Mặc dù doanh thu của Uber liên tiếp phá kỷ lục, chỉ riêng Q3/2015 đã kiếm được bằng tổng doanh thu của cả năm 2014.
Nó giống như truyền thống của Uber sau mỗi kỳ nghỉ lễ, đó là chào đón năm mới bằng cách giảm giá cước. Tuy nhiên đây không phải “món quà mừng tuổi” của Uber, mà đơn giản đây chỉ là cách khuyến khích người dân ra đường vào dịp đầu năm mới. Bởi vì đây là thời điểm mà mọi người hạn chế việc đi lại và lựa chọn ở nhà nghỉ ngơi.
Và nếu bạn nghĩ rằng giảm giá cước là một công việc đơn giản thì bạn đã nhầm, Uber đang có một cuộc chiến giảm giá cước với đối thủ Lyft tại hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ. Uber đã phải chấp nhận giảm giá cước từ 10% đến 45% tùy từng thành phố, đây là mức giảm khá cao và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đối với các tài xế cũng như cả Uber.
Lỗ kỷ lục, Uber đang trong thời kỳ đen tối?
Bill Scroggins, một lái xe Uber ở Indianapolis cho biết: “Thật đáng buồn. Tôi thậm chí còn không muốn lái xe nữa. Nó giống như tôi đang làm việc không công vậy”. Việc giảm giá cước của Uber cũng khiến cho thu nhập của các tài xế giảm mạnh. Và không chỉ vậy, nó cũng khiến cho Uber phải chịu những khoản lỗ khổng lồ.
Giảm giá, giảm mãi
Có một sự thật mà ít ai biết, đó là Uber đã giảm giá liên tiếp vào thời điểm sau kỳ nghỉ lễ, trong suốt 3 năm qua. Và mặc dù Uber gọi đây là chính sách giảm giá đầu năm mới, nhưng mức giá này đã không bao giờ được tăng trở lại.
Thật vậy, có tới 1/3 các thành phố được giảm giá cước đã giữ nguyên mức giá này trong suốt cả năm. Và nó trở thành mức giá mặc địch của Uber trong những khoảng thời gian sau này. Không rõ lý do, nhưng có thể Uber lo sợ việc tăng giá trở lại sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và khiến họ không còn muốn sử dụng dịch vụ này nữa.
Uber phải giảm giá vào dịp đầu năm mới, khi mà những chiếc xe không có khách đi.
Việc giảm giá và giữ nguyên mức giá này khiến cho Uber chịu lỗ rất lớn. Chưa dừng lại ở đó, thu nhập của tài xế bị ảnh hưởng vì giá cước giảm, khiến cho nhiều người không còn muốn hợp tác với Uber nữa. Vậy là để xoa dịu các tài xế của mình, Uber chấp nhận bỏ ra khoản phí tính theo giờ cho các tài xế, giống như một khoản tiền lương để bù vào số thu nhập bị mất đi.
Vừa phải làm hài lòng khách hàng, vừa phải thỏa mãn nhu cầu của các tài xế, Uber đang rất khó khăn và phải chấp nhận chịu lỗ. CEO Travis Kalanick đã từng cho biết Uber sẽ có thể thu về lợi nhuận trong Q2 tại Bắc Mỹ, nhưng cuối cùng mọi chuyện lại không như dự tính.
“Uber đang phải hy sinh lợi nhuận để đổi lấy sự tăng trưởng”, giáo sư Evan Rawley tại trường Kinh tế Columbia cho biết.
Trong khi đó, giám đốc khu vực của Uber, ông Andrew MacDonald cho biết: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến lợi ích của các tài xế. Chúng tôi cũng tin rằng việc giảm giá là cần thiết khi nhu cầu khách hàng giảm xuống”.
Doanh thu phá kỷ lục, lỗ cũng phá kỷ lục
Uber đang tiêu rất nhiều tiền, nhiều hơn rất nhiều so với các đối thủ như Lyft để có thể mở rộng thị trường trên toàn thế giới. Công ty cho biết họ sẽ chi hàng tỷ USD để tiếp tục phát triển tại các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đánh đổi lại, Uber đang phải chịu lỗ kỷ lục.
Trong Q1/2015, Uber đã lỗ 385 triệu USD trên tổng doanh thu 287 triệu USD. Số lỗ này ngày càng tăng lên, khi mà trong Q3/2015 Uber lỗ lên tới 697 triệu USD trên tổng doanh thu 498 triệu USD. Các thống kê này được tiết lộ bởi một nguồn tin thân cận của BloomBerg.
Biểu đồ doanh thu (3 cột bên trái) và lỗ (3 cột bên phải) của Uber trong 3 quý đầu năm 2015.
Tổng kết lại trong 3 quý đầu tiên năm 2015, Uber đã lỗ 1,7 tỷ USD trên tổng doanh thu 1,2 tỷ USD.
Gã khổng lồ Amazon cũng đã từng có thời điểm đen tối giống như vậy, khi tổng kết 4 quý trong năm 2000 có tổng doanh thu 2,8 tỷ USD nhưng lỗ tới 1,4 tỷ USD. Kết quả là CEO Jeff Bezos đã quyết định sa thải 15% nhân viên của mình. Nhưng Uber không thể sa thải các tài xế của mình mà ngược lại họ cần càng nhiều tài xế càng tốt, để tiếp tục mở rộng thị trường và cạnh tranh với các đối thủ.
Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra một chút, chúng ta có thể thấy đây không hẳn là điều đáng lo ngại đối với Uber. Khi mà doanh thu của riêng Q3/2015 đã cao hơn cả tổng doanh thu của năm 2014, với 495 triệu USD.
Những con số này nói lên điều gì?
Nó nói lên rằng thị trường của Uber đang được mở rộng một cách nhanh chóng trên toàn thế giới. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Uber cũng đang tăng lên. Và sau khi đã có một thị trường lớn và ổn định, mục tiêu của Uber mới là kiếm lợi nhuận. Uber đang lỗ trên mỗi chuyến đi, nhưng số chuyến đi đang tăng lên.
“Uber đang hy sinh để đổi lấy sự tăng trưởng”. Số chuyến đi đã tăng tới 40% trong Q3/2015 so với quý trước đó.
CEO Travis Kalanick vẫn có lý do để mỉm cười.
Trong khi đó, tại Bắc Mỹ Uber đang dần tiến tới việc có được lợi nhuận. Giám đốc tài chính Gautam Gupta cũng mới cho biết Uber đã có lãi tại 2 thị trường lớn nhất của mình, nhưng không tiết lộ tên.
Do đó, mặc dù càng ngày càng lỗ nặng hơn nhưng Uber lại đang đi đúng hướng. Bằng cách thêm một khoản phí mặc định cho mỗi chuyến đi với chỉ 1 USD (một số quốc gia lên tới 2,5 USD), Uber có thể dễ dàng kiếm lợi luận cho mình khi mà số chuyến đi đang tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Chiến lược này khiến cho Uber phải chịu lỗ trong hiện tại và tương lai gần, nhưng về lâu dài sẽ giúp Uber thống trị thị trường thế giới. Có lẽ đây cũng là lý do mà Uber chưa sẵn sàng để IPO, khi mà ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư là lợi nhuận.
Tham khảo: BI, Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà toán học Việt Nam có khám phá kép, giúp trường đại học Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về đại số
Giáo sư Phạm Hữu Tiệp cho biết các khám phá của ông thường sẽ nảy sinh tại thời điểm mà ông ít mong đợi nhất. "Đó có thể là lúc mà tôi đi dạo với các con, hoặc làm vườn với vợ, hoặc hí hoáy gì đó trong bếp", ông nói.
Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI