(GenK.vn) - Tự làm đồ công nghệ là một thú vui của những người thực sự có đam mê thực hành với các linh kiện điện tử. Với những linh kiện đơn giản dễ kiếm, chúng ta có thể làm được những thiết bị mà xưa nay vẫn nghĩ chỉ có thể đi mua.
Tóm tắt bài viết:
- Hướng dẫn bạn đọc tự chế tạo một món đồ chơi sử dụng với điện thoại thông minh để làm điều khiển từ xa cho các thiết bị sử dụng sóng hồng ngoại như TV, điều hòa, quạt, đầu kỹ thuật số v.v...
- Giá thành linh kiện để tạo được sản phẩm này chỉ mất khoảng 20 ngàn đồng.
Trong cộng đồng những người ham thích tìm tòi công nghệ thì thực hành là điều mà rất nhiều người sợ. Họ sợ phải động chạm vào những thứ nằm ngoài tầm hiểu biết của mình, họ sợ vì phải phá phách những thứ giá trị để thu được 1 thứ cảm giác vui thích khi phá lanh tanh bành 1 thứ gì đó.
Đối với nhiều nước phát triển trên thế giới, DIY (Do It Yourself) hay dịch nôm là tự làm một món đồ gì đó, đây là một hoạt động khá phổ biến và được những người có đam mê yêu thích vì nó gắn liền với thực tế. Còn ở Việt Nam những thứ này còn khá xa vời với các bạn trẻ cho dù ngày nay, điều kiện để có thể tiếp cận đến những thứ như DIY là điều rất dễ đáp ứng.
Ví dụ như món đồ chơi mà GenK sắp giới thiệu tới bạn đọc dưới đây có thể khiến nhiều bạn trẻ yêu công nghệ cảm thấy được sự phấn khích khi tự tay mình tạo ra được thứ gì đó thỏa mãn mà cái giá phải trả lại chỉ bằng 1 phần 10 so với việc cầm tiền và đi mua một món đồ chơi tương tự do người khác làm.
Trong bài viết hôm nay, GenK sẽ hướng dẫn bạn đọc một thiết bị cũng không có gì mới mẻ bởi cũng đã từng có rất nhiều bài viết tại Việt Nam nói tới đó chính là bộ điều khiển từ xa cho máy ảnh DSLR với chi phí khoảng 20 ngàn đồng cho 1 bộ.
Tác dụng của món đồ chơi
Trước tiên, chúng ta cần biết tác dụng cụ thể của món đồ chơi mà ta sắp làm dưới đây đó là điều khiển cho chiếc máy ảnh DSLR chụp ảnh mà không cần đứng bấm máy, rất phù hợp để các bạn "thể hiện" trước đám đông trong các buổi tham quan dã ngoại với cái mác "tự làm".
Phần lớn các máy ảnh DSLR phổ thông hiện nay đều được trang bị 1 cổng nhận sóng hồng ngoại trên thân máy, cổng này có cấu tạo tương tự trên các loại thiết bị điều khiển từ xa như TV, điều hòa, đầu đĩa, quạt v.v... có thể nhận được tín hiệu hồng ngoại định trước để chụp ảnh mà không cần có người đứng bấm máy. Và món đồ chơi mà chúng ta chuẩn bị thực hành dưới đây là một thứ phụ kiện cắm thêm vào bất cứ chiếc smartphone nào (trên lý thuyết) để biến chiếc smartphone đó thành một bộ remote cho máy ảnh với giá khoảng 20 ngàn đồng thay vì một thứ phụ kiện chính hãng được bán với giá khoảng 15 USD.
Chuẩn bị đồ dùng và một số chú ý
Đối với những người thường xuyên làm DIY nói chung và làm về những món đồ điện nói riêng thì công cụ là thứ không thể thiếu, những thứ này là loại vật tư chỉ cần sắm 1 lần và có thể dùng lâu dài trong các món đồ chơi mà GenK hướng dẫn trong tương lai.
Dụng cụ cần thiết:
- Mỏ hàn thiếc: Mỏ hàn thiếc là một món đồ khá phổ biến đối với người thích tháo lắp đồ điện tử, loại mỏ hàn này hiện có 2 loại chính:
Mỏ hàn nung: là mỏ hàn cắm điện để nung nóng đầu mỏ hàn liên tục và duy trì nhiệt độ đủ làm chảy thiếc hàn liên tục cho đến khi chúng ta rút điện. Loại mỏ hàn này có khá nhiều ưu điểm đối với người phải hàn nhiều mối liên tục nhưng nhược điểm của nó là liên tục duy trì ở nhiệt độ cao nên nếu không kiểm soát mỏ hàn tốt thì nó khá nguy hiểm khi sử dụng. Giá thành của mỏ hàn loại này rơi vào khoảng 50 tới 90 ngàn đồng.
Mỏ hàn xung: là loại mỏ hàn có thể đưa đầu mỏ hàn từ nhiệt độ thường lên nhiệt độ làm chảy thiếc trong thời gian vài giây vì thế mà mỏ hàn không cần phải ở trạng thái cấp điện liên tục nên khi không sử dụng mỏ hàn này ở nhiệt độ thường và ít bị ảnh hưởng nếu có lỡ tay chảm phải đầu hàn. Bù lại mỏ hàn xung khá nặng nên không phù hợp với người phải hàn nhiều. Giá của loại mỏ hàn này rơi vào khoảng 150 tới 170 ngàn đồng.
Cả 2 loại mỏ hàn này có thể dễ dàng tìm thấy ở các khu vực chợ linh kiện điện tử như ở Hà Nội là khu Thịnh Yên thuộc khu chợ Trời khá nổi tiếng.
Trong trường hợp làm đồ chơi công nghệ như bài viết thì mỏ hàn xung là một món đồ nên trang bị nếu các bạn thực sự có hứng thú với công việc này.
- Thiếc hàn: là một loại kim loại đã được làm thành sợi sẵn dùng để dính vào các chân linh kiện bằng kim loại. Giá của 1 cuộn thiếc khoảng 10 ngàn đồng và có thể dùng trong vòng 1 tháng nếu chỉ để làm đồ chơi.
- Nhựa Thông: Là loại chất dùng để tẩy rửa các chân kim loại để dễ bám thiếc hơn. Giá của nhựa Thông cũng rất rẻ khoảng 5-10 ngàn 1 cục có thể dùng tới cả năm.
Tất cả những món đồ kể trên đều có thể tìm mua ở dãy bán đồ điện tử trên phố Thịnh Yên.
Linh kiện làm đồ chơi:
Sau khi đã chuẩn bị đủ công cụ chúng ta sẽ quay lại với những linh kiện cần thiết để làm món đồ chơi kể trên.
- 2 bóng LED hồng ngoại: LED hồng ngoại có hình dáng không khác gì so với đèn LED sáng trắng bình thường nhưng có thể nhìn vào đỉnh của bóng để phân biệt.
Để kiếm được linh kiện này các bạn có thể đến các khu đồ điện tử của chợ Trời nói trên và hỏi mua bóng LED hồng ngoại. Bóng này có giá 300 ngàn/ 100 bóng hoặc 50 ngàn/ 10 bóng. Loại bóng này thường được sử dụng trên các loại điều khiển từ xa TV, điều hòa v.v... vì vậy các bạn có thể tháo lấy 2 bóng từ đây thay vì đi mua 10 bóng mới.
Đèn LED trắng nhìn từ trên đỉnh sẽ là một chất phát quang màu vàng.
LED hồng ngoại nhìn từ trên xuống sẽ là một chấm đen.
- 1 Jack 3.5 mm: là loại jack cắm tai nghe 3.5 mm thông thường mà chúng ta vẫn sử dụng trong các loại tai nghe. Các bạn có thể hỏi mua Jack 3.5 mm mới ở chợ hoặc cắt từ những chiếc tai nghe không sử dụng nữa. Ở đây GenK mua 1 Jack mới với giá 10 ngàn đồng.
Bộ Jack 3.5 mm có giá 10 ngàn đồng.
- Smartphone (android hoặc iOS) để cắm món đồ chơi vừa tạo, chọn Android hoặc iOS là vì phần mềm dễ kiếm hơn.
Bắt đầu chế tạo đồ chơi
Món đồ chơi mà chúng ta sắp làm có cấu tạo vô cùng đơn giản như sau:
Bước 1: nối 2 bóng hồng ngoại với nhau theo sơ đồ.
Bóng LED hồng ngoại cũng có cấu tạo gồm 2 cực âm dương như bóng LED trắng thường, đặc điểm nhận biết 2 cực này đó là nhìn từ mặt ngang thì chân nối với mảng kim loại nhỏ hơn là cực dương, bên còn lại là cực âm. Hoặc nếu bóng mới mua thì chân dài hơn sẽ là cực dương.
Cực bên trái là âm, bên phải là dương.
Theo như sơ đồ, chúng ta sẽ hàn cực dương của bóng thứ nhất với cực âm của bóng thứ 2 tương tự nối 2 cực còn lại với nhau.
Điểm cần hàn.
Sau khi hàn xong hoặc các bạn có thể cắt ngắn bớt chân thừa hoặc xoắn nó vào thành chân của cụm bóng luôn.
Bước 2: Xác định đầu dây cần hàn trên Jack 3.5 mm
Vì 2 cực này nối ngược chiều nhau nên khi nối cụm đèn này vào jack 3.5 chúng ta không cần để ý tới chiều của bóng mà chỉ cần quan tâm làm sao để các chân không bị chạm nhau.
Trên jack 3.5 mm có 3 tầng trong đó tầng 1 và 2 là là 2 đầu tương ứng với tai trái và tai phải của tai nghe. Nếu dùng dây cắt từ tai nghe cũ thì các bạn cần tìm cách xác định xem dây nào là tầng 1 dây nào là tầng 2. Tầng 3 là tầng GND (nối đất) trong trường hợp này chúng ta không sử dụng vì thế cần cách điện không cho cực 3 chạm vào 2 cực này. Nếu sử dụng Jack 3.5 mua mới thì có thể dễ dàng nhận thấy đâu là tầng 1 và tầng 2.
Bước 3: Hàn Jack 3.5 với bóng hồng ngoại
Như sơ đồ, sau khi hàn được 2 bóng với nhau ta tiếp tục hàn 2 đầu của cụm bóng vào tầng 1 và 2 của Jack 3.5 mm ( không cần quan tâm chiều bóng).
Hàn chân của cụm bóng vào 2 chần 1 và 2 của jack 3.5 mm. Lớp ống nhựa được lồng vào để cách điện với chân số 3.
Sau khi hàn.
Bước 4: Cách điện và trang trí
Dùng băng dính hoặc những loại vật liệu cách điện để tránh chạm giữa các tầng và bọc lại cho đẹp.
Bước 5: Chuẩn bị phần mềm.
GenK sử dụng iPhone 4 để làm thí nghiệm với một app miễn phí có tên IrdslrRemote (tải tại đây) và chọn đúng loại máy ảnh mà chúng ta cần điều khiển. Ở đây chúng tôi thử trên 1 chiếc DSLR khá cũ là Canon 550D.
Bước 6: Dùng thử
Cắm món đồ chơi chúng ta vừa tạo vào cổng tai nghe 3.5 mm trên iPhone.
Chỉnh sang chế độ chụp ảnh bằng remote trên máy DSLR. Gạt về chế độ MF để máy chụp ngay không cần lấy nét (Nếu để AF chúng ta cần giữ nút chụp bên iphone lâu 1 chút để máy lấy nét rồi mới chụp).
Hướng đèn hồng ngoại vào đầu nhận hồng ngoại của DSLR thường nằm ở chỗ tay cầm của máy ảnh và bấm chụp.
Một số kinh nghiệm
Trên thực tế thử nghiệm của chúng tôi, với công suất trên cổng 3.5 của iPhone 4 thì khoảng cách có thể điều khiển chụp được từ xa bằng thiết bị này ở khoảng cách 3 mét, với những smartphone có cổng 3.5 mm công suất cao hơn (cắm tai nghe thấy âm to hơn) thì khoảng cách này cũng xa hơn.
Theo một số thủ thuật để tăng tầm phát của sóng hồng ngoại có một cách khá đơn giản đó là dùng giấy kim loại như giấy bạc nướng đồ ăn bọc phía dưới của đèn hồng ngoại để hướng tia hồng ngoại tập trung vào 1 hướng và tăng tầm phát của thiết bị.
Ngoài ra với thiết bị này các bạn có thể tải các phần mềm giả lập sóng hồng ngoại của các hãng TV hay điều hòa nổi tiếng để điều khiển các thiết bị khác trong gia đình chứ không chỉ riêng máy ảnh.
Vậy là với các bước đơn giản, các bạn có thể tự chế tạo 1 món đồ chơi công nghệ có tác dụng "khoe mẽ" rất cao đặc biệt là trong các buổi đi chơi dã ngoại tập thể.
Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết DIY tiếp theo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android