Tự sự của một kỹ sư công nghệ vô gia cư
Paul Krantz chuyển tới San Francisco năm năm trước với ước mơ trở thành nghệ sĩ và ấp ủ cho ra đời cuốn tiểu thuyết làm chấn động nước Mỹ. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của các hãng công nghệ khiến ước mơ của Krantz tan thành mây khói và biến anh thành một kẻ vô gia cư. Dưới đây là những dòng tâm sự của chàng thanh niên này.
Cửa thang máy bật mở tại tầng năm của tòa nhà, tôi bước ra và tiến về phía văn phòng SOMA nơi tôi làm việc. Rất nhiều người bước qua tôi với chiếc smartphone gần như dính vào mặt. Tôi dùng thẻ chìa khóa để mở cửa vào văn phòng với những dãy bàn trắng và máy tính iMac màu bạc. Các nhân viên trẻ, đầu tóc gọn gàng lấp đầy những chiếc ghế.
Tuy chẳng ai chú ý nhưng tôi cảm thấy xấu hổ như họ đang nhìn vào vết bẩn trên tay áo và những sợi tóc bám trên áo nỉ của tôi khi tôi tiến về bàn làm việc của mình. Liệu có ai nhận ra tôi vẫn mặc nguyên bộ đồ của hai hôm trước? Liệu họ có bàn tán gì về bộ râu luộm thuộm và khuôn mặt chưa rửa của tôi hay không?
Khi tới bàn làm việc của mìnhm tôi đặt chiếc ba lô nặng trĩu xuống. Cát rơi xuống sàn khi tôi mở khóa ba lô khiến tôi phải ngước nhìn xem có ai để ý hay không. Để lấy được chiếc laptop dưới đáy ba lô, tôi phải lôi bàn chải đánh răng, bộ quần áo mà tôi mặc hôm qua và tập truyện Raymond Carver ra.
Tôi cầm laptop tiến tới phòng bếp để lấy sữa, đồ ăn sáng và cafe lạnh. Trên đường trở về, tôi bước qua những tấm thảm tập Yoga mà đã lâu chẳng ai sử dụng. Tôi cảm thấy an toàn khi ngồi xuống ghế bởi sẽ chẳng ai nhận ra quầng thâm dưới mắt tôi và mùi hôi trên quần áo tôi khi tôi ngồi đây và làm việc.
Khi máy tính sẵn sàng, tôi mở email để nhận những công việc mà mình cần làm trong ngày. Tôi sẽ phải trả lời các câu hỏi liên quan tới nguồn nhân lực và lao động. Câu trả lời cho mỗi câu hỏi nằm trong khoảng 300 đến 500 từ kèm đường dẫn tới các tài liệu tham khảo.
Nhưng phải bật nhạc cái đã. Tôi bật một bài hát phù hợp với thời điểm này. Bài hát có tựa đề "How Did I Get Here". Chỉ một vài giờ trước, tôi thức dậy trên bãi biển để ngắm lũ cá heo vui đùa trên sóng. Khi mặt trời mọc ở San Francisco, tôi ngắm những dải sương chuyển lần lượt từ màu hồng sang màu cam và màu xám. Tôi bắt đầu ngày mới giữa thiên nhiên và giờ đây tôi bị bao vây bởi 1.000 máy tính và thảo luận về phần mềm và các vấn đề linh tinh. Tôi cảm thấy như mình đang sống ở hai thế giới riêng biệt.
Tôi đảm nhiệm vị trí copywriter, chuyên trả lời những câu hỏi liên quan tới nguồn nhân lực. Khi tôi nhận việc, tôi đã nói đùa với bạn bè rằng mình sẽ trở thành người vô gia cư duy nhất làm việc cho một công ty công nghệ. Chẳng bao lâu sau tôi phát hiện ra mình đã nhầm. Có rất nhiều nhân viên tại các hãng công nghệ tại thành phố này đang tìm kiếm nhà ở. Phần lớn họ ở tạm tại khách sạn hoặc nhà thuê của Airbnbs trước khi tìm được nhà thuê lâu dài.
Do vậy, tôi không phải là người vô gia cư duy nhất làm việc cho một công ty công nghệ. Nhưng tại thời điểm này, tôi khẳng định rằng mình là nhân viên văn phòng duy nhất ở San Francisco ngủ tại bãi biển Baker đêm trước.
Điều trớ trêu là tôi có đủ điều kiện thuê một căn phòng tại San Francisco nhưng tôi không thể kiếm được nhà. Kể cả khi tôi liên hệ tới chủ nhà sau khi quảng cáo được đăng 10 phút tôi vẫn là kẻ tới sau.
Tôi đã di chuyển bốn lần trong năm năm qua xung quanh San Francisco. Tôi đã thuộc lòng mọi mánh khóe tìm nhà ở đây nhưng tôi vẫn thất bại. Tán phét với đồng nghiệp tôi biết rằng họ mới tới đây trong vòng sáu tháng qua. Chính họ là những người lấp đầy những căn nhà trống và lấy đi cơ hội của tôi. Tôi từng nghe trong một cuộc biểu tình rằng số phòng trống tại thành phố này nhiều hơn số người vô gia cư. Ước gì có ai đó dành cho tôi một căn phòng trong số đó.
Trước đó, sau khi đi làm một tháng rưỡi, tôi đã tìm thấy một căn phòng trống trong gia đình một người bạn. Tôi cảm thấy hạnh phúc sau khi trả tiền thuê tháng đầu tiên. Cuối cùng sau bao nhiêu ngày có mặt trên thế giới này tôi đã tìm thấy công việc và có nhà để ở.
Nhưng hạnh phúc chỉ ở lại với tôi trong 48 giờ.
Hai ngày sau, tôi có một cuộc họp với người quản lý dự án của tôi. Tôi nhận được thông báo rằng ứng dụng mà tôi phát triển không đem lại lợi nhuận nên tôi bị đuổi việc. Ngay lập tức tôi phải thu dọn đồ đạc ra khỏi tòa nhà, mọi chuyện diễn ra nhanh tới nỗi tôi không có thời gian để chào tạm biệt đồng nghiệp. Chỉ trong một tuần tôi từ người vô gia cư có việc làm biến thành kẻ thất nghiệp nhưng có nhà ở.
Bây giờ, tôi đã rời bỏ căn phòng mà tôi tìm kiếm suốt ba tháng. Tôi đã làm vài việc lặt vặt nhưng chủ yếu thời gian tôi tận hưởng cảm giác thất nghiệp. Tôi lang thang khắp các con đường ở Bắc California và sống theo cách của mình. Tôi dạo quanh bãi biển, đọc sách và viết những gì mình nghĩ ra. Thực sự mà nói thì có nhà mà thất nghiệp tồi tệ hơn nhiều so với có việc mà không có nhà.
Những đồng tiền tôi kiếm được gần như bốc hơi ngay lập tức và nếu không có phép màu xảy ra thì tôi sẽ không thể tiếp tục sống ở San Francisco.
Tôi đã sống ở thành phố này năm năm, đã từng làm rất nhiều việc lặt vặt và chia sẻ những căn phòng nhỏ với bạn bè chỉ để có thể tiếp tục sống ở đây. Bên cạnh công việc copywriting, tôi còn làm việc như một nhà tự nhiên học ở trung tâm thủy cung, thủ quỹ tại một cửa hàng tạp hóa, gia sư toán tiểu học, phục vụ tại quán ăn sáng và nhân viên chuyển phát nhanh bằng xe đạp.
Khá nhiều người ở đây có hoàn cảnh giống tôi. Khi tôi tới San Francisco, phần lớn những người trẻ mà tôi gặp đều giống tôi.
Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về việc tài khoản ngân hàng của mình luôn trống rỗng bởi phải trang trải cuộc sống hàng tháng. Bạn bè và những địa danh nghệ thuật tại đây giữ tôi ở lại. Nhờ làm nhiều việc vặt, tình hình tài chính của tôi giờ đây có vẻ ổn hơn dù rất mong manh. Có vẻ không ổn khi tôi cố gắng theo đuổi những việc lặt vặt nhưng tôi không muốn dành 40 giờ mỗi tuần cho một công ty mà tôi không tin tưởng.
Tôi nhận ra rằng mình có thể chuyển tới một nơi nào đó có giá thuê nhà rẻ hơn, một nơi nào đó mà tôi có thể làm việc ít hơn để dành nhiều thời gian hơn cho việc phác thảo cuốn tiểu thuyết của đời tôi. Cuốn tiểu thuyết mà tôi nghĩ rằng sẽ nổi tiếng khắp nước Mỹ. Mùa đông năm nay tôi sẽ tới một vùng núi sau đó chuyển tới Oregon hay Mexico. Ngoài giá nhà, còn có nhiều điều hấp dẫn khác thúc đẩy tôi rời khỏi San Francisco.
Tôi không muốn chia tay với em, San Francisco. Tuy nhiên tôi nghĩ mình cần xa nhau cho tới khi tôi kiếm đủ tiền đáp ứng em.
Tạm biệt!
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"