Từ 'làm giàu không khó' đến phá sản trong 3 tháng: Dịch Covid-19 đẩy người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc vào cảnh khánh kiệt như thế nào?

    Jayden, Theo Tri thức trẻ 

    "Daigou" là những tay chuyên mua hàng nước ngoài rồi bán lại cho người Trung Quốc và tạo ra một thị trường nhiều tỷ USD. Thế nhưng, đó là câu chuyện trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

    Suốt nhiều năm, công việc hàng ngày của Zhu Nini là ngụp lặn trong thiên đường thời trang ở Dongdaemun - một trong các ngôi chợ nổi tiếng nhất Seoul. Cô cầm gậy tự sướng, live-stream cho khoảng 100.000 fan của mình ở Trung Quốc và giúp họ mua hàng theo ý thích.

    Cuộc sống Hàn Quốc của Zhu, 32 tuổi, đã chấm dứt bất ngờ từ tháng 1 vừa rồi, khi cô bay về Vũ Hán để ăn Tết cùng gia đình. Sau đó chỉ vài ngày, thành phố 11 triệu dân đóng cửa hoàn toàn do bùng phát dịch Covid-19. Đến nay Vũ Hán đã hết phong tỏa nhưng Zhu, cũng như hàng ngàn tay buôn chuyên nghiệp khác của Trung Quốc, vẫn chưa thể ra nước ngoài.

     Từ làm giàu không khó đến phá sản trong 3 tháng: Dịch Covid-19 đẩy người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc vào cảnh khánh kiệt như thế nào? - Ảnh 1.

    Một chuyến săn hàng của Zhu Nini ở Hàn Quốc

    "Đại dịch đã khiến nhiều ngành công nghiệp lâm vào cảnh túng quẫn, cạn kiệt nguồn lực và chật vật để sinh tồn - daigou chắc chắn nằm trong nhóm này" - Zhu cho biết.

    Nghề daigou ở xứ Trung: Từ kiếm tiền nhanh đến thu nhập bị chững lại

    Daigou là những người Trung Quốc ra nước ngoài săn hàng rồi về bán lại ở đại lục. Các mặt hàng bao gồm từ đồ xa xỉ đến sữa bột trẻ em - vốn hiếm có khó tìm, không đa dạng chủng loại hay có giá bán cao ở Trung Quốc sau khi nhập khẩu. Daigou từ lâu được xem là một "thị trường màu xám" do sử dụng nhiều phương thức khác nhau, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, để tránh thuế nhập khẩu khi chuyển hàng về nước.

    Thị trường này ước tính cung cấp việc làm cho 1 triệu người và tạo ra nhiều tỷ USD mỗi năm. Năm 2014, cứ 10 sản phẩm xa xỉ bán cho người Trung Quốc thì 4 sản phẩm là do daigou mua, theo hãng tư vấn Bain & Company. Trong đó, Hàn Quốc là tọa độ tập trung nhiều daigou nhất do nổi tiếng với các sản phẩm làm đẹp và thời trang.

    Tuy nhiên, việc giao thương đã đột ngột dừng lại khi các quốc gia hạn chế di chuyển, bắt buộc cách ly đối với người nhập cảnh và đóng cửa nhiều cửa hàng mua sắm, thậm chí ngừng vận chuyển hàng hóa quốc tế.

     Từ làm giàu không khó đến phá sản trong 3 tháng: Dịch Covid-19 đẩy người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc vào cảnh khánh kiệt như thế nào? - Ảnh 2.

    Thiên đường mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc trở nên ảm đạm giữa đại dịch (Ảnh: Newsis/Xinhua)

    Được biết, có 2 nhánh daigou ở Trung Quốc. Một là daigou địa phương, chuyên "nằm vùng" ở nước ngoài và gửi hàng về nước. Hai là những daigou "tiền tươi thóc thật", bay qua bay về liên tục giữa Trung Quốc và điểm đến quốc tế rồi trực tiếp xách tay hàng hóa. Điểm chung của họ là đều chịu khủng hoảng giữa đại dịch.

    Chen Yuanyuan thuộc nhóm thứ hai. Suốt nhiều năm, cô canh vé máy bay giá rẻ đến Hàn Quốc, mua sắm nào là son môi, mặt nạ, sản phẩm dưỡng da... ở cửa hàng miễn thuế. Cách tiếp cận gọn gàng và chi phí thấp của Chen giúp cô vượt qua nhiều cuộc biến động của thị trường daigou, ví dụ như sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử hay luật thương mại năm 2009, theo đó thắt chặt quy định thuế dành cho daigou.

    Kể từ khi trở về thành phố Hạ Môn đón năm mới, Chen đã mắc kẹt ở quê nhà suốt hàng tháng nay. Cô vốn làm công ăn lương, chỉ xem daigou như một nghề tay trái nên không dại gì mạo hiểm ra nước ngoài lúc này.

    Hành khách di chuyển giữa Trung - Hàn đều phải cách ly 2 tuần, cả đi lẫn về tổng cộng cách ly đúng 1 tháng. Những ai vi phạm đều bị xử lý rất nặng. Vào tháng 3, Bắc Kinh đã tạm giữ 36 daigou về từ Hàn Quốc để theo dõi y tế. Cảnh sát địa phương cũng cho 50 daigou khác vào "danh sách đen" cấm di chuyển hàng không, khiến họ không thể rời khỏi Trung Quốc.

    "Mỗi ngày đều có rất nhiều khách hàng hỏi tôi chừng nào mới bay sang Hàn Quốc. Tôi bảo họ 'đến khi đại dịch này đã được kiểm soát trên toàn cầu'. Tôi vẫn đang có nhiều khách hàng và đơn hàng mới, nhưng vì không thể di chuyển nên chuyện làm ăn đã dở dang hết" - Chen cho biết.

    Những daigou ở trời Tây cũng chật vật không kém, thị trường này sẽ sụp đổ?

    Những daigou sinh sống ở nước ngoài cũng đang lâm vào cảnh khánh kiệt. Họ không lo lắng về việc di chuyển và cách ly, thế nhưng hiện giờ các dịch vụ vận chuyển lại đang hoạt động cầm chừng.

    Long, một người chuyên săn hàng cao cấp ở Paris, cho biết việc chuyển hàng đang rất gian nan. Một kiện hàng từng có thể chuyển trực tiếp giữa Pháp với Trung Quốc, giờ đây phải đi qua các điểm trung gian như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore và nhiều thành phố khác nhau ở xứ Trung trước khi đến tay người nhận. "Bình thường chỉ sau 7-10 ngày là khách hàng đã có được sản phẩm, nhưng bây giờ mất 3 tuần" - Long nói.

     Từ làm giàu không khó đến phá sản trong 3 tháng: Dịch Covid-19 đẩy người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc vào cảnh khánh kiệt như thế nào? - Ảnh 3.

    Các dịch vụ giao hàng, logistics chỉ bắt đầu phục hồi ở Trung Quốc vài tuần nay (Ảnh: Sixth Tone)

    Long còn lo lắng cho sức khỏe của mình. "Vào đầu tháng 1, tôi đã nghe rằng 3 người nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Paris là du khách từng mua sắm ở nhiều trung tâm thương mại" - Long nói. Từ đó, cô cảm thấy những cửa tiệm xa xỉ như Balenciaga, Chanel hay Gucci trở nên đáng sợ hơn vì có thể tập trung nhiều người nước ngoài.

    Đến giữa tháng 3, Paris đã cho đóng cửa hoàn toàn các điểm mua sắm. Lúc đó, Long cũng đổi tên tài khoản WeChat của mình thành "Khu thương mại đóng cửa rồi", nhắc nhở các khách hàng hãy thôi ý định mua sắm giữa tình hình hiện tại.

    "Nếu có bất kỳ daigou nào ở Pháp, Anh, Ý nói rằng họ vẫn đang xếp hàng mua đồ cho bạn, hãy hủy kết bạn đi nhé. Chuyện đó là không thể" - Long cho biết.

     Từ làm giàu không khó đến phá sản trong 3 tháng: Dịch Covid-19 đẩy người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc vào cảnh khánh kiệt như thế nào? - Ảnh 4.

    Các cửa hàng xa xỉ đều đã đồng loạt đóng cửa ở Anh, Pháp, Ý... khi đại dịch Covid càn quét châu Âu (Ảnh: AFP/Xinhua)

    Không chỉ nguồn thu nhập về mức 0 nhanh chóng, các daigou còn gánh chịu hậu quả kinh tế dai dẳng. Thói quen mua sắm của khách hàng có thể sẽ thay đổi mãi mãi sau đại dịch. Hơn nữa, cạnh tranh giữa các daigou vốn đang khốc liệt hơn bao giờ hết do bùng nổ nền tảng live-stream. Chỉ những ai thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng, bắt trend nhanh nhạy thì mới có thể tồn tại.

    Ví dụ như Zhu Nini ở Vũ Hán, cô cho biết vào năm 2017, mình có thể kiếm lời tới 60 tệ (200 nghìn đồng) cho một chiếc áo thun. Nhưng hiện giờ, lãi được 10 tệ đã là may mắn rồi. "Những daigou có lượng người theo dõi cao và bán ra cỡ 10.000 sản phẩm/ngày vẫn có thể kiếm được khối tiền. Nhưng các tân binh trong ngành này thì khó mà trụ vững" - Zhu nhận xét.

    Một buổi live-stream bán hàng của Zhu Nini

    Hiện tại, Zhu đang tập trung kết nối với những khách hàng trung thành và có hầu bao dày. Nhưng nếu thời gian tới vẫn không thể mở rộng được tệp khách hàng, Zhu khó mà tiếp tục công việc daigou thêm nữa. "Đại dịch đã khiến cả thị trường chao đảo, và có lẽ tôi cũng không vượt qua được".

    (Theo Sixth Tone)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ