toàn cầu có nhiệt độ từ 5°C đến 11°C và độ ẩm tương đối 47% đến 70%.
Như vậy, hiện vẫn chưa có chứng cớ chắc chắn về việc COVID-19 có đặc tính theo mùa như một số loại virus gây bệnh dịch ở người khác hay không.
Dù giả sử COVID-19 có đặc tính lan truyền theo mùa, thì theo nhận định của các chuyên gia, khả năng COVID-19 biến mất hoàn toàn khi mùa hè đến ở Bắc bán cầu là rất thấp. Bởi vì cần có sự cân bằng giữa các yếu tố môi trường và mức độ miễn dịch của cộng đồng.
Các coronavirus khác đã có từ lâu, vì vậy một bộ phận dân số đã có khả năng miễn dịch, giúp hạn chế phát tán các virus này trong điều kiện không thuận lợi. Thế nhưng điều này khó có thể áp dụng cho COVID-19.
Mặc dù sự lây lan COVID-19 có thể giảm nhiều vào mùa hè, nhưng nếu có đủ người nhạy cảm trong cộng đồng, virus này vẫn có thể truyền từ người sang người và lưu hành trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, dù COVID-19 có thể sẽ không hoàn toàn biến mất, nhưng việc lây lan theo mùa của COVID-19 (nếu có), vẫn có thể mang lại hi vọng rằng hệ thống y tế của nước ta sẽ không bị quá tải đột ngột và vỡ trận như Vũ Hán (Trung Quốc) hoặc Ý nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng thực hiện các biện pháp chống dịch.
Độ ẩm không khí là gì?
Có hai khái niệm về độ ẩm không khí thường được sử dụng:
- Độ ẩm tuyệt đối (absolute humidity) là hàm lượng hơi nước tính trong một đơn vị thể tích không khí (ví dụ gam trên mét khối, g/m3). Độ ẩm tuyệt đối thay đổi khi áp suất không khí thay đổi, do đó thường được dùng trong hoá học kỹ thuật và ít thông dụng hơn trong cuộc sống hàng ngày.
- Độ ẩm tương đối (Relative Humidity hay RH) là chỉ số cho biết lượng hơi nước trong không khí ở một nhiệt độ xác định so với lượng hơi nước không khí có thể chứa tối đa ở cùng nhiệt độ đó, thể hiện theo dạng (%). Nói đơn giản hơn, khi độ ẩm tương đối đạt 100% (hơi nước bão hoà), lượng hơi nước trong không khí đã đạt đến mức tối đa có thể tại nhiệt độ đó. Nếu tiếp tục thêm hơi nước vào, sẽ có hiện tượng hơi nước ngưng tụ và biến đổi thành giọt hơi nước to hơn, sương mù hoặc mây. Độ ẩm tương đối thường được dùng trong dự báo thời tiết.
Trong một bài báo năm 2010 trên PLOS Biology, Shaman và nhà dịch tễ học Marc Lipsitch của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan báo cáo: Việc giảm độ ẩm tuyệt đối giải thích rõ hơn sự khởi phát của dịch cúm ở Hoa Kỳ so với nhiệt độ hoặc độ ẩm tương đối.
* Bài viết lược dịch từ bài báo được trích dẫn và có bổ sung thêm ý kiến của tác giả.
Tài liệu tham khảo:
https://www.sciencemag.org/news/2020/03/why-do-dozens-diseases-wax-and-wane-seasons-and-will-covid-19
https://congngheviet.com/khong-khi-la-gi-neu-noi-100-no-co-nghia-la-khong-khi-da-tro-thanh-nuoc-hay-khong/
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"