Uber bị đối thủ nội địa đánh bại ở nhiều nước

    Thiện Tâm, Theo Báo Giao Thông 

    Nhiều nước trên thế giới có riêng ứng dụng đặt xe do các hãng nội địa xây dựng, dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng không ít công ty đã phát triển tốt, vượt mặt Uber, thậm chí là mở rộng ra nước ngoài.

    Nhiều ứng dụng nội đang vượt mặt Uber

    Trên thế giới, đã có nhiều nước phát triển dịch vụ đặt xe qua ứng dụng điện thoại riêng như: Didi Chuxing (Trung Quốc), Grab (Singapore) hay Go-Jek (Indonesia), Ola (Ấn Độ)... Không nằm ngoài xu hướng phát triển dịch vụ đặt xe qua ứng dụng điện thoại, mới đây, Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) và Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện để phát triển ứng dụng di động đặt xe trực tuyến, hứa hẹn sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của Uber và Grab tại Việt Nam.

    Uber bị đối thủ nội địa đánh bại ở nhiều nước - Ảnh 1.

    Ứng dụng Go-Jek của Indonesia đang chuẩn bị tiến ra thị trường nước ngoài

    Thực tế cho thấy, dù Uber hiện đang đi đầu trong lĩnh vực này nhưng các ứng dụng nội địa lại đang vươn lên, thậm chí đánh bật ứng dụng của Mỹ tại bản địa. Điển hình, ứng dụng 100% nội địa Didi Chuxing do người Trung Quốc tự phát triển không chỉ lớn mạnh với tốc độ thần kỳ mà còn đẩy Uber ra khỏi thị trường đặt xe lớn thứ 2 trên thế giới. Năm ngoái, Didi đã mua lại Uber với giá 35 tỷ USD, trở thành công ty chiếm 90% thị phần trên thị trường đặt xe qua ứng dụng điện thoại thông minh ở Trung Quốc.

    Tại Ấn Độ, theo tờ Bloomberg, Ola đã vươn lên trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất và vừa hoàn thành vòng huy động vốn mới nhất với các nhà đầu tư gồm Softbank và Tencent. Dù chưa tiết lộ giá trị của vòng huy động vốn nhưng thỏa thuận này giúp Ola tiếp tục tập trung vào thị trường Ấn Độ trị giá 10 tỷ USD, củng cố tài chính để cạnh tranh với Uber tại thị trường này.

    Hay ở Indonesia, Go-Jek - công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD đầu tiên của đất nước Đông Nam Á đã đánh bại Uber, Grab ở sân nhà khi đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia. Ứng dụng của Indonesia có kế hoạch mở rộng ra 3 - 4 nước khác trong khu vực, khả năng cao có Việt Nam.

    Những yếu tố làm nên thành công

    "Mẫu số chung" để thành công của các ứng dụng đặt xe qua điện thoại địa phương đó là được hỗ trợ vốn mạnh, hiểu rõ tâm lý/sở thích của người dân địa phương và yếu tố ưu tiên các sản phẩm nội địa.

    Xét về vốn, sở dĩ Didi Chuxing có tiềm lực mạnh vì được hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Tencent và Alibaba hậu thuẫn. Trong khi Didi có 10 tỷ USD để tập trung toàn lực cho thị trường Trung Quốc thì Uber có 11 tỷ USD nhưng lại phải phân tán ra toàn cầu.

    Nhờ nguồn vốn lớn, năm 2015, Didi tự tin khởi động cuộc chiến giá cả với Uber khi tung ra chiến dịch cung cấp các chuyến đi miễn phí với ngân sách 150 triệu USD. Vì "đâm lao phải theo lao" nên Uber cũng chi hàng tỷ USD vào Trung Quốc để thực hiện chiến lược cạnh tranh nhằm giành giật và thu hút khách hàng song không đạt được kết quả như mong đợi.

    Nhận định về sự phát triển nhanh chóng của Didi, ông Jacob Cooke, nhà tư vấn công nghệ làm việc tại Bắc Kinh chỉ ra: Didi dễ dàng kêu gọi vốn tại địa phương. Đây là điều mà Uber chắc chắn không bao giờ có thể cạnh tranh với họ tại Trung Quốc.

    Tại Indonesia, Go-Jek tự tin tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động sang các nước Đông Nam Á sau khi nhận được "cái gật đầu"của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com tham gia vào vòng huy động vốn lên tới 1,2 tỷ USD vừa qua.

    Yếu tố quan trọng thứ hai là nắm rõ thói quen, sở thích của người dân bản địa. Quả thật, một khi đã nắm rõ văn hóa địa phương, các công ty nội địa có ưu thế phát triển rất nhanh chóng. Chẳng hạn, Didi cho phép chi trả bằng tiền mặt và hệ thống chi trả qua WeChat (vốn đã vô cùng phổ biến tại Trung Quốc), còn Uber lại sử dụng nền tảng thanh toán qua thẻ tín dụng - hình thức chi trả mà phần đông người dân Trung Quốc không ưa thích.

    Mặt khác, Didi hợp tác với các tài xế taxi chứ không phải những cá nhân có xe ô tô và muốn làm thêm để kiếm thu nhập. Yếu tố này không chỉ phù hợp với quy định địa phương mà còn làm hài lòng các tài xế taxi. Hơn nữa, người Trung Quốc có xu hướng tin tưởng tài xế taxi hơn là một người không trong ngành.

    Bên cạnh đó, các hãng như Didi và Go-Jek đều biết cách khai thác, kêu gọi "lòng yêu nước" cũng như "tâm lý hướng nội" để ưu tiên sử dụng các dịch vụ do công ty nội địa cung cấp. Ông Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek từng nhận định: Người tiêu dùng Indonesia rất yêu nước nên những công ty nội địa như Go Jek dễ nhận được sự ủng hộ từ phía khách hàng, dù mức khuyến mại, giảm giá không cao như đối thủ nước ngoài.

    Với Didi, theo lời kể của một số nhân viên giấu tên, vị CEO Cheng Wei (34 tuổi)không ít lần thúc giục nhân viên kêu gọi lòng ái quốc để đánh bật các đối thủ nước ngoài. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhân viên giấu tên chia sẻ: "CEO Cheng luôn nói, công ty Trung Quốc trên đất Trung Quốc không thể thua công ty ngoại quốc".

    Didi không thể là công ty đầu tiên thua trên sân nhà như vậy. Ông Cheng cũng cổ vũ nhân viên bằng các bài hát yêu nước... Thực tế, dù rộng lớn nhưng thế giới mạng Trung Quốc vốn gần như biệt lập so với thế giới. Không riêng Uber, rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như: eBay, Google, Amazone phải ngậm ngùi bại trận tại Trung Quốc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ