Từ chuyện chuối sắp tuyệt chủng nghĩ đến tương lai loài người

    Kuroe,  

    Đáp án cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai, một phần nằm ở việc con người có thể bảo tồn và phát triển những loài cây mới có khả năng chịu đựng điều kiện môi trường khắc nghiệt

    Vào những năm 50 của thế kỉ trước, có hai loại chuối nổi tiếng toàn cầu. Đó là chuối Cavendish - tức chuối tiêu lùn - loại chuối mà chúng ta vẫn ăn hàng ngày, và chuối Gros Michel, tuy nhỏ hơn, nhưng lại ngọt hơn rất nhiều.

    Tuy nhiên, chuối Gros Michel đã bị tuyệt chủng bởi dịch bệnh héo rũ Panama. Điều này khiến cho ngành xuất khẩu chuối toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, phụ thuộc hoàn toàn vào loài chuối Cavendish. Thế nhưng, các chuyên gia giờ cũng đang lo ngại rằng chuối Cavendish rồi cũng sẽ bị tấn công, bởi biến thể mạnh hơn của dịch Panama.

     Chuối Cavendish quen thuộc với tất cả mọi người

    Chuối Cavendish quen thuộc với tất cả mọi người

    Những ngày gần đây, thế giới lại một lần nữa tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học, nhà báo, cũng như các chính trị gia vừa mới kết thúc những cuộc tranh luận của mình tại Paris, trước những hình ảnh về thiên tai đe dọa cuộc sống con người. Cùng với đó, là kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay góp sức nhằm đưa ra những giải pháp thông minh hơn trong việc sử dung năng lượng sạch.

    Đồng thời, bên lề hội nghị COP 21 tại Paris, là những cuộc thảo luận khác, xung quanh vấn đề làm cách nào để tạo ra một hệ sinh thái thông minh thích ứng được với biến đổi khí hậu. Một phần "đáp án" cho câu hỏi này, nằm ở các loài thực vật - và chúng ta phải tìm ra loài cây nào chống chọi được với điều kiện khí hậu ra sao, cũng như làm cách nào để bảo tồn và phát triển được chúng.

    Có thể, vào thời điểm đọc bài viết này, các bạn đang ngồi bên màn hình máy tính, nhâm nhi tách cà phê sáng của mình. Trên thế giới có tới 124 chủng loài cà phê khác nhau, được trồng ở khắp mọi nơi, từ châu Phi cho tới Úc. Nhưng chúng ta chỉ uống 2 loại trong số đó, mà chủ yếu là cà phê Arabica. Theo các mô hình khí hậu của tương lai, giống cà phê này sẽ khó lòng có thể sống được trong môi trường khí hậu khắc nghiệt, khi nhiệt độ tăng cao và hạn hán diễn ra liên miên. Vậy đến lúc đó, chúng ta kiếm đâu ra những tách cà phê sáng?

     Tất cả các tách cà phê mà chúng ta đang uống hiện tại đều đến từ giống cà phê Arabica

    Tất cả các tách cà phê mà chúng ta đang uống hiện tại đều đến từ giống cà phê Arabica

    Câu trả lời chắc chắn sẽ nằm ở một trong 123 loài còn lại - đặc biệt là những loài có thể sinh sống ở những vùng đất khô cằn với nhiệt độ mùa hè lên tới hơn 40 độ C. Tuy nhiên, nếu muốn làm được điều này, chúng ta cần phải tìm ra đích danh loại cây cà phê đó có tên gì, chúng có đặc điểm ra sao, có phù hợp để trồng như một cây công nghiệp hay không, và đương nhiên, là vị của chúng như thế nào.

    Đương nhiên, công việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức, khi mà các nhà khoa học sẽ phải bỏ ra hàng tháng trời ngoài thực địa để tìm kiếm những giống cây trồng mới phù hợp hơn. Nhưng đây là cách duy nhất nếu như chúng ta muốn đảm bảo có một nguồn tài nguyên dồi dào cho thế hệ tương lai - không chỉ riêng cà phê, mà còn cả những loài thực vật khác cần cho những nhu cầu về thức ăn, quần áo, cũng như thuốc thang của con người.

    80% nguồn calorine nạp vào cơ thể chúng ta mỗi ngày đến từ chỉ 12 loài thực vật. Tới tận 50% số đó đến từ chỉ 3 loài - ngô, gạo và lúa mì. Việc cần làm của chúng ta là tiếp tục tìm kiếm những loài cây họ hàng của các loài trên, cũng như nghiên cứu và bảo tồn chúng như một phương án dự phòng trong tương lai. Mất công mất sức thật đấy, nhưng đó là điều cần thiết phải thực hiện.

    Trong quá khứ, đã từng có lúc con người phải chịu hậu quả khi quá phụ thuộc vào một loài cây. Giữa những năm 50 của thế kỉ 19, người dân Ireland phải trải qua nạn đói kinh hoàng, khi toàn bộ các ruộng khoai tây tại đây mất mùa vì bệnh dịch. Nguyên do là bởi, trước đó, Ireland đã quá quen thuộc với chỉ một giống khoai tây duy nhất, và khi dịch bệnh diễn ra, người dân tại đây không có cách nào để chống chọi. Bệnh dịch lan khắp từ ruộng khoai này qua ruộng khoai khác, khiến tất cả những củ khoai tây tại đây đều rữa ra thành bột đen. Hậu quả là, dân số Ireland giảm đi 1/4 sau nạn đói kinh hoàng này.

     Người dân Ireland vì quá phụ thuộc vào chỉ một giống khoai tây mà phải trải qua nạn đói kinh hoàng vào lúc mất mùa

    Người dân Ireland vì quá phụ thuộc vào chỉ một giống khoai tây mà phải trải qua nạn đói kinh hoàng vào lúc mất mùa

    Ngày nay, nơi đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển những giống cây mới là Vườn thực vật Hoàng gia Kew tại Vương quốc Anh. Thậm chí còn có cả hội nghị chuyên đề được tổ chức tại đây về khả năng phục hồi của các loài cây trồng, kéo dài trong suốt một ngày trời.

    Tại Vương quốc Anh, còn nhiều viện khác cũng tham gia vào việc nghiên cứu và bảo tồn các loài cây phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày của con người, như các loại đậu, trái cây, rau củ, cũng như lúa mì. Ở đây, các loài cây được phân loại, lưu trữ, bảo tồn, nghiên cứu, cũng như mở rộng số lượng loài nhiều hơn nữa. Kinh phí hỗ trợ các công việc tại các viện thực vật này đến từ chính phủ cũng như các hội đồng nghiên cứu tại Anh. Và rất có thể, nhờ vậy, chúng ta sẽ có một nguồn cung cấp các loài thực vật dồi dào không chỉ tại Anh, mà còn ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

     Vườn rau ngày hè tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew, Vương quốc Anh

    Vườn rau ngày hè tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew, Vương quốc Anh

    Ernest Rutherford từng nói, khoa học hoặc là công việc nghiên cứu đơn thuần, hoặc giống như việc sưu tầm tem. Nhưng có lẽ, giờ đây, trước những thách thức rất lớn mà con người phải đối mặt về vấn đề môi trường, thì việc thu thập và "sưu tầm" cũng trở nên quan trọng không kém. Chúng ta cần đến sự đa dạng để có thể đương đầu với một tương lai khó khăn.

    Tham khảo telegraph.co.uk

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ