Theo báo cáo của Viện Y tế Ấn Độ, số lượng đàn ông mắc bệnh "béo bụng, nặng cân” đã gia tăng đến mức trầm trọng. Ngược với các nước phương Tây nơi phần lớn người béo phì là người nghèo, ở Ấn Độ họ là những người giàu hay rất giàu.
Mới đây, Tiến sĩ John Vũ đã có một bài đăng trên trang cá nhân về câu chuyện về vấn nạn "béo phì" của các kỹ sư phần mềm Ấn Độ.
Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết này của TS John Vũ.
Năm trước, khi dạy học ở Bangalore tôi thấy một bài báo rất thú vị cảnh báo rằng nhiều công nhân phần mềm ở Ấn Độ đang đối diện với bệnh “béo phì”, trong khi hàng triệu người vẫn đang đói vì không có đủ thức ăn.
Tờ báo này nói khi kinh tế Ấn Độ phát triển thịnh vượng, nhiều người đang trở nên béo hơn và, cũng giống như người phương Tây, họ tìm kiếm trợ giúp thuốc men để giảm cân. Một số lớn kĩ sư phần mềm đã trở thành bệnh nhân tại bệnh viện tư của Bác sĩ Sanjay Borude để được giải phẫu làm giảm kích cỡ dạ dày để hạn chế khối lượng thức ăn.
Loại giải phẫu này chưa hề xảy ra ở đâu khác ngoài Mĩ và châu Âu, nhưng bây giờ nó xảy ra ở Ấn Độ. Bác sĩ Borude có quá nhiều bệnh nhân tới mức ông ấy không thể phục vụ hết được nên phải mở các lớp đào tạo các bác sĩ khác để đáp ứng nhu cầu giải phẫu “làm nhỏ dạ dày để hạn chế đồ ăn" này. Cùng với giải pháp này, ngành kinh doanh tập thể thao và tắm nước nóng để giảm cân cũng rất phát đạt ở các thành phố lớn của Ấn Độ khi nhiều người trở nên “nặng cân”.
Theo báo cáo của Viện Y tế Ấn Độ, số lượng đàn ông mắc bệnh "béo bụng, nặng cân” đã gia tăng đến mức trầm trọng. Ngược với các nước phương Tây nơi phần lớn người béo phì là người nghèo, ở Ấn Độ họ là những người giàu hay rất giàu.
Một số lớn làm việc trong công nghiệp phần mềm, họ ngồi cả ngày trước máy tính và ăn bất kì món ăn gì họ thích. Ts. Anoop Misra, tác giả của báo cáo này nói: "Đó là vấn đề nghiêm trọng cho Ấn Độ, vì số người bị bệnh đau tim, tiểu đường gia tăng rất nhanh.
Ở Bangalore và các thành phố khác có liên kết với công nghiệp phần mềm, bệnh đó lan truyền như dịch. Công nhân phần mềm làm ra nhiều tiền cho nên họ nhấc điện thoại di động, đặt pizza, hamburgers và các thức ăn phương Tây nhiều chất béo. Không mấy ai ăn thức ăn Ấn Độ nữa, thức ăn Ấn Độ được coi là "quê mùa" và "không văn minh".
Dịch vụ mang đồ ăn nhanh (Fast Foods) đến các sở làm là một kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Một người phát triển phần mềm nói: "Hiện nay không ai đi ăn ngoài nữa mà gọi thức ăn mang đến tận sở làm để tiết kiệm thời giờ và đó mới là "thời thượng".
Ts. Misra nói: “Truyền thống văn hóa Ấn Độ coi người 'quá cân' là biểu hiệu của sự giàu có. Đàn ông 'bụng to' là dấu hiệu của sang trọng. Người gầy bị coi là yếu đuối và kém khả năng tình dục. Từ xưa đến nay, các phụ nữ Ấn Độ trẻ vẫn ưa thích đàn ông to béo, nhiều tiền. Tuy nhiên điều đó đang bắt đầu thay đổi khi ngày càng nhiều người bụng to, béo phì, chết vì bệnh tim và các bệnh khác."
Quan niệm bụng to, mập mạp là biểu tượng của sự giàu có và khỏe mạnh trong khả năng tình dục đã vô tình khuyến khích thanh niên trẻ tìm ăn các thức ăn Tây phương được nhập cảnh vào đây cùng với việc quảng cáo mãnh liệt của các tiệm bán fast food.
Ngày nay, bạn có thể thấy rằng phần lớn nhà hàng McDonald's đều đầy những thanh niên trẻ xếp hàng mua “Chicken Maharajah Macs”. Các cửa hàng McDonald's đang bành trướng khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê với tỷ số hai tới ba cửa hàng mở ra mỗi tháng vì nhu cầu là rất cao.
Các cửa hàng đồ ăn nhanh khác như Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken cũng kinh doanh rất thành công ở Ấn Độ. Ts. Misra phàn nàn: "Mọi người ăn nhiều, ăn vội vã qua loa và tiêu thụ toàn những chất béo, khác hẳn với khi trước. Ngày nay người ta ăn thịt thay vì ăn rau, ăn gà thay vì rau đậu. Trẻ con không còn đem hộp cơm trưa mà cha mẹ nấu cho tới trường. Chúng chỉ thích uống Coca và ăn Hamburger BigMac, hay KFC.”
Với những đồ ăn béo và quá nhiều, số người bị bệnh tim và tiểu đường cũng gia tăng đến mức trầm trọng. Viện Y tế Ấn Độ uớc lượng khoảng 35 triệu người Ấn Độ bị tiểu đường và con số này dự báo tăng lên 57 triệu người trước năm 2020.
Các bác sĩ than phiền rằng chính phủ đã không chú ý đến vấn đề này đang ngày trở nên trầm trọng và có thể trở thành một gánh nặng cho lĩnh vực Y tế công cộng trong tương lai. Nhiều nhân viên chính phủ vẫn tranh cãi: “Làm sao có thể bị bệnh béo phì khi nhiều người nghèo khổ thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng khắp nước?"
Vấn đề này chỉ rõ một sự tương phản và hố ngăn cách giữa người nghèo và người giàu, giữa người có giáo dục cao và những người không được giáo dục tại xứ này. Bất cứ ai đến Ấn Độ cũng đều nhận thấy sự phân biệt giàu nghèo xảy ra khắp nơi.
Bạn có thể thấy những biệt thự nguy nga lộng lẫy bên cạnh những khu nhà ổ chuột. Những người mặc quần áo thời trang đắt tiền bên cạnh những người rách rưới không manh áo che thân. Có những hộp đêm nguy nga và những tiệm bán đồ ăn sáng sang trọng đầy chật khách hàng và có những đống rác bẩn thỉu với những người kiếm ăn lam lũ tìm những thức ăn thừa vứt bỏ tại đó.
Kinh doanh công nghệ thông tin và gia công phần mềm đã mang lại cho kinh tế xứ này hàng tỉ USD mỗi năm và hàng triệu việc làm được trả lương cao nhưng nó cũng đem vào vào Ấn Độ phong cách sống “phương tây”, thức ăn nhanh phương tây và làm cho lỗ hổng giữa giàu và nghèo ngày càng lớn hơn.
Một kĩ sư phần mềm mới tốt nghiệp có thể kiếm trong một tháng nhiều hơn một nông dân làm trong suốt năm. Khi số người làm phần mềm tăng lên, số nhà hàng, số tiệm bán đồ ăn nhanh, số quán rượu, số hộp đêm cũng tăng lên để đáp ứng cho nhu cầu.
Dường như mọi người đều sung sướng với nếp sống mới này, và cả những Bác sĩ làm việc trong những bệnh viện đặc biệt giải phẫu dạ dày để giảm cân.
* Về tác giả: TS. John Vũ (người Mỹ gốc Việt) hiện công tác tại trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Ông nguyên là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing (đã nghỉ hưu năm 2010). Trước đó, ông John Vũ từng làm việc tại Teradyne Semiconductor; Hewlett Packard, Litton Industries, Motorola và GTE.
TS. John Vũ được ngành công nghiệp phần mềm thế giới thừa nhận với việc đóng góp thiết lập các trung tâm chất lượng phần mềm ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới.
CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4