Tỷ phú giàu nhất châu Á và tham vọng xây dựng đế chế công nghệ sánh ngang Google, Amazon

    Trọng Đại, Theo Người Đồng Hành 

    Mukesh Ambani muốn JioPlatforms trở thành nền tảng đáp ứng mọi nhu cầu của người dân Ấn Độ.Chỉ trong vòng một tháng, công ty này đã huy động được hơn 10 tỷ USD, trong đó có thương vụ 5,7 tỷ USD với Facebook.

    Mukesh Ambani luôn mong muốn xây dựng nên một đế chế công nghệ toàn cầu tiếp theo, sánh vai với những "ông lớn" ở thời điểm hiện tại. Và nếu như "canh bạc" của ông thành công, JioPlatforms, công ty công nghệ và viễn thông thuộc quyền sở hữu của tỷ phú giàu nhất châu Á này sẽ sớm đứng ngang hàng với các ông lớn trong ngành công nghệ thế giới như Google, Amazon, Alibaba và Tencent.

    JioPlatforms, trên thực tế đã là một hệ sinh thái các ứng dụng, phục vụ người dùng từ việc mua sắm hàng hóa online cho đến phát video trực tuyến, hiện đang có khoảng 388 triệu người đăng ký thông qua mạng viễn thông di động Reliance Jio tại Ấn Độ.

    Tuy nhiên, tỷ phú giàu nhất châu Á còn tham vọng hơn thế. Chỉ trong vòng một tháng, ông đã kêu gọi được hơn 10 tỷ USD tiền đầu tư từ Facebook, cũng như một loạt các nhà đầu tư có tên tuổi khác đến từ Mỹ, qua đó tích lũy đủ nguồn lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo của mục tiêu “thống trị” mạng lưới internet tại Ấn Độ, thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới.

    Ambani “chắc chắn muốn JioPlatforms phát triển xa hơn, thoát khỏi cái bóng của một công ty viễn thông đơn thuần. Họ muốn trở thành một một Google hoặc Tencent tiếp theo của Ấn Độ”, theo Wylie Fernyhough, một nhà phân tích đến từ PitchBook.

    “Mục tiêu cuối cùng”, theo Tarun Pathak, chuyên gia phân tích đến từ Counterpoint Research, là xây dựng nên một nền tảng không thể thiếu đối với hàng triệu người dùng internet tại Ấn Độ, phục vụ mọi nhu cầu mà một người dân cần.

    Tỷ phú giàu nhất châu Á và tham vọng xây dựng đế chế công nghệ sánh ngang Google, Amazon - Ảnh 1.

    Mukesh Ambani muốn JioPlatforms trở thành nền tảng đáp ứng mọi nhu cầu của người dân Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

    Xây dựng một công ty công nghệ phiên bản mới

    Dưới tài lãnh đạo của Ambani, Reliance Industries đã phát triển từ một công ty khai thác năng lượng và dầu mỏ trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất tại quốc gia Nam Á này, khi tham gia một loạt các lĩnh vực kinh doanh như bán lẻ, điện thoại di động, viễn thông, các nền tảng số…

    Nhưng để có thể hiện thực hóa được tham vọng đưa công ty lên một tầm cao mới, Ambani cần có sự hỗ trợ từ thung lũng Silicon. Đó là lý do công ty đã chấp nhận khoản đầu tư trị giá 5,7 tỷ USD từ Facebook cũng như dịch vụ nhắn tin toàn cầu của tập đoàn này - WhatsApp. Khi thương vụ này được công bố hồi tháng trước, mọi người có thể thấy được tham vọng của Ambani lớn đến cỡ nào.

    “Công thức chiến thắng của các công ty công nghệ toàn cầu sẽ được tái áp dụng để phục vụ những khách hàng tại thị trường Ấn Độ”, Ambani cho biết. “Đó sẽ là những người nông dân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, học sinh, sinh viên và giáo viên, những nhà cung cấp dịch vụ y tế”.

    Thương vụ này tuy hiện vẫn đang trong quá trình chờ xét duyệt từ các cơ quan chức năng nhưng đã cho thấy rằng Ambani và Facebook đang tham vọng nhằm tạo ra “một nền tảng ưu việt, nơi bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, từ dịch vụ ngân hàng di động, nhắn tin cho đến mạng xã hội, nói một cách đơn giản là tất cả mọi dịch vụ có thể tích hợp được trên cùng một nền tảng công nghệ”, theo Fernyhough. Nói cách khác, nó giống như WeChat của Tencent, phần mềm được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc.

    Tuy nhiên, không giống như Tencent, JioPlatforms được hưởng lợi từ mạng lưới mạng viễn thông di động khổng lồ, mà thông qua đó, công ty có thể xây dựng nên một nền tảng khách hàng mà bất cứ công ty nào cũng đều mong muốn.

    “Chúng ta đã thấy các công ty thương mại điện tử, quảng cáo, dịch vụ điện toán đám mây, công nghệ đã dần thay thế các công ty viễn thông truyền thống”, theo Pathak.

    Ông chỉ ra trường hợp của Rakuten Japan, một công ty thương mại điện tử đang tham gia vào công tác xậy dựng mạng viễn thông thế hệ thứ 5, còn gọi là 5G, hay các nhà mạng viễn thông của Mỹ - những công ty đang dần phát triển trở thành “các trung tâm sản xuất nội dung” khi mà số lượng người dân Mỹ có nhu cầu sử dụng các dịch vụ giải trí trực tuyến tăng cao.

    “Cuối cùng thì bạn sẽ không chỉ ngồi đó và bán dữ liệu di động cho người dùng được. Bạn phải làm nhiều hơn nữa mới có thể lôi kéo được khách hàng”, ông nói.

    Facebook phủ nhận ý kiến cho rằng công ty này sẽ giúp Ambani xây dựng nên một “siêu dứng dụng” thông qua tuyên bố rằng 2 công ty sẽ tiếp tục hoạt động độc lập tại thị trường Ấn Độ với những dịch vụ riêng của mình.

    Thay vào đó, 2 công ty sẽ cùng cung cấp những nền tảng mà qua đó giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ có thể phát triển mảng kinh doanh trực tuyến, sau đó, cho phép nhiều hơn các doanh nghiệp khác có thể sử dụng những nền tảng này”, theo Ajit Mohan, Phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Facebook tại Ấn Độ.

    Nhưng chỉ với mức độ hợp tác đó thôi, Amani vẫn nắm trong tay rất nhiều lợi thế, cho phép ông tìm kiếm những khách hàng mới thông qua việc cung cấp nhiều hơn những dịch vụ trực tuyến và các công cụ số, điều mà người dân Ấn Độ còn đang rất thiếu.

    Tỷ phú giàu nhất châu Á và tham vọng xây dựng đế chế công nghệ sánh ngang Google, Amazon - Ảnh 2.

    Mukesh Ambani hiện là tỷ phú giàu nhất châu Á. Ảnh: AP

    Mục tiêu dẫn đầu mảng bán lẻ hàng tạp hóa

    Dịch vụ mua bán hàng tạp hóa trực tuyến sẽ là mục tiêu chung đầu tiên trong mối quan hệ giữa 2 tập đoàn này. Hàng tạp hóa chiếm 70% thị trường bán lẻ của Ấn Độ, theo Bernstein, và hơn 90% thị trường này hoạt động dưới các hình thức không được tổ chức chuyên nghiệp, phần lớn trong số đó là những cửa hàng nhỏ trong các khu dân cư, điều hành bởi các bà nội trợ, hay còn được gọi với cái tên kirana tại Ấn Độ. Thị trường bán lẻ nói chung được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp 2 lần, từ 676 tỷ USD trong năm 2018 lên gần 1,3 tỷ USD trong năm 2025, theo Bernstein.

    Thị trường mua bán hàng hóa trực tuyến của Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, với giá trị chỉ 3 tỷ USD trong năm 2020, theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester. Nhưng công ty này cho biết rằng: con số trên đang có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, khi mà đại dịch Covid-19 đã góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

    Khi JioMart ra đời vào năm ngoái, công ty này đã đặt ra mục tiêu thuyết phục khoảng 30 triệu cửa hàng nhỏ chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh trực tuyến trên nền tảng của họ.

    Chính đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn Ấn Độ đã buộc quá trình đưa các cửa hàng kirana tham gia vào thị trường mua sắm trực tuyến phải diễn ra thật nhanh. Và WhatsApp chính là công cụ hoàn hảo để biến tham vọng đó thành hiện thực, vì có tới 400 triệu người dân Ấn Độ sử dụng nền tảng này với tư cách là ứng dụng nhắn tin chính của họ. Nhiều người trong số đó thường xuyên sử dụng ứng dụng này để mua sắm hàng hóa hoặc tham khảo thông tin về các loại hàng hóa, dịch vụ mà họ quan tâm.

    JioMart và WhatsApp “chắc chắn sẽ làm cho những ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon và FlipKart (thuộc quyền sở hữu của Walmart) cảm thấy áp lực. Vì giai đoạn phong tỏa toàn quốc này đã chứng minh một điều rằng: Amazon va FlipKart gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân phối các mặt hàng tạp hóa trên nền tảng của họ”, theo Satish Meena, một chuyên gia phân tích đến từ Forrester.

    Đó chính là những bất tiện mà Sammbit Mohanty, một chuyên viên kinh doanh và marketing, năm nay 40 tuổi, đã gặp phải.

    Lo lắng cho cha mẹ già tại quê nhà, Mohanty đã đặt hàng các hàng hóa thiết yếu như lá trà và súp cho họ trên trang thương mại điện tử của Amazon. Nhưng quá trình vận chuyển quá chậm, lên tới 10 ngày. Anh cũng không thể mua đồ chơi cho con gái của mình trên nền tảng này vì họ đã cho dừng các đơn hàng mua bán hàng hóa không thiết yếu.

    Mohanty cho biết anh đã phải tìm đến các cửa hàng tạp hóa địa phương, phần nhiều trong số đó sử dụng WhatsApp là một phương thức tiếp nhận đơn hàng.

    “Amazon đã cho đăng tải một thông báo cho biết rằng họ sẽ cho tạm dừng hoạt động giao hàng. Nhưng các cửa hàng kirana thì luôn luôn mở cửa”.

    Có một số bất tiện phát sinh từ các cửa hàng kirana: họ đôi khi gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng hàng hóa trong cửa hàng của mình, khi mà nhiều chủ cửa hàng đơn giản chỉ ghi chép thủ công lại số lượng hàng hóa của mình trong một quyển sổ và gạch những hàng hóa đó đi khi chúng được bán ra.

    Nếu JioMart có thể hợp tác được với hàng triệu cửa hàng kirana, bên cạnh đó là hỗ trợ họ quản lý và kiểm soát lượng hàng hóa trong cửa hàng của mình, thì rất có thể đây sẽ là một bước ngoặt trên thị trường bán lẻ ở thời điểm hiện tại. Reliance cũng là tập đoàn sở hữu số lượng các cửa hàng tạp hóa truyền thống lớn nhất tại Ấn Độ, và chúng hoàn toàn có thể trở thành những nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử của công ty.

    Pathak, đến từ Counterpoint Research, cho biết việc thuyết phục các cửa hàng kirana tham gia nền tảng thương mại điện tử JioMart sẽ dễ dàng hơn rất nhiều với sự trợ giúp từ WhatsApp, do đó, họ sẽ không cần phải tải và làm quen với một ứng dụng hoàn toàn mới.

    Gỡ khó cho Ambani

    Những thương vụ đầu tư đình đám trong khoảng thời gian gần đây đối với doanh nghiệp của ông Ambani không chỉ mang ý nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số của Ấn Độ. Cá nhân ông Ambani cũng rất cần tiền để thanh toán các khoản nợ đang ngày một phình to của Reliance.

    Ngay sau khi thương vụ với Facebook được công bố, JioPlatforms đã ngay tập tức hé lộ thêm 4 thương vụ đình đám khác: 750 triệu USD từ Silver Lake; 1,5 tỷ USD từ Vista và 870 triệu USD từ General Atlantic và mới đây là quỹ đầu tư KKR với 1,5 tỷ USD.

    Với tất cả các thương vụ trên, Ambani đã thu về hơn 10 tỷ USD chỉ trong vòng một tháng. Các chuyên gia phân tích cho biết Ambani đang phải chịu rất nhiều áp lực trả nợ, khi mà các mảng kinh doanh khác của tập đoàn như dầu mỏ đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do giá dầu thế giới giảm mạnh, đồng thời, ông cũng cần số tiền đó để chứng minh tiềm năng của JioPlatforms.

    Vị tỷ phú này chia sẻ tại một cuộc họp cổ đông hồi năm ngoái rằng ông muốn Reliance Industries trở thành “một công ty không có nợ” vào tháng 3/2021. Tính đến tháng 3/2020, Reliance đang gánh khoản nợ rơi vào khoảng 44 tỷ USD.

    “Reliance cũng cần các công nghệ để dần rút khỏi các mảng kinh doanh nhiên liệu và thương mại truyền thống, chuyển hướng trở thành công ty phần mềm”, theo Meena đến từ Forrester. Đại dịch đã khiến cho thị trường dầu mỏ thế giới sụp đổ và nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu đã giảm mạnh do các hoạt dộng vận tải, công nghiệp và thương mại đình trệ.

    Tuy nhiên, dòng tiền có thể tiếp tục sẽ đổ vào túi của Ambani.

    Các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng “của một WeChat phiên bản Ấn Độ, và số tiền đầu tư của họ sẽ sinh sôi nảy nở trong tương lai”, Fernyhough đến từ Pitchbook cho biết. “Việc có thể tham gia từ những giai đoạn đầu tiên thực sự là niềm thú vị với rất nhiều người”.

    Trong tháng trước, Reliance Industries cho biết công ty đã thu được những kết quả hết sức khả quan, và sẽ hoàn thành kế hoạch xóa hết các khoản nợ của công ty vào cuối năm nay.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ