Từ chối cho một startup chuyển sang văn phòng nhỏ hơn sau khi giảm 2/3 nhân sự giữa mùa dịch, WeWork đẩy đối tác vào cảnh phá sản
Nhà đầu tư rất bất ngờ và tức giận trước suy nghĩ ngắn hạn của WeWork rằng tại sao lại đẩy một startup vào cảnh phá sản, thay vì nhận được ít tiền hơn?
Charlie O'Donnell, nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở New York, người sáng lập và đối tác của quỹ Brooklyn Bridge Ventures đã tức giận với WeWork đến nỗi tuyên bố sẽ khuyên tất cả các startup của mình tẩy chay nền tảng chia sẻ không gian làm việc này.
Sự thất vọng của Charlie bắt nguồn từ việc WeWork từ chối cho một trong những startup thuộc danh mục đầu tư của ông chuyển đến một văn phòng nhỏ hơn và trả ít tiền thuê hơn sau khi họ buộc phải sa thải lượng lớn nhân viên vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Charlie cho biết sự cứng nhắc của WeWork nhiều khả năng sẽ đẩy công ty trên vào cảnh phá sản trong khi họ hoàn toàn có thể để đối tác thu hẹp không gian thuê văn phòng nhằm tiết kiệm chi phí và cầm cự cho đến lúc được hoạt động trở lại. Về phần mình, WeWork từ chối bình luận về chính sách đối với những startup muốn chuyển sang thuê văn phòng nhỏ hơn trong thời gian này.
Một không gian cho thuê của WeWork.
Được biết, startup thuộc danh mục đầu tư của Charlie vừa dọn tới một văn phòng lớn hơn của WeWork vào tháng 1, trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ khiến hàng loạt văn phòng phải đóng cửa. Theo Charlie, ở thời điểm đó, startup này đang phát triển mạnh, tăng doanh thu và có 20 nhân viên. WeWork đã giảm giá thuê văn phòng cho họ để đổi lấy một cam kết dài hơn so với hợp đồng thuê theo từng tháng.
Tuy nhiên, đến tuần đầu tiên của tháng 4, việc tạm ngừng các hoạt động kinh tế đã buộc startup trên phải sa thải 2/3 nhân viên, từ 20 người xuống còn 6 người. Charlie nói rằng nhà sáng lập chỉ còn đủ tiền mặt để cầm cự trong vài tháng cho đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại nếu cắt giảm được chi phí thuê văn phòng.
Nhà đầu tư kể lại: "Họ từng đàm phán với WeWork: ‘Chúng tôi sẽ không đi đâu cả và không hủy hợp đồng thuê văn phòng. Nhưng hiện công ty chỉ còn 6 người và văn phòng lại dành cho 20 người. Vậy nên chúng tôi có thể chuyển đến một nơi nhỏ hơn với chi phí thấp hơn không?’. Và câu trả lời của WeWork là Không! Nếu vẫn phải duy trì tiền thuê văn phòng lớn trong khi doanh thu giảm đáng kể, không sớm thì muộn họ sẽ phá sản".
Có nhiều lý do khiến Charlie nổi giận và thất vọng. Một trong số đó là vì WeWork từng tự quảng cáo là một công ty cung cấp không gian linh hoạt dành cho các startup nhưng lại không linh động với những trường hợp gặp khó khăn trong đại dịch. Trong khi đó, không ít công ty thuộc danh mục đầu tư của Charlie đã đạt được thỏa thuận với người cho thuê để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Ông cũng rất bất ngờ trước suy nghĩ ngắn hạn của WeWork rằng tại sao lại đẩy một startup vào cảnh phá sản thay vì nhận được ít tiền hơn? Nếu linh động hơn, hành động của họ sẽ được coi là hỗ trợ lẫn nhau trong đại dịch và tạo thiện cảm không hề nhỏ. Nhà đầu tư chia sẻ với Business Insider: "Đối với tôi, WeWork đang hành động như một công ty không nghĩ rằng mình có thể tồn tại trong 1 năm nữa".
Tất nhiên, giống hầu hết các công ty khác trong lĩnh vực bất động sản, WeWork cũng đang chịu không ít áp lực. Đại dịch Covid-19 dẫn tới việc sa thải nhân viên hàng loạt ở nhiều startup, đối tác chính của công ty. Theo thống kê, từ ngày 11/3, hơn 200 startup tại Mỹ đã sa thải hơn 19.000 nhân viên.
Ngoài ra, WeWork cũng đang đàm phán lại một số thỏa thuận và có thể thanh toán chậm cho một số chủ nhà, theo Wall Street Journal. Một tin không mấy tươi sáng khác là tập đoàn SoftBank đã hủy bỏ thỏa thuận chi 3 tỷ USD để mua lại cổ phiếu WeWork từ cựu CEO Adam Neumann và các cổ đông khác bất chấp nguy cơ bị kiện.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời