Từ boongke dành cho "ngày tận thế" tới những hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân, giới nhà giàu đang tránh dịch theo những cách "đốt tiền"
Trong khi hầu hết chúng ta tự cô lập mình trong nhà hoặc những căn hộ để tránh dịch, giới nhà giàu có rất nhiều cách xa hoa để ngăn chặn virus lây lan cho gia đình mình.
Hầm trú ẩn lên ngôi
Rising S là công ty sản xuất hầm ngầm và hầm tránh bom. Doanh thu của công ty hiện đã tăng gấp 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Khác hoàn toàn với tình cảnh bi đát của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp thế giới, Rising S lại đang hưởng lợi từ đại dịch toàn cầu Covid-19.
Là công ty có trụ sở ở Mỹ, CEO Clyde Scott cho biết ông nhận được cuộc gọi trên khắp thế giới, bao gồm khách hàng ở cả những nước mà Scott chưa bao giờ phục vụ như Croatia. Theo vị CEO này, chi phí trung bình để xây dựng một hầm trú ẩn mà các khách hàng đang ưa chuộng có giá 150.000 USD.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm ngoái ở Trung Quốc, thế giới đã có gần 600.000 người nhiễm virus corona. Nó khiến hàng tỷ người phải chịu cách ly hoặc hạn chế đi ra ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bùng lên ở Trung Quốc nhưng hiện nay, Mỹ mới là ổ dịch lớn nhất thế giới.
Larry Hall, lãnh đạo Survival Condo - một công ty sản xuất boongke khác ở Mỹ, cũng cho biết doanh số của công ty tăng đột biến do dịch bệnh bùng phát. Hiện tại, nhiều người có khả năng mua những hầm trú ẩn mà công ty cung cấp.
"Trước đây, chúng tôi thường phải đưa mọi người tới thăm thú để có thể bán hàng. Giờ đây, khách hàng ùn ùn kéo tới và lựa chọn một cách nhanh chóng, giống như họ đang rất cần đến chúng", Hall chia sẻ.
Dù nhận được nhiều cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Trung Đông, Đông Á hay châu Âu nhưng hầu hết các khách hàng của Hall đều là người Mỹ. Họ là những người làm việc trong một loạt các ngành nghề, bao gồm cả bác sĩ, kỹ sư hay chuyên gia công nghệ.
Đơn giá cho một hầm trú ẩn rơi vào khoảng 500.000 tới 2,4 triệu USD. Chúng chẳng giống nơi trú ẩn tận thế mà như một khu nghỉ dưỡng bất khả xâm phạm với hồ bơi trong nhà, phòng tập thể hình hay thậm chí là có cả những bức tường leo núi.
Đảo hẻo lánh giữa biển đắt giá
Tuy nhiên, hầm trú ẩn chưa phải lựa chọn duy nhất. Một số người chọn mua những hòn đảo giữa biển để tránh virus và tận thưởng một không gian mở hơn là chui xuống lòng đất. Hòn đảo tư nhân Gladden là một ví dụ. Nằm ngoài khơi bờ biển Belize của Caribbean, hòn đảo trở nên đặc biệt bởi nó hoàn toàn riêng tư, Chris Krolow, giám đốc kinh doanh công ty Private Islands, cho biết.
Những người phục vụ sống trên một hòn đảo nhỏ khác gần đó. Khi có nhu cầu, người ta sẽ liên lạc bằng ánh đèn để thông báo. "Đây có thể là nơi an toàn nhất hành tinh cho những ai muốn ẩn nấp chủng virus khủng khiếp này vì nó nằm xa bờ gần 40 km và nằm trên một rạn san hô", Krolow mô tả. Tuy nhiên, để thuê hòn đảo này, 2 người cần bỏ ra 2.950 USD/đêm.
Một địa điểm khác ở vùng biển Caribbean là Blue Island thuộc Bahamas. Nó có đường băng riêng nên nhận được sự chú ý rất lớn của những người sở hữu máy bay cá nhân. Hòn đảo này có giá 70 triệu USD.
Krolow cũng cho biết mình nhận được nhiều cuộc gọi vào tuần trước từ những người có du thuyền, đi quanh những hòn đảo cố gắng tìm nơi an toàn để dừng lại và sẵn sàng trả phí.
Máy bay, du thuyền được ưa thích
Máy bay phản lực cá nhân và du thuyền cũng là công cụ tránh dịch được ưa chuộng của giới siêu giàu. Jonathan Beckett, CEO Burgess Yachts, cho biết nhiều người đang quyết định sẽ ở lại trên biển để tránh dịch. Những tour kéo dài 4 tuần hoặc 7 tuần cũng đã được thiết kế để giúp các gia đình có thể lênh đênh trên các đại dương thời dịch bệnh.
Trên du thuyền, trẻ em không chỉ được học hành tại nhà mà còn được nấu ăn với các đầu bếp trên tàu và dành thời gian trong phòng máy để tìm hiểu thêm những khía cạnh khác của chiếc du thuyền.
Trong khi đó, Christopher Williams-Martin, CEO FlyEliteJets, cho biết việc kinh doanh thuận lợi hơn từ ngày 14/2. Khi đó, xuất hiện tin đồn về một cái gì đó khá lớn sẽ tác động đến các chuyến bay thương mại. Williams-Martin cho biết công ty của ông bắt đầu nhận nhiều cuộc gọi từ các khác hàng, bao gồm nhiều cựu Đại sứ.
Tuy nhiên, 2 tuần trước, Martin nhận thấy nhu cầu đi lại tăng mạnh, cao gấp 30 lần so với thông thường. Thay vì chở các nghệ sĩ đi lưu diễn, các doanh nhân đi làm ăn, đó là yêu cầu từ những người muốn trở về nhà trước khi biên giới bị phong tỏa.
Theo Martin, nhu cầu với dịch vụ này đang tăng vọt. Hiện tại, có 300 người đặt chuyến trong khoảng thời gian 3-4 ngày. Việc các hãng hàng không thương mại không thể tiến hành khai thác dịch vụ vì dịch bệnh lây lan nghĩa là những gì mà các hãng bay tư nhân cung cấp không còn có nghĩa là quá đắt đỏ để sử dụng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"