Từ SARS đến corona, Trung Quốc đã nhảy vọt trên chuỗi cung ứng toàn cầu và điều đó khiến kinh tế thế giới đứng trước nhiều nguy cơ

    Giang Ng, Theo Tri thức trẻ 

    Gần 20 năm kể từ khi dịch SARS, Trung Quốc đã trở thành một nhân tố quan trọng, thiết yếu đối với nền kinh tế thế giới. Do đó, những tổn thất về kinh tế mà dịch bệnh lần này để lại chắc chắn sẽ trầm trọng hơn.

    Vào năm 2002, khi dịch SARS bùng lên ở Trung Quốc , thì các nhà máy ở quốc gia này hầu hết vẫn đang sản xuất các loại đồ giá rẻ, như áo phông và giày sneaker, cho toàn thế giới. 17 năm sau, một loại virus gây bệnh chết người khác lại xuất hiện, lây lan nhanh chóng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng điều khác biệt ở đây là, Trung Quốc hiện tại đã trở thành một nhân tố quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Điều này khiến cho dịch bệnh mới đã trở thành mối đe doạ kinh hoàng hơn đối với thế giới.

    Từ SARS đến corona, Trung Quốc đã nhảy vọt trên chuỗi cung ứng toàn cầu và điều đó khiến kinh tế thế giới đứng trước nhiều nguy cơ - Ảnh 1.

    Sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc

    Rất nhiều công ty quốc tế đang phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất sản phẩm và doanh số bán hàng phần lớn cũng đến từ đại lục. Giờ đây, họ đang lên tiếng cảnh báo về những vấn đề lớn khi dịch bệnh lây lan.

    Apple, Startbucks và Ikea đang tạm thời đóng cửa các cửa hàng tại Trung Quốc. Các trung tâm thương mại lớn không khác gì bị bỏ hoang, đe doạ đến doanh số bán hàng của một loạt công ty lớn như Nike, Under Armour và McDonald's. Các nhà máy sản xuất ô tô cho General Motors và Toyota đang trì hoãn ngày sản xuất khi chờ đợi các công nhân quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - hiện đang được kéo dài theo lệnh của chính phủ. Các hãng hàng không quốc tế, bao gồm American Airlines, Delta Airlines, United Airlines và British Airways, huỷ mọi chuyến bay đến đại lục.

    Từ SARS đến corona, Trung Quốc đã nhảy vọt trên chuỗi cung ứng toàn cầu và điều đó khiến kinh tế thế giới đứng trước nhiều nguy cơ - Ảnh 2.

    Dù các nhà máy Trung Quốc vẫn sản xuất rất nhiều các sản phẩm đơn giản, có giá trị thấp như quần áo, đồ nhựa, nhưng từ lâu họ đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong những lĩnh vực tiên tiến và sinh lời nhiều hơn như sản xuất smartphone, máy tính và phụ tùng ô tô. Quốc gia này đã trở thành một phần thiết yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, họ sản xuất những linh kiện cần thiết cho nhiều nhà máy từ Mexico cho đến Malaysia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng trỗi dậy và trở thành một thị trường tiêu dùng khổng lồ, một quốc gia 1,4 tỷ dân với nhu cầu lớn đối với các thiết bị điện tử, thời trang và những chuyến đi tốn kém đến Disneyland.

    Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã phần nào thúc đẩy xu hướng tách rời giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những công ty đa quốc gia vốn sử dụng nhà máy ở Trung Quốc hiện đang tìm nhiều cách để né tránh thuế quan, bằng cách chuyển quá trình sản xuất sang nước khác. Virus corona thậm chí có thể đẩy nhanh quá trính này, ít nhất là trong một thời gian, nếu các công ty toàn cầu cảm thấy khó tiếp cận với Trung Quốc hơn.

    Kinh tế Trung Quốc lao đao vì virus corona

    Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ước tính sẽ đạt mức 5,6%, thấp hơn so với mức 6,1% của năm ngoái, theo dự báo từ Oxford Economics dựa vào tình trạng lây lan của dịch bệnh do virus corona. Đây cũng là yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ giảm 0,2% xuống mức 2,3% hàng năm - tốc độ yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính 1 thập kỷ trước.

    Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, đối mặt với tình trạng virus hoành hành, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc mạnh, giảm 9% vào phiên giao dịch sáng ngày 3/2. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực trong những ngày gần đây vì giới đầu tư cho rằng cuộc khủng hoảng về sức khoẻ cộng đồng có thể trở thành cú sốc đối với nền kinh tế.

    Trong một dấu hiệu cho thấy sự lo ngại sâu sắc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm 2/2 đã đưa ra kế hoạch bơm thêm 174 tỷ USD để cứu nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, trong đó bao gồm 22 tỷ USD sẽ được phân bổ để trực tiếp hỗ trợ thị trường tiền tệ và nới lỏng quy định cho vay đối với các công ty trong nước.

    Từ SARS đến corona, Trung Quốc đã nhảy vọt trên chuỗi cung ứng toàn cầu và điều đó khiến kinh tế thế giới đứng trước nhiều nguy cơ - Ảnh 3.

    Sự bùng phát của virus từ Vũ Hán đã khiến chính quyền nước này phải phong toả thành phố này và phần lớn tỉnh Hồ Bắc. Cho đến hiện tại, tác động đối với các nhà máy vẫn còn hạn chế vì dịch bệnh diễn ra đúng dịp Tết Nguyên đán.

    Dịch viêm phổi do virus corona đã chắc chắn sẽ khiến doanh thu của ngành du lịch và khách sạn Trung Quốc sụt giảm đáng kể. Các khách sạn và nhà hàng vốn rất đông đúc giờ đây đều trống trơn. Các buổi hoà nhạc, sự kiện thể thao đều bị huỷ bỏ. IMAX cũng hoãn ngày công chiếu phim mới tại Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch thực hiện vào kỳ nghỉ lễ.

    Ngay cả khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, thì hoạt động kinh doanh khó có thể trở lại bình thường. Nhiều khu công nghiệp lớn, như ở Thượng Hải, Tô Châu và Quảng Đông, đã kéo dài kỳ nghỉ ít nhất thêm 1 tuần nữa. Hơn nữa, khi các chuyến bay đến Trung Quốc bị huỷ rất nhiều và kiểm soát y tế gắt gao hơn, thì các hoạt động tại nước này của các công ty đa quốc gia phần nào cũng bị hạn chế. Các ngân hàng lớn, gồm Goldman Sachs và JPMorgan, đang đưa ra chỉ đạo các nhân viên từng đến Trung Quốc sẽ ở nhà trong 2 tuần.

    Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị phá vỡ

    Năm ngoái, General Motors ghi doanh số bán ô tô ở Trung Quốc lớn hơn ở Mỹ. Dẫu vậy, các nhà máy của GM ở Trung Quốc sẽ đóng cửa ít nhất 1 tuần nữa theo yêu cầu của chính phủ. Ford Motor cũng yêu cầu các giám đốc ở Trung Quốc nên làm việc ở nhà khi nhà máy đang không hoạt động.

    Tất cả những yếu tố này có thể gây ra sự xáo trộn mạnh đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất linh kiện, từ các nhà máy ô tô từ vùng Trung tây của Mỹ và Mexico cho đến các nhà máy sản xuất đồ may mặc tại Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu khách hàng không thể có thứ họ cần từ Trung Quốc, thì các công ty ở đây có thể phải cắt giảm đơn đặt hàng, máy móc, linh kiện và nguyên liệu thô nhập khẩu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, đồng từ Chile và Canada, thiết bị nhà máy từ Đức và Italy.

    Nỗi lo ngại tương tự cũng diễn ra khi dịch SARS hoành hành hồi năm 2002 và 2003. Ở thời điểm đó, virus này xuất hiện ở miền nam tỉnh Quảng Đông, lan rộng ra khắp Trung Quốc và thế giới, khiến gần 800 người tại ít nhất 17 quốc gia tử vong. Trong nhiều năm kể từ đó, sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần, từ 1,7 nghìn tỷ USD lên gần 14 nghìn tỷ USD, theo WB. Thị phần trong thương mại toàn cầu đã tăng gấp đôi, từ 5,3% lên 12,8% vào năm ngoái, theo Oxford Economics.

    Từ SARS đến corona, Trung Quốc đã nhảy vọt trên chuỗi cung ứng toàn cầu và điều đó khiến kinh tế thế giới đứng trước nhiều nguy cơ - Ảnh 4.

    Chưa dừng ở đó, ngành bán dẫn của Mỹ cũng "gắn bó" đặc biệt với Trung Quốc, quốc gia này vừa là trung tâm sản xuất chính vừa là thị trường cho các sản phẩm của họ. Khách hàng của Intel tại Trung Quốc mang về khoảng 20 tỷ USD doanh thu cho công ty này trong năm 2019, tương đương 28% tổng doanh thu của cả năm. Qualcomm thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào đại lục, quốc gia này chiếm 47% doanh thu hàng năm từ doanh số bán hàng.

    Hiện tại, vẫn không rõ sự bùng phát của virus corona sẽ kéo dài bao lâu, lan rộng bao xa hay cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Việc tính toán về mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể xác định. Nhưng quy mô lớn mạnh của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới cũng cho thấy tác động của dịch bệnh lần này có khả năng vượt xa đáng kể so với SARS.

    Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với chuỗi cung ứng - vốn đã trở nên ngày càng phức tạp, lại rất khó lường. Một phần của các sản phẩm hiện đại như một chiếc TV thông minh có thể được chế tạo từ hàng tá linh kiện nhỏ, với mỗi bộ phận được lắp ráp từ nhiều mảnh khác nhau. Các công ty thường không biết đến các nhà cung ứng ở "nấc" thứ 3 và thứ 4 trong chuỗi.

    Tình trạng này từng xảy ra sau trận động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, khiến rất nhiều cơ sở sản xuất bị tàn phá. Nhiều công ty cho rằng họ đã mua các bộ phận từ một loạt nhà cung ứng, do đó họ có "phương án B" khi rơi vào tình trạng thiếu hụt. Dẫu vậy, các thành phần quan trọng lại được sản xuất bởi 1 nhà máy duy nhất.

    Nếu đây là những gì sắp diễn ra ở Trung Quốc thì hậu quả sẽ là cực kỳ lớn.

    Sau dịch SARS, Trung Quốc đã phải chứng kiến nền kinh tế lao dốc trong nhiều tháng và sau đó phục hồi mạnh mẽ. Có thể rằng, điều đó sẽ lại diễn ra ở lần này. Nhưng điều chắc chắn duy nhất ở đây là, bất cứ chuyện gì xảy ra ở Trung Quốc đều gây ảnh hưởng rất lớn đến phần còn lại của thế giới.

    #ICT_anti_nCoV

    Tham khảo New York Times


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ