Từ chuyện xe ôm Grab lách luật, chuyên gia khẳng định: Muốn phát triển kinh tế nền tảng, người Việt cần từ bỏ kiểu lợi ích cá nhân cục bộ

    Hồng Lam, Theo Trí Thức Trẻ 

    Theo ông Vũ Tú Thành, một trong những đặc thù quan trong của kinh tế nền tảng là xây dựng hệ sinh thái mà ở đó có các quan hệ đối tác tin cậy, sòng phẳng, cùng nhau sống trên một con thuyền. Nhưng ở Việt Nam chưa có tư duy này.

    Nền tảng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, trong đó công nghệ được sử dụng để kết nối con người, tổ chức và tài nguyên trong một hệ sinh thái có sự tương tác để tạo ra và trao đổi lượng giá trị đáng kinh ngạc.

    Sự ra đời của website Vatgia.com vào năm 2006 đánh dấu sự xuất hiện của kinh tế nền tảng tại Việt Nam và đến nay, đã có thêm hàng chục nền tảng khác cùng phát triển. Người ta biết đến Tiki, Lazada trong ngành thương mại điện tử, Uber, Grab trong vận tải, hay Airbnb, Agoda, Traveloka trong ngành du lịch,...

    Tuy nhiên để kinh tế nền tảng thực sự phát triển ở Việt Nam, vẫn còn nhiều thách thức mà một trong số đó là kiểu tư duy tập trung vào lợi ích cá nhân thay vì cùng hợp tác để lớn mạnh.

    "Nói đến kinh tế nền tảng, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng hệ sinh thái với các mối quan hệ đối tác tin cậy, sòng phẳng, cùng sống trên một con thuyền, cùng gắn kết lợi ích và có lòng tin với nhau. Chỉ cần một đối tác mắt xích không thực hiện đúng vai trò, toàn bộ hệ thống sẽ có nguy cơ sụp đổ vì có hiệu ứng dây chuyền", ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc khu vực ASEAN thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN chia sẻ.

    "Ở Việt Nam, chưa có tư duy đó. Người ta hay nghĩ đến lợi ích cá nhân trước mắt, cục bộ hơn là lợi ích lâu dài. Từ người tiêu dùng đơn lẻ, đến doanh nghiệp cho đến tổ chức đều chưa tư duy được mình đang ngồi trên cùng con thuyền và mỗi hành động thu vén cho lợi ích cá nhân sẽ là hành động chọc thủng con thuyền đó".

    Từ chuyện xe ôm Grab lách luật, chuyên gia khẳng định: Muốn phát triển kinh tế nền tảng, người Việt cần từ bỏ kiểu lợi ích cá nhân cục bộ - Ảnh 1.

    Lấy ví dụ cụ thể hơn, ông Thành cho biết với ứng dụng kết nối khách hàng và tài xế như Grab, khi hệ thống vận hành hiệu quả thì lợi ích của các bên đều tăng lên. Tuy nhiên rất nhiều lái xe Grab mặc cả khách hãy tắt ứng dụng đi, phần phí hãng thu về sẽ được cả hai bên "cưa đôi". Như vậy khách hàng được giảm tiền, lái xe được tăng tiền, còn doanh nghiệp cung cấp ứng dụng không được đồng nào.

    "Hành khách đi xe và lái xe được lợi trước mắt nhưng về lâu dài việc kinh doanh không bền vững và có thể sớm ‘chết yểu’. Nếu thật như thế, lái xe sẽ không còn công cụ tiếp cận khách hàng và chính khách hàng cũng phải quay lại dùng dịch vụ truyền thống với tất cả phiền toái trước đây".

    Trên thực tế, theo ông Thành, không chỉ Grab mà rất nhiều mô hình kinh tế nền tảng dựa trên quan hệ đối tác đều gặp "kẻ ăn cắp lòng tin của cộng đồng". Vì vậy, để phát triển kinh tế nền tảng hay các hoạt động kinh tế nói chung, phải nhận ra và giải quyết thách thức này, trước hết ở góc độ văn hoá và pháp luật.

    Ở góc độ văn hoá, chuyên gia Thành cho rằng, các tổ chức, cá nhân cần ý thức được muốn có lợi, hãy nhìn lâu dài.

    "Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể phát triển trên cơ sở giẫm đạp lên người khác. Chúng ta chỉ phát triển bền vững khi những người xung quanh cũng được lợi; còn nếu nghĩ sẽ thu lợi trên cơ sở người khác chi trả cho sự thịnh vượng của mình thì đấy là quan điểm sai lầm".

    Ở góc độ pháp luật, theo ông Vũ Tú Thành, Việt Nam nên có hệ thống khuyến khích tưởng thưởng cho người có lịch sử giao dịch uy tín cũng như xây dựng chế tài xử lý những người vi phạm để ngăn họ tái phạm nhiều lần.

    "Tôi hy vọng kết hợp các biện pháp trên sẽ giúp Việt Nam xây dựng được hạ tầng mềm cần thiết trước khi nói đến phát triển kinh tế nền tảng".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ