Còn nhớ thời kì năm 2011-2012 các ứng dụng nhắn tin miễn phí chỉ mới bắt đầu nhen nhóm với những cái tên như iMessenger, ChatOn,... nhưng tới đầu năm nay sự phát triển bùng nổ của những ứng dụng này đã khiến nhà mạng phải dè chừng. Một trong những cái tên chúng ta có thể nhìn thấy từ nhà ra ngõ, từ mạng xã hội tới truyền hình hay trên cả những thân xe bus là người khổng lồ Line và phần mềm Việt Zalo.
Các ứng dụng nhắn tin miễn phí qua mạng Internet (OTT) hiện nay phần lớn sử dụng trên điện thoại thông minh (smartphone), sự xuất hiện của rất nhiều ứng dụng OTT cùng những khoản chi phí không nhỏ dành cho quảng cáo để lôi kéo người dùng, giữ lại thị phần cho mình khiến thị trường này nóng hơn bao giờ hết. Có vẻ như miếng bánh ngon không còn dễ dàng chia nhau như thời kỳ mới phát triển, trong khi một thị trường khác hấp dẫn không kém là feature phone - điện thoại với những chức năng cơ bản lại đang bị bỏ ngỏ.
Thị trường hấp dẫn
Cùng tìm hiểu sâu hơn về thị trường feature phone, chúng ta có thể thấy rõ ràng smartphone ngày càng giảm giá để dễ dàng tiếp cận người dùng tuy nhiên nó chưa thể vượt áp đảo số lượng máy feature phone trên thị trường. Tại các thị trường mới nổi có tới 5,4 tỷ người sử dụng điện thoại. Tính riêng châu Á và châu Phi ước tính được 580 triệu người và 70% số đó sử dụng thiết bị có khả năng kết nối internet và phần lớn số đó không phải là một chiếc smartphone.
Hơn nữa, số người sử dụng feature phone ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nếu như ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, chúng ta thường thấy nhiều người sử dụng smartphone hơn, nên thường nhầm tưởng smartphone đang chiếm đa số, nhưng thực ra, nếu có về các tỉnh mới thấy các feature phone giá rẻ, đặc biệt là của Nokia, vẫn đang cộng đồng người dùng đông đảo ở đây ưa chuộng.
Người dùng sử dụng feature phone phần lớn có thu nhập không cao, chi phí dịch vụ tin nhắn hiện tại được cho là rẻ nhưng vẫn chiếm một phần lớn trong hoá đơn thanh toán hàng tháng. Với một ứng dụng cho phép họ trò chuyện dưới dạng tin nhắn với chi phí rất rẻ khi sử dụng qua gói cưới internet, hiếm có người nào lại làm ngơ bỏ qua.
Bên cạnh nhu cầu nhắn tin gọi điện cơ bản, người dùng feature phone cũng có nhu cầu kết nối, sử dụng các dịch vụ cộng đồng rất cao, bằng chứng là một trong những ứng dụng "hot" nhất trên các máy feature phone là Facebook và Yahoo!Messenger. Vấn đề tạo cộng đồng dưới dạng một mạng xã hội trên điện thoại, hiện tại các ứng dụng OTT đang làm rất tốt và người dùng feature phone cũng không bỏ qua cơ hội dùng một ứng dụng cộng đồng trên điện thoại của họ.
Không tận dụng được ưu điểm của ứng dụng
Nhu cầu sử dụng các ứng dụng OTT của người dùng feature phone là có thực, đây là một mảnh đất chưa được "khai phá" nhưng gây không ít khó khăn cho các công ty phát triển. Chúng ta quá quen với những thông báo (notification) khi có tin nhắn mới từ các ứng dụng nhắn tin, tuy nhiên chức năng này hoàn toàn không được hỗ trợ trên các dòng máy feature phone. Điều này đồng nghĩa với việc những ứng dụng OTT trên feature phone không thể thông báo cho người dùng khi có tin nhắn mới theo cách thông thường.
Thử tưởng tượng đang trò chuyện với bạn bè qua dịch vụ nhắn tin miễn phí rồi phải đợi hàng tiếng đồng hồ vì người kia không biết rằng có người gửi tin nhắn bạn sẽ hiểu rõ nhược điểm lớn này ở feature phone.
Tương ứng với giá tiền feature phone so với smartphone, cấu hình của các máy này đều thuộc hàng "cùi" nên việc trải nghiệm cũng như các tính năng của ứng dụng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, hầu hết feature phone vẫn sử dụng hệ điều hành cũ như symbian S40, S60. Điểm chung của các hệ điều hành này là kho ứng dụng khong được đầu tư tốt, các kho app từ bên thứ ba dần dần xuống cấp. Quyết định đặt chân lên feature phone đồng nghĩa với việc các công ty phát hành cần tính tới việc tiếp cận người dùng khó khăn hơn rất nhiều so với smartphone.
Xương cũng phải vạc
Phát triển ứng dụng cho feature phone gặp rất nhiều "xương", nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các ứng dụng OTT cho smartphone hiện nay, các ông lớn trong ngành đã bị đẩy vào tình trạng "hết nạc phải vạc vào xương". Vì thế đã có nhiều đơn vị bắt tay vào khai phá thị trường này.
Người dẫn đầu có thể kể đến Whatsapp, ứng dụng nhắn tin miễn phí rất phổ biến với nhiều ưu điểm được tích hợp sẵn vào phần cứng trong điện thoại giá rẻ Asha của Nokia. Trong khi đang chịu cạnh tranh khốc liệt từ Viber hay những ứng dụng từ châu Á, Whatsapp đã nhanh chân "xí" được vị trí đẹp trên dòng điện thoại giá rẻ này. Tiếp ngay theo bước đi của Whatsapp, Line của NHN cũng không chậm chân khi nhanh chóng tung ra phiên bản hỗ trợ dòng máy Nokia Asha thời gian gần đây.
Phiên bản Line dành cho feature phone
Việc xuất hiện phiên bản hoạt động trên dòng máy feature phone của những ứng dụng tên tuổi đã phần nào khẳng định thị trường hấp dẫn này trong tương lai.
Phóng viên đã liên hệ với ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, đại diện của ứng dụng nhắn tin miễn phí Zalo để tìm hiểu thêm thông tin. Mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn:
Các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên smartphone đang cạnh trang quyết liệt, thị phần hiện tại có đảm bảo giúp Zalo trụ vững trên thị trường hay không?
Trong thế giới luôn thay đổi của ngành Internet, không có gì là không thể. Những người khổng lồ một thời như AOL, Yahoo hay MySpace đều đã trở thành dĩ vãng. Thành công ngày hôm nay chưa chắc đảm bảo chỗ đứng vững chắc ở ngày mai. Vì thế, cách duy nhất để tồn tại là phải luôn nỗ lực hết mình và sẵn sàng thay đổi để nắm bắt những xu hướng mới nhất của thị trường.
Ngoài Nokia, các máy features phone tại Việt Nam còn nhiều dòng khác, trong tương lai Zalo có hướng "đặt chân" lên các dòng máy này không?
Mong muốn của Zalo là đưa sản phẩm đến được với tập khách hàng đại chúng. Trước đây, chúng tôi tích hợp sản phẩm Zalo lên các dòng máy Nokia Asha cũng vì mục tiêu này. Vì thế, nếu thị trường có nhu cầu thật sự, chúng tôi sẵn sàng mở rộng lên bất kỳ nền tảng nào.
Người dùng feature phone phần lớn có thu nhập thấp, không sẵn khả năng thanh toán chi phí dịch vụ phát sinh. Theo anh các ứng dụng nhắn tin miễn phí có cơ hội phát triển trên nền tảng này hay không?
Mục tiêu lớn nhất của Zalo vẫn là phục vụ khách hàng. Chính vì thế, các dịch vụ giao tiếp căn bản như nghe, gọi, nhắn tin sẽ luôn được Zalo miễn phí cho người dùng. Các dịch vụ giá trị gia tăng chỉ là giá trị cộng thêm cho sản phẩm.
Cảm ơn anh/chị đã trả lời phỏng vấn của GenK.