Triệu Vệ Quốc hiện là tỷ phú công nghệ Trung Quốc với tài sản ước tính không dưới 2 tỷ USD. Ít ai biết được rằng tỷ phú này từng có thời phải chăn cừu nuôi lợn để kiếm sống.
Từ nhỏ, Triệu Vệ Quốc đã sớm hiểu rằng giáo dục là cách duy nhất để thoát khỏi cảnh chăn cừu nuôi lợn ở nông thôn Trung Quốc. Ba mươi năm sau ngày trở thành sinh viên Đại học Thanh Hoa danh giá, vị tỷ phú này đang xây dựng một đế chế công nghệ của riêng mình nhờ sự hậu thuẫn từ ngôi trường ông từng theo học.
Những hợp đồng mua lại nhiều nhà sản xuất chip cùng quan hệ đối tác với Hewlett-Packard và tập đoàn Intel đã góp phần không nhỏ đưa Thanh Hoa Unigroup trở thành doanh nghiệp cung cấp thiết bị bán dẫn, dịch vụ di động và điện toán đám mây hàng đầu Trung Quốc. Hiện tại, được biết công ty này đang lên kế hoạch chi tới 23 tỷ USD cho thương vụ M&A với Micron Technology nhằm theo đuổi tham vọng soán ngôi đầu bảng của Samsung Electronics trong nền công nghiệp chip nhớ đầy cạnh tranh.
Liên tiếp thực hiện các thương vụ sáp nhập, Thanh Hoa Unigroup dường như đang chung tay với chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong công cuộc giải phóng Trung Quốc khỏi tình trạng lệ thuộc công nghệ nặng nề vào các nước tiên tiến khác, đặc biệt phải kể đến công nghệ bán dẫn được coi như mũi nhọn đối với an ninh quốc gia. Ông Triệu cho biết, ông xây dựng chiến lược dựa trên những nhu cầu mà một doanh nghiệp phát triển bền vững cần có, hơn là theo đuổi mục đích chính trị.
"Thức ăn nên được ăn từng chút một. Chặng đường nên được chinh phục bằng từng bước. Và những quyết sách của chúng tôi cũng sẽ gắn với xu hướng công nghiệp và điều kiện thực tiễn của tập đoàn. Tôi là một doanh nhân. Nhiệm vụ chính là điều hành trơn tru hoạt động của doanh nghiệp"
Đó là những gì ông Triệu viết trong e-mail gửi cho trang Bloomberg.
Công ty mà ông đứng đầu, đồng thời là cánh đầu tư chủ chốt của Đại học Thanh Hoa, đã chi ra hơn 4 tỷ USD cho các hợp đồng sáp nhập trong hai năm qua. Tuy nhiên đến giờ phút này tập đoàn Thanh Hoa không lên tiếng nói thêm điều gì về Micron. Công ty có trụ sở tại Boise, Idaho này cũng chưa đưa ra quyết định cuối cùng có chấp nhận lời đề nghị từ Thanh Hoa hay không.
Xuất thân từ nông thôn
Hành trình trở thành tỷ phú công nghệ của người con sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tân Cương xa xôi phía Tây Bắc Trung Quốc (giáp Mông Cổ và Kyrgyzstan) - Triệu Vệ Quốc, là một chặng đường rất dài. Tuổi thơ của ông gắn liền với ngôi làng nhỏ gần thủ đô Kabul (Afghanistan) hơn cả Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Triệu Vệ Quốc hiện là tỷ phú công nghệ Trung Quốc với tài sản ước tính không dưới 2 tỷ USD.
"Tôi từng chăn lợn và nuôi cừu để trang trải cuộc sống. Tôi biết rằng chỉ có giáo dục mới đổi thay được số phận của mình" - Ông viết.
Tỷ phú 48 tuổi kiếm sống bằng việc sửa chữa TV và viết phần mềm máy tính suốt thời gian còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, ông tìm được việc làm tại thung lũng silicon của Trung Quốc - vùng Trung Quan Thôn thuộc Bắc Kinh, cũng là nơi tập đoàn Lenovo và Baidu đặt tại.
Công ty Thanh Hoa ra đời và trở thành Liên Tập đoàn vào năm 1988, hoạt động như nhà đầu tư của trường Đại Học nổi tiếng này. Khi được tư nhân hóa vào năm 2010, doanh nghiệp dưới sự điều hành của Triệu Vệ Quốc đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Liên Tập đoàn.
Quyên góp ủng hộ trường Đại học Thanh Hoa
"Triệu Vệ Quốc có những hướng đầu tư rất độc đáo. Sau khi nhắm tới một công ty, ông cân nhắc nó trong thời gian dài nhưng đưa ra đề nghị với đối tác thì vô cùng nhanh chóng" - Gu Wenjun, giám đốc phân tích tại công ty tư vấn iCwise ở Thượng Hải, nhận định. "Ông ấy cho rằng Trung Quốc đang thiếu nhà cung cấp chip nhớ, nên cơ hội là ở đây".
Ông Triệu nhận được nhiều cảnh báo của các nhà sản xuất chip Trung Quốc rằng thị trường này quá đắt đỏ và đang dần trở thành thị trường bong bóng, nhưng ông vẫn từ chối những lời gợi ý rằng ông nên thay đổi quyết định.
"Tôi không bao giờ thay đổi đam mê và quyết tâm của mình cho ngành công nghiệp sản xuất chip", ông viết. "Tôi thích được lựa chọn chủ động, hơn là phải chấp nhận một cách bị động".
Thanh Hoa Unigroup cho hay vào tháng 2 vừa qua, họ đã nhận 10 tỷ Nhân Dân tệ từ quỹ của Chính phủ trong suốt 5 năm đầu tư vào các công ty sản xuất chip, một trong số các công ty con đã đồng ý mua quyền quản lý mạng lưới Hewlett-Packard tại Trung Quốc và nhiều công ty cung cấp máy chủ với tổng giá trị 2.3 tỷ USD.
"Giáo dục đã đổi thay cuộc sống của tôi, nên tôi đặc biệt tâm huyết với giáo dục"
Một vài thương vụ sáp nhập khác của Thanh Hoa bao gồm hai công ty RDA Microelectronics và Spreadtrum Communications. Bản thân ông Triệu đang sở hữu khối tài sản không dưới 2 tỷ USD, theo số liệu từ Bloomberg Billionaires Index.
Ông cho biết đã ủng hộ 100 triệu USD cho giáo dục và cam kết dành một phần không nhỏ gia tài cho ngôi trường 104 tuổi của mình tại Bắc Kinh, nơi cả Chủ tịch Tập và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng học tập.
"Giáo dục đã đổi thay cuộc sống của tôi, nên tôi đặc biệt tâm huyết với giáo dục. Tôi đã hứa sẽ ủng hộ 70% tài sản cá nhân cho Đại học Thanh Hoa".
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"