Tương lai của Việt Nam sẽ giống các nước châu Phi đang khốn khổ vì hạn hán này?

    PV,  

    Châu Phi vốn nổi tiếng là khu vực có khí hậu khắc nghiệt và khô hạn đã là chuyện thường tình. Nhưng với tình trạng El Nino đang ngày càng nghiêm trọng, châu lục này đang phải chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 35 năm qua.

    Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bởi vậy mặc dù diễn biến thời tiết năm nay đã có nhiều biến đổi khó lường, nhưng chắc chắn tương lai tình hình sẽ càng phức tạp hơn.

    Những vấn đề sau đây của nhiều quốc gia châu Phi có thể là tương lai không xa của Việt Nam nếu chúng ta không có sự chuẩn bị thực sự kịp thời và hiệu quả.

    Cả châu Phi đang vật lộn trong lò lửa hạn hán lịch sử

    Các đồng ruộng khô cằn, gia súc nằm chết trên các con sông cạn và hàng triệu người đang phải vật lộn để tìm kế sinh nhai và sinh tồn qua trận hạn lịch sử này.

    Khoảng 1 triệu trẻ em Châu Phi hiện đang bị suy dinh dưỡng cấp tính do không đủ lương thực sau những tác động tàn phá dữ dội của El Nino.

    Riêng tại Ethiopia, quốc gia tăng trưởng mạnh nhất Châu Phi những năm gần đây cũng đang có khoảng 10 triệu người bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó, khoảng 435.000 trẻ em đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng và có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

    Tại Malawi, gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tại đây thuộc dạng còi cọ và suy dinh dưỡng cấp tính. Tronh khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Zimbabwe đã lên mức cao nhất trong 15 năm qua.

    Tại Nam Phi, các vùng đồng lúa của nước này bị tàn phá nặng nề và thu hoạch kém hơn hẳn năm ngoái. Riêng những vùng trồng hoa màu ở phía nam Mozambique và Zimbabwe được dự báo là sẽ mất trắng trong vụ mùa năm nay.

    Ở nhiều quốc gia Nam Phi, tình trạng hạn hán đã khiến nguồn lực quốc gia của họ bị xói mòn đến điểm tới hạn. Chính phủ một số nước thậm chí không còn đủ năng lực để đảm bảo an ninh xã hội cũng như các hệ thống trợ cấp tối thiểu khác cho người dân.

    Ngay cả ở Ethiopia, một trong những quốc gia có nền kinh tế sáng giá nhất lục địa đen, nơi mà chính phủ đã đầu tư hơn 380 triệu USD trong năm 2015 và 272 triệu USD vào tháng 1/2016 nhằm đối phó với tình trạng hạn hán cũng đang phải cầu cứu sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.

    Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy những nguồn viện trợ mà tổ chức này nhận được mới chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu và thậm chí một số quốc gia tại Châu Phi còn chưa nhận được bất kỳ cứu trợ nào.

    Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng El Nino đã khiến nhiều nơi trên thế giới chịu thiệt hại và nhu cầu cần được cứu trợ đang tăng cao, tuy nhiên xét theo tính nghiêm trọng của tình hình thì Châu Phi cần được ưu tiên.

    Một nghiên cứu của Ủy ban Liên minh Châu Phi (AU) cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng cùng với thiếu lương thực có thể khiến tăng trưởng GDP của nhiều nước bị suy giảm mạnh. Ví dụ Ethiopia sẽ mất hơn 16% GDP mỗi năm nếu người dân nước này bị suy dinh dưỡng và tỷ lệ này ở Malawi là hơn 10%.

    Bên cạnh đó, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng khiến năng suất lao động của Châu Phi giảm khoảng 14% do những lao động tiềm năng này không đủ sức khỏe thể chất đề làm việc khi đến tuổi trưởng thành.

    Phản ứng của FAO

    Trước tình hình hạn hán đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng, Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc đã cố gắng viện trợ cung cấp giống và thực phẩm cho các hộ dân trong vùng chịu thiên tai, nhưng nguồn lực này là có hạn.

    Ngoài ra, FAO cũng tăng cường viện trợ thức ăn chăn nuôi cho các trang trại gia súc, hướng dẫn các nông dân tìm kiếm các nguồn thức ăn gia súc thay thế cũng như cố gắng giúp đỡ họ tìm thêm nguồn nước.

    Tổ chức FAO cũng tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh đối với những đàn gia súc chết và tiêm phòng cho những con còn lại nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

    Tại một số vùng thuộc Somalia và Ethiopia, FAO cũng hỗ trợ tài chính gián tiếp cho các hộ gia đình bằng cách mua lại súc vật nuôi yếu và giết mổ cung cấp thịt lại cho các gia đình bị suy dinh dưỡng. Động thái này giúp làm giảm bớt áp lực tìm nguồn thức ăn cho gia súc và khiến các hộ dân tập trung nguồn lực vào sản xuất cũng như đầu tư tái sản xuất.

    Ethiopia

    Có lẽ trên thế giới không có nước nào cảm nhận được ảnh hưởng từ El Nino rõ ràng hơn Ethiopia khi quốc gia này đang chịu đợt hạn nặng nhất trong hơn 50 năm qua, dù người dân khu vực này vốn nổi tiếng chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết.

    Mùa mưa của nước này thường từ tháng 6 đến tháng 9/2015 và chúng đóng góp vô cùng quan trọng đối với nông nghiệp Ethiopia. Ngành nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 42,3% GDP toàn quốc và chiếm 73% lao động của nước này.

    Trẻ em làng Amhara-Ethiopia đang chịu đựng cơn hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua.

    Trong khoảng 2004-2012, kinh tế Ethiopia tăng trưởng 11%/năm và trở thành một trong những hòn ngọc sáng của lục địa đen. Dẫu vậy, trận hạn lịch sử khiến tăng trưởng kinh tế của nước này dự đoán chỉ đạt khoảng 7-10% trong năm tài khóa này, thấp hơn mức dự báo 11% trước đó.

    Vào tháng 2/2016, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki Moon đã đến thăm Ethiopia và các vùng chịu thiên tai hạn hán, qua đó kêu gọi các tổ chức quốc tế chung tay đóng góp nhiều hơn nữa nhằm cứu giúp cho các nước chịu thiệt hại.

    Phía Liên Hợp Quốc đã kêu gọi khoản viện trợ 1,4 tỷ USD cho Ethiopia nhưng mới chỉ có khoảng 50% khoản tài chính được đóng góp.

    Hoàng Nam/CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày