Từ việc mất kênh gây sốc của Độ Mixi, Quang Linh Vlogs: Phải làm gì để không bị "mất cần câu cơm" ngay lúc này?
Nỗi sợ lớn nhất hiện tại của những người làm nội dung trên MXH là mất kênh.
- File RAR này đã tấn công streamer Độ Mixi: Không chỉ 1, Độ Mixi đã nhiễm ít nhất 20 loại mã độc khác nhau
- Vừa bị hack kênh YouTube kiếm tiền tỷ mỗi tháng, Độ Mixi tiếp tục bị hack tài khoản giá trị hàng tỷ đồng
- Nối gót Độ Mixi, Quang Linh Vlogs cũng bị hack kênh YouTube 3,8 triệu lượt theo dõi
- Mật khẩu mạnh, bật bảo mật 2 lớp, tại sao những YouTuber "top đầu" như Độ Mixi vẫn bị hack?
- Trước Độ Mixi, loạt kênh YouTube khủng của FAPTV, Trấn Thành từng bị hack, số phận giờ ra sao?
Độ Mixi khi bị hack mất kênh YouTube có tới hơn 7 triệu người theo dõi. Quang Linh Vlogs thông báo bị "chiếm quyền" kênh YouTube với phương thức tương tự.
2 vụ "chấn động" này diễn ra chưa đầy 24 tiếng đồng hồ.
Sau khi chiếm kênh của Độ Mixi, hacker đã biến kênh này thành nơi để quảng bá nội dung trái pháp luật. Hiện tại, nam streamer đã lấy lại được kênh của mình song anh bị mất 50.000 người theo dõi, tổn thất về tiền bạc và uy tín là chưa thể thống kê.
Khi liên tiếp những vụ "đánh cắp" tài khoản YouTube lớn diễn ra, cộng đồng mạng, đặc biệt là những người đang kiếm tiền bằng "content", "livestream"... trên các nền tảng này cảm thấy lo lắng.
Độ Mixi thông báo mất kênh YouTube hơn 7 triệu subs
Kênh của Quang Linh Vlogs cũng bị hack tương tự
Chẳng ai biết được lúc nào mình trở thành bạn nhân của những vụ việc tương tự, lúc đó mình sẽ ứng phó ra sao và phải xử lý rắc rối bằng cách nào?
Những chia sẻ của một số chuyên gia, người trong lĩnh vực sáng tạo nội dung dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện và bình tĩnh hơn nếu chẳng may có ngày bị mất kênh!
- Nguyễn Đăng Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và giải trí Vitamin Network
- Diệp Hoàng - Beauty blogger được nhiều người biết đến với kênh Loveat1shine
- Stelladay - sở hữu kênh TikTok 1,4M người theo dõi.
Cùng lắng nghe chia sẻ của CEO Đăng Quỳnh, Beauty Blogger Diệp Hoàng và TikToker Stelladay
Khi "cần câu cơm" bị giật mất: Chủ kênh có thể sẽ phải đền tiền cho khách hàng!
"Đây không phải là chuyện hiếm gặp trong nghề!", Diệp Hoàng thẳng thắn nhìn nhận về chuyện bị mất kênh.
Cô cho rằng nó đến từ lỗ hổng trong cách bảo mật, điều mà bất cứ ai cũng có thể đối mặt.
Lý do tin kênh YouTube của Độ Mixi hay Quang Vlogs bị "đánh cắp" khiến nhiều người sốc hay không tin nổi? Có lẽ nó xuất phát từ việc đây toàn là những kênh "có số má", lượng người theo dõi lớn, thường xuyên được hỗ trợ về việc bảo mật… mà vẫn bị "hack" như thường! Vậy những kênh nhỏ hơn, chưa thật sự coi trọng việc bảo mật thì sẽ ra sao đây?
Nhiều người đã quay về nhanh chóng kiểm tra lại các bước bảo mật trên kênh của mình.
Từ lâu, kênh sản xuất nội dung không đơn thuần chỉ là nơi chia sẻ video, kết nối với fan mà đó còn là nguồn thu nhập, "cần câu cơm" của phần lớn hội làm content.
Do đó, Stella cho hay việc bị mất kênh trên bất kỳ nền tảng nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và sự phát triển của các creators và streamers.
Nói về vấn đề này, Diệp Hoàng cho hay dù những tài khoản MXH mà cô sở hữu có lượng người theo dõi "khiêm tốn" hơn rất nhiều nhưng nếu không may bị "bay màu", công việc chắc chắn sẽ tổn thất.
Diệp Hoàng nói: "Đối với những dự án đã cam kết từ trước, việc mất kênh này sẽ khiến uy tín mình bị tổn hại, có thể phải thêm cả đền bù về tiền bạc với đối tác.
Và nếu người hack kênh mới của mình tải lên những nội dung không lành mạnh, followers của mình từ tin tưởng mình cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả, mình cũng sẽ phải trả giá bằng việc đánh mất niềm tin nơi họ. Những tổn thất này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của mình, gây ra những xáo trộn lớn".
Sau khi bị hack, các kênh YouTube đổi thành nơi quảng bá nội dung trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của chủ kênh
Đồng quan điểm với Diệp Hoàng, anh Đăng Quỳnh - người nắm trong tay mạng lưới đa kênh với rất nhiều content creators nổi tiếng trên MXH cho biết, khi bị mất kênh sẽ có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp.
"Đầu tiên, thiệt hại lớn nhất về sự quản trị. Dưới góc nhìn của những nhà quản lý, mình phải nhận định đây sẽ là một cuộc khủng hoảng truyền thông với rất nhiều rủi ro. Bởi khi kênh bị hack, hacker có thể đưa ra những phát ngôn, thông tin sai lệch khiến người xem hiểu nhầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ kênh.
Thứ hai, thiệt hại về mặt kinh tế. Các dự án booking, làm việc với nhãn hàng sẽ bị ngừng lại theo sự cố không mong muốn này. Cuối cùng, tâm lý của các nhà sáng tạo nội dung chắc chắn cũng hoảng loạn. Tưởng tượng bạn xây một cái nhà rồi bị trộm vào lấy đồ hoặc chiếm luôn quyền sở hữu, tâm lý của mình sẽ rất bất ổn", Đăng Quỳnh chia sẻ.
Mất kênh có phải đã là "tận thế"?
Viễn cảnh của việc bỗng dưng thức dậy và thấy… mất kênh khá đen tối, song hội làm nội dung đều thống nhất 1 điều rằng: Đó chưa phải là đường cùng!
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân trong nghề là rất quan trọng. Ngoài ra, nên hoạt động với đa dạng nền tảng, không chỉ phụ thuộc duy nhất thu nhập vào 1 kênh sẽ hạn chế được những ảnh hưởng nặng nề nếu không may bị mất tài khoản.
"Đối với mình, cách an toàn nhất vẫn là xây dựng uy tín thực sự cho bản thân mình và thiết lập một mạng lưới mối quan hệ (network) thực chất, hoặc xa hơn nữa là phát triển đa kênh, đa nền tảng, trên website riêng hay những nơi không phụ thuộc vào mạng xã hội nào cả.
Khi ấy, tổn thất từ 1 kênh sẽ chỉ là một phần thôi và nhà sáng tạo nội dung vẫn hoàn toàn có thể khôi phục lại kênh, những con số sau một thời gian trở lại làm nội dung đều đặn. Tuy nhiên, điều này mất nhiều thời gian, sẽ phù hợp hơn với những bạn đã chọn con đường trở thành nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, hay muốn sử dụng MXH để phục vụ cho công việc của mình", Diệp Hoàng chia sẻ.
Với anh Đăng Quỳnh, nếu đã làm công việc sáng tạo nội dung, chắc chắn phải xây dựng và phát triển được hình ảnh của bản thân ở đa nền tảng thay vì chỉ dựa vào YouTube, TikTok hay Facebook. Bởi khi đã có nhiều nền tảng, nếu bị mất 1 kênh vẫn còn những công cụ khác để thông báo và xử lý khủng hoảng.
Đăng Quỳnh bày tỏ: "Mọi người nên tham gia vào một network chính thống, đây là một điều cực kỳ quan trọng. Bởi khi ở trong một network, nếu xảy ra vấn đề, mọi người sẽ được liên hệ trực tiếp với nền tảng và giải quyết nhanh hơn nhờ các chính sách, cơ chế khi làm việc. Càng ngày các nền tảng đều ưu tiên làm việc với những công ty là mạng lưới của họ, hạn chế làm việc cá nhân. Hoặc nếu có, thời gian xử lý rủi ro cho cá nhân sẽ mất nhiều thời gian hơn".
Với Diệp Hoàng và Stella, việc mất kênh đúng là đáng sợ nhưng không đến mức "mất tất cả". Đặc biệt với những ai đã tạo dựng được thương hiệu cá nhân tốt, việc xây dựng kênh và kiếm lại nguồn thu nhập từ đó không phải điều bất khả thi. Hơn nữa, mỗi người thường sẽ làm việc đa dạng trên các nền tảng, nếu bị hack mất 1 kênh vẫn còn những kênh khác để liên lạc với đối tác hay những bạn followers.
Độ Mixi hiện đã lấy lại được quyền kiểm soát kênh nhưng chưa khôi phục được video và tên gốc
Phía Quang Linh cũng đã lấy lại quyền kiểm soát 3 kênh. Tuy nhiên vì 1 kênh vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nên bị xoá vĩnh viễn
Ngoài ra, cả hai cũng giải đáp thắc mắc của rất nhiều người hâm mộ về việc dù tài khoản đã có tick xanh xác thực nhưng vẫn bị hack. Theo Stella, tick xanh chỉ là cách để xác định rằng đây là tài khoản chính chủ. Đồng ý với điều này, Diệp Hoàng cho hay tài khoản có tick xanh hoàn toàn không tương đương với cam kết rằng tài khoản đó được bảo mật, sẽ không bị hack hoặc biến mất.
Trên thực tế, các tài khoản có tick xanh mới là đối tượng thu hút sự chú ý của các hackers vì nó có giá trị cao, có uy tín đã được khẳng định, và vô tình khiến người khác nghĩ rằng nó không thể làm giả được. Tuy nhiên, các tài khoản này cũng thường được đi kèm các tính năng bảo mật hơn trên các nền tảng MXH nhưng việc có khôi phục được hay không sau khi bị mất cũng không được đảm bảo 100% thành công.
Xác định tâm lý "sống nhờ trên đất người khác": Đây là cách tự bảo vệ mình
Qua sự việc các kênh YouTube hơn 7 triệu hay hơn 4 triệu subs đều bị hack, các nhà sáng tạo nội dung cũng đã nhanh chóng "bật chế độ" cảnh giác, nâng cao bảo mật nhiều lớp để tránh gặp phải rủi ro.
Diệp Hoàng chia sẻ: "Từ góc độ 1 nhà sáng tạo nội dung solo, mình nghĩ các chủ kênh đều nên cẩn trọng bảo mật kỹ lưỡng nhiều lớp như từng nền tảng hướng dẫn. Dù sao khi xây kênh trên MXH, mình cũng đang sống 'nhờ' trên đất-của-người-khác, nên nếu tuân thủ các quy định và hướng dẫn về an ninh của họ, thì đó là mình đang bảo vệ chính mình".
Bên cạnh những cách bảo mật trên, anh Đăng Quỳnh nhấn mạnh về cách quản trị trong hệ thống kỹ thuật của các công ty. Việc bị hack, đôi khi xuất hiện từ việc sử dụng các phần mềm crack (phần mềm không trả phí). Vì khi crack thường sẽ cần cài đặt một đoạn code - đây chính là lỗ hổng vì có thể xuất hiện mã độc khiến hackers dễ dàng chiếm quyền sử dụng máy tính. Và nếu máy tính đó có kết nối với tài khoản MXH, khả năng rủi ro bị mất kênh là rất cao.
"Thông thường các phần mềm để chỉnh sửa, quay dựng trên máy tính chuyên nghiệp sẽ phải trả phí theo tháng hoặc theo năm để sử dụng. Nhưng ở Việt Nam, đa phần mọi người thường chọn sử dụng phần mềm crack để tránh phải trả phí nên sẽ lên mạng tải những đoạn mã và tự cài đặt về máy.
Đối với bên mình, sẽ tách bạch rõ ràng trong khâu này. Các thiết bị dùng để đăng tải video, clip lên MXH đều không sử dụng những phần mềm crack. Điều này cũng phần nào giúp cơ chế bảo mật được nâng cao", anh Quỳnh nói.
Một số cách bảo mật mà bất cứ nhà sáng tạo nội dung nào cũng nên làm được Diệp Hoàng và Stella đưa ra:
Bảo mật tài khoản:
- Đặt mật khẩu mạnh và không dùng mật khẩu giống với các tài khoản khác của mình.
- Sử dụng xác thực 2 yếu tố (2 Factor Authentication) để bổ sung thêm 1 lớp bảo mật bằng cách yêu cầu mã từ điện thoại hoặc email cá nhân.
- Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến bằng cách không click các link hoặc tệp đính kèm không uy tín trong các email hoặc tin nhắn.
Quản lý tài khoản:
- Thường xuyên kiểm tra hoạt động đăng nhập để đảm bảo không có đăng nhập đáng ngờ nào khác đến từ bên ngoài
- Tránh đăng nhập vào tài khoản của bạn trên các thiết bị công cộng hoặc dùng chung. Thu hồi quyền truy cập từ các thiết bị cũ bạn không còn sử dụng.
Thận trọng hơn với tư cách là người sáng tạo nội dung:
- Cân nhắc việc có các tài khoản riêng biệt để sử dụng cá nhân và chuyên nghiệp.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc mật khẩu với bất kỳ ai, qua bất kỳ kênh điện tử nào.
- Sao lưu nội dung quan trọng của bạn vào một vị trí an toàn, để luôn có thể upload lại khi cần.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?