Không phải mà các hệ điều hành từ chỗ nằm dưới quyền kiểm soát của một công ty duy nhất đến chỗ trở thành "của chung" nhưng rồi lại thu về một mối.
MS-DOS: "Quả đắng" của IBM và trái ngọt của tất cả các nhà sản xuất khác
Thành công của Microsoft đến từ một quyết định sau này được coi là sai lầm tai hại nhất trong lịch sử của IBM nói riêng và toàn bộ thế giới doanh nghiệp nói chung: cho phép Bill Gates nắm giữ bản quyền MS-DOS thay vì giữ lại làm của riêng IBM. Những gì diễn ra sau đó đã trở thành một câu chuyện quá quen thuộc với các tín đồ công nghệ: Bill Gates mang nhượng quyền MS-DOS cho cả các nhà sản xuất phần cứng ngoài IBM, mở đường cho cuộc cách mạng PC diễn ra rộng khắp. Dù vẫn nắm thế mạnh về thương hiệu và công nghệ trong thời gian đầu, IBM nhanh chóng tụt hậu trong các cuộc chiến sau đó trước khi bị các đối thủ Trung Quốc và Đài Loan "kết liễu" bằng các sản phẩm laptop, desktop giá rẻ.
Về phần mình, Microsoft tận dụng thành công của MS-DOS để làm nền tảng cho Windows (các bản Windows đầu tiên thực chất là một bộ giao diện chạy trên nền DOS) rồi vươn lên vị trí thống trị thế giới điện toán. Cho đến tận khi IBM phải từ bỏ mảng sản xuất, kinh doanh PC vào năm 2005, Microsoft vẫn là tập đoàn hi-tech đứng đầu thế giới về giá trị vốn hóa.
Với quyết định đúng đắn duy nhất là nắm giữ một hệ điều hành có thể chạy trên nhiều phần cứng, Microsoft đã khiến cho cả thế giới phụ thuộc vào mình. Ngày nay, dù đã tụt hậu trong cuộc đua di động, Microsoft thực chất vẫn trói buộc gần như toàn bộ ngành PC toàn cầu vào hệ điều hành của hãng – một vị thế mà ngay đến cả Apple lẫn Google đều chắc chắn sẽ không thể lật đổ.
Symbian nhiều chủ: Sống và chết vì nhiều chủ
Thị trường điện thoại di động cũng chứng kiến một sự thay đổi khổng lồ vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, khi cuộc cách mạng smartphone đầu tiên bắt đầu diễn ra. Lúc này, nhu cầu bắt buộc của ngành sản xuất di động là phải có một hệ điều hành có giao diện đồ họa đẹp cùng khả năng chạy các ứng dụng phức tạp. Symbian ra đời.
Dù cho sự sống và cái chết của hệ điều hành này gắn liền với Nokia, Symbian OS ban đầu được xây dựng bởi bộ phận phần mềm của Psion, một nhà sản xuất thiết bị di động tại Anh. Bộ phận này sau đó được tách rời ra làm một công ty riêng (Symbian Ltd.) với các chủ sở hữu bao gồm Nokia, Psion, Ericsson, Motorola và cả nhà mạng Nhật Bản NTT Docomo. Cũng giống như DOS, thành công của Symbian đến từ khả năng chạy trên nhiều loại phần cứng. Sự ủng hộ từ các tên tuổi lớn cho phép Symbian nhanh chóng vượt mặt các đối thủ lớn như BlackBerry OS, Palm OS hay Windows Mobile. Vào năm 2006, hệ điều hành này chiếm đến một nửa thị trường smartphone, cao gấp 3,5 lần so với mức 14% của Windows Mobile ở vị trí thứ 2.
Nhưng đáng tiếc là ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, Symbian vẫn mắc phải một điểm yếu đã đánh gục cả BlackBerry 10 lẫn Windows Phone của ngày nay: ứng dụng. Không muốn lặp lại sai lầm của IBM, các nhà sản xuất di động đã nhanh chóng tìm cách tự chế tạo ra các phiên bản Symbian của riêng mình, khác hẳn so với các đối thủ: Nokia, Samsung và LG có S60, Sony Ericsson và Motorola có UIQ còn một liên hiệp Nhật Bản dưới sự bảo trợ của NTT Docomo ra mắt MOAP(S). Xét từ nhiều khía cạnh, Symbian của ngày trước khá giống với Android của ngày nay: cũng là một hệ điều hành được nhiều nhà sản xuất sử dụng và cũng có nhiều phiên bản. Nhưng, trong khi các bản Android chủ yếu chỉ khác biệt về giao diện và bộ ứng dụng được các nhà sản xuất/nhà mạng cài đặt sẵn thì Symbian phân mảnh trầm trọng hơn rất nhiều: nếu bạn muốn phát triển cùng một ứng dụng cho cả S60 và UIQ, công sức mà bạn bỏ ra sẽ tương đương với việc phát triển 2 ứng dụng độc lập.
Chính điều này đã cho phép Apple giáng một đòn chí tử vào Symbian khi ra mắt chợ ứng dụng App Store từ thế hệ iPhone OS thứ hai. Khi iPhone ra đời vào năm 2007, Symbian đã có tổng cộng 10.000 ứng dụng, nhưng hệ điều hành này phải mất tới 7 năm để đạt tới cột mốc đó. Apple chỉ mất đúng 1 năm để thu hút được số ứng dụng tương tự nhờ có mô hình chợ ứng dụng hoạt động hiệu quả cũng như các bộ công cụ hỗ trợ tốt cho các nhà phát triển.
Nigel Clifford, người đã lãnh đạo Symbian trong những năm sống "ngắc ngoải" của hệ điều hành này khẳng định một điều sẽ khiến nhiều người giật mình: "Chúng tôi đã cố gắng kiểm soát 2 vấn đề không có giao diện đồng nhất trong hệ điều hành và cộng đồng ứng dụng/hệ sinh thái bị phân mảnh khá trầm trọng, nhưng các nhà sản xuất đã canh giữ 2 yếu tố này một cách thái quá, vì họ coi đây là những yếu tố khác biệt cho thiết bị của họ, công ty của họ. Do đó, họ thà giữ các tính năng cho riêng mình còn hơn là cho phép chúng tôi phát triển chúng để tạo ra một trải nghiệm người dùng đồng nhất tuyệt vời như những gì bạn nhận được từ Apple, nhờ đó giúp cho thiết bị của họ có thêm sức cạnh tranh từ những mối đe dọa thực sự to lớn từ Android, Apple và RIM".
Android: Vẫn phân mảnh, nhưng ở mức độ hợp lý
Phân mảnh đã giết chết Symbian, nhưng lại không thể ngăn cản một hệ điều hành khác vươn lên vị trí số 1 thế giới: Android. Khác với Symbian bị Apple đẩy vào lụi bại, Android đã luôn áp đảo ở mức thị phần cao gấp 5, 6 lần iOS trong những năm qua.
Cùng là một hệ điều hành do một công ty phát triển độc lập cho nhiều nhà sản xuất sử dụng, điều gì làm nên thành công của Android? Câu trả lời có lẽ là bởi vị thế của Google khác hẳn so với Symbian Ltd. Google là một trong những công ty hàng đầu thế giới và hiện nay là gần như không thể thay thế được, bởi chắc chắn phần đông người dùng không chấp nhận dùng Microsoft Bing, Yahoo hay Baidu thế chỗ cho Google. Ngược lại, Symbian phải chịu sự trói buộc của tất cả các nhà sản xuất phần cứng, và thậm chí các nhà sản xuất này còn nắm giữ một phần đủ nhiều để khiến cho các phiên bản Symbian khác nhau không thể tương thích với nhau.
Chưa kể, nguồn thu chính của Google vẫn đến từ các dịch vụ dữ liệu chứ không phải là doanh số smartphone. Android thực chất chỉ là cánh cổng mang người tiêu dùng đến với các dịch vụ kiếm tiền này, và bởi vậy Google sẵn sàng mở mã nguồn ra cho tất cả mọi người, nhưng cùng lúc vẫn kiểm soát toàn bộ quá trình phát triển những thành phần cốt lõi của Android. "Mã nguồn mở" ở đây chỉ là một vỏ bọc hoàn hảo cho tình trạng độc quyền, bởi quá trình phát triển những phiên bản Android riêng, độc lập với Google dù là có thể về mặt lý thuyết nhưng chắc chắn sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD khi đi vào thực tế.
Thêm nữa, những hệ điều hành như vậy gần như chắc chắn sẽ thất bại. Trong vài năm gần đây, Facebook, Samsung và nhiều ông lớn khác đều đã bại trận khi tìm cách biến Android trở thành của mình là hoàn toàn rõ ràng: dự án Facebook Home "chìm nghỉm" chỉ trong vòng 1 tháng sau khi phát hành, còn các chợ ứng dụng lẫn các dịch vụ cạnh tranh với Google của Samsung thì không những không có ai sử dụng mà còn bị chê là… phần mềm rác. Người ta vẫn thường chê bai Android là hệ điều hành phân mảnh trầm trọng so với iOS, nhưng ít nhất sự phân mảnh đó chỉ dừng lại ở mức độ cập nhật với nhiều phiên bản Android cũ và mới cùng tồn tại trên thị trường. Android đã tránh được điểm yếu chết người của Symbian (không tương thích ứng dụng giữa các phiên bản), cùng lúc giúp Google "trói" được các nhà sản xuất phần cứng.
Vòng tròn luẩn quẩn của hệ điều hành
Kể từ thời kỳ của MS-DOS, các hệ điều hành phổ biến nhất thế giới thực chất đã đi một vòng tròn: từ chỗ thuộc về một chủ duy nhất (MS-DOS, Windows) đến tình cảnh "một cổ nhiều tròng" (Symbian) và giờ đây lại chỉ thuộc về một công ty duy nhất (Android). Vị thế thống trị, không thể bị thay thế của Windows và Android cùng với tuổi đời ngắn ngủi của Symbian đã cho thấy một sự thật duy nhất: dù có bao nhiêu nhà sản xuất đi chăng nữa thì mỗi thị trường mới chỉ nên được áp đảo bởi một hệ điều hành duy nhất, do một nhà phát triển độc lập nắm quyền kiểm soát.
Thực tế là nếu như không có MS-DOS thì không chỉ chiếc IBM PC mà là toàn bộ thị trường PC sẽ không bao giờ có thể khởi sắc được. Symbian đạt được thành công tương đối chỉ vì "bám càng" được vị thế phần cứng của Nokia, nhưng ngay cả thành công đó vẫn quá nhỏ bé so với con số 1,5 tỷ thiết bị của Android ngày nay.
Vì sao lại như vậy? Đầu tiên, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể tùy biến rất sâu hệ điều hành trên phần cứng của họ, nhưng làm như vậy cũng sẽ buộc họ giảm bớt nguồn lực đầu tư vào phần cứng cũng như các tính năng phần mềm đòi hỏi phần cứng chuyên biệt. Việc nhiều công ty phần cứng cùng đầu tư phát triển song song các hệ điều hành khác nhau cũng sẽ không thể đem lại sản phẩm chất lượng cao như một ông lớn duy nhất.
Tệ hại hơn, việc nhiều hệ điều hành cùng chiếm thị phần đáng kể hay nhiều nhà sản xuất cùng làm chủ một hệ điều hành đang bành trướng sẽ gây ra tình trạng phân mảnh. Việc phát triển các ứng dụng hay game cho nhiều hệ điều hành cùng lúc bao giờ cũng sẽ gây ra những hậu quả tài chính rất lớn các nhà phát triển, đặc biệt là các nhà phát triển nhỏ lẻ. Không một ai muốn đầu tư vào một nền tảng khi số phận của nền tảng đó không rõ ràng, và giữa việc lựa chọn phát triển cho 4, 5 hệ điều hành có thị phần vào khoảng 20% với việc phát triển cho 2 hệ điều hành duy nhất, không một nhà phát triển nào sẽ lựa chọn phương án đầu tiên. Ứng dụng là linh hồn của bất cứ hệ điều hành nào, và nếu như không thể tạo dựng lòng tin cho giới lập trình, các hệ điều hành chắc chắn sẽ nắm phần thua cho dù có được đỡ đầu bởi các ông lớn như Microsoft hay Nokia đi chăng nữa.
Dĩ nhiên là các thị trường thường không chỉ có một hệ điều hành độc tôn. PC có cả Mac lẫn Windows, còn smartphone đang có cả iOS lẫn Android. Tuy vậy, để tạo dựng được một hệ điều hành nắm phần nhỏ mà vẫn sinh lời, vẫn thu hút được các nhà phát triển như Apple là không hề dễ dàng: hãy nhớ rằng đây là công ty đã rất nhiều lần tiên phong cho các dòng sản phẩm đột phá hoàn toàn mới cũng như đã xây dựng được một hình ảnh "hoàn hảo" trong mắt người tiêu dùng. Trong tất cả các thương hiệu điện toán, chưa một công ty nào khác đạt được vị thế như Apple.
Bởi vậy mà thế giới sẽ luôn (cần) có một ông lớn đứng ra kiểm soát một hệ điều hành độc tôn cho cả thị trường. Đôi khi, tình trạng độc quyền (dù không phải là hoàn toàn) sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn là thị trường bị san sẻ quá nhỏ. Thế giới đang đứng trước nhiều cuộc cách mạng như xe thông minh, nhà thông minh, Internet of Things…, và để những cuộc cách mạng này có thể đạt tới tầm cỡ của PC và smartphone, hãy cùng hy vọng Google, Microsoft hay một ông lớn nào đó sẽ tạo ra được một hệ điều hành áp đảo tất cả những đối thủ cạnh tranh khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming