Tuyến cáp biển gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế lại bị ảnh hưởng

    Vân Anh, Ictnews 

    Trong khi tuyến cáp quang AAE-1 đang gặp sự cố, một tuyến cáp biển khác là APG thực hiện kế hoạch bảo dưỡng từ ngày 5/6 đến hết 10/6. Điều này gây ảnh hưởng nhất định đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

    Vài ngày gần đây, trong khi các dịch vụ, ứng dụng trong nước vẫn sử dụng được bình thường, một số người dùng Internet tại Việt Nam gặp phải tình trạng chập chờn, khó sử dụng các dịch vụ quốc tế như tải nội dung, hình ảnh trên mạng xã hội Facebook, gửi gmail chậm hay xem YouTube bị giật, lag…

    Giải đáp nguyên nhân của tình trạng trên, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã xác nhận với ICTnews về việc 2 trong 5 tuyến tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đang bị gián đoạn dịch vụ.

    Tuyến cáp biển gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế lại bị ảnh hưởng - Ảnh 1.

    APG và AAE-1 là 2 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với ba tuyến cáp biển khác là AAG, IA và SMW3. (Ảnh minh họa)

    Cho đến thời điểm hiện tại, các ISP tại Việt Nam vẫn chưa nhận được kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển AAE-1.Cụ thể, tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1) gặp sự cố vào sáng ngày 26/5. Đơn vị quản lý đã phát hiện sự sụt giảm điện áp trên nhánh S1H của tuyến AAE-1. Theo đánh giá ban đầu, đã xảy ra lỗi gây đứt một phần sợi quang trên phân đoạn S1H.1 của tuyến cáp.

    Là tuyến cáp biển được đưa vào khai thác tháng 7/2017, AAE-1 có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi HongKong (Trung Quốc), Singapore.

    Cáp AAE-1 được ứng dụng công nghệ tiên tiến; có mạng lưới, trạm cập bờ và các điểm kết nối được hoạch định tối ưu và linh hoạt, giúp các nhà mạng có thêm nhiều phương án thiết kế để điều chuyển lưu lượng.

    Trong khi sự cố xảy ra sáng 26/5 trên tuyến cáp biển AAE-1 chưa được khắc phục, theo đại diện một ISP tại Việt Nam, một tuyến cáp biển khác là APG thực hiện bảo dưỡng cáp hướng Hong Kong (Trung Quốc) từ 24h ngày 5/6 và dự kiến hoàn thành vào 22h ngày 10/6.

    Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. Có sự tham gia của 4 nhà mạng trong nước, APG được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.

    Có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, tuyến cáp APG có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

    Trong điều kiện cả hai tuyến cáp biển AAE-1 và APG đều đang gián đoạn dịch vụ, những ngày vừa qua, các nhà mạng tại Việt Nam đã tiến hành cân tải, chuyển hướng kết nối sang các tuyến cáp biển khác cũng như một số tuyến cáp đất liền nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng.

    Đơn cử như, CMC Telecom đã tăng dung lượng qua hướng cáp xuyên Đông Nam Á (A-Grid), kết nối Internet từ Việt Nam qua các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

    VNPT thì chủ động điều hướng, cân tải các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định như CSC, AAG, IA, SMW3...

    Ngoài ra, trong thông báo gửi tới khách hàng, VNPT cũng cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị, đối tác liên quan để kiểm tra, khắc phục triệt để những vấn đề kết nối Internet quốc tế.


    Trước đó, trong trao đổi với ICTnews hồi cuối năm ngoái, đại diện VNNIC cho biết, thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ TT&TT giao, VNNIC đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng phương án đảm bảo hoạt động liên tục của Internet Việt Nam trong tình huống mất kết nối với quốc tế. Một phần của nhiệm vụ trên đã được VNNIC thực hiện trong năm 2020, đó là đưa hệ thống máy chủ tên miền gốc – ROOT DNS về Việt Nam để góp phần đảm bảo rằng hoạt động của Internet Việt Nam không phụ thuộc vào mạng quốc tế.

    “Chúng ta xác định rằng Internet là phải hội nhập. Chúng ta phải kết nối liên thông toàn cầu nhưng vẫn cần có sự độc lập nhất định trong một số tình huống. Vì vậy, cần có kế hoạch xây dựng hệ thống kỹ thuật để đảm bảo rằng Internet hoạt động độc lập được, không phụ thuộc vào mạng quốc tế. Ví dụ như, đứt cáp quang biển là một tình huống khách quan, mạng của chúng ta có thể hoạt động độc lập được”, đại diện VNNIC phân tích.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày