Vào những năm 1800 nhân loại đã cố gắng tạo ra quái vật của Frankenstein ngoài đời thực bằng cách "kích điện" xác chết
Quái vật của Frankenstein là một nhân vật trong tiểu thuyết giả tưởng, thế nhưng trên thực tế, nhân loại đã từng có những nhà khoa học tiến hành thí nghiệm để tạo ra những "sinh vật" quái gở này.
Năm 1818, Mary Shelley đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Frankenstein, kể về một nhà khoa học điện rồ cố gắng hồi sinh một xác chết bằng điện. Tuy nhiên, Shelley không phải là người duy nhất có ý tưởng táo bạo này. Vào đầu những năm 1800, nhiều nhà khoa học đã bị cuốn hút bởi ý tưởng rằng điện có thể mang lại sự sống.
Giáo sư người Scotland - Andrew Ure là một trong những nhà khoa học đó. Mặc dù là một giáo sư hóa học (và hầu như không biết gì về điện), nhưng ông vẫn muốn thực hiện thí nghiệm này. Quái vật Frankenstein của Andrew Ure là một kẻ sát nhân bị kết án vừa bị treo cổ và hiển nhiên, thí nghiệm của Ure đã khiến cho công chúng rất kinh ngạc ở thời điểm bấy giờ. Vậy câu chuyện đó thực sự là như thế nào?
Điện đã từng được cho là "bản chất của cuộc sống". Các nhà khoa học của nhiều thế kỷ trước đã tìm kiếm "tia sáng" của sự sống. Ở thời điểm đó, các nhà khoa học tin rằng bản thân điện là một chất lỏng sinh học có thể được kích hoạt, và nó có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các loại bệnh. Cuộc tìm kiếm "tia sáng" của sự sống này đã dẫn đến nhiều thí nghiệm liên quan đến điện, đặc biệt là khi tôn giáo bắt đầu mất dần vị thế và việc nhìn nhận thế giới qua lăng kính khoa học trở nên dễ chấp nhận hơn. Sấm sét và điện không còn được coi là cơn thịnh nộ của Chúa đối với loài người, thay vào đó, chúng trở thành một phần không thể thiếu trong việc tìm kiếm thuốc trường sinh.
Quá trình sử dụng dòng điện để làm cho vật chất sinh học chuyển động được gọi là Galvanism, được đặt theo tên của người đầu tiên chứng minh phương pháp này, Luigi Galvani. Nhiều nhà khoa học đã thực hành thí nghiệm của họ với điện trên động vật thay vì con người. Về phần mình, Galvani sử dụng cơ thể của ếch cho các lý thuyết của mình, và một nhà khoa học khác Karl August Weinfold thì sử dụng cơ thể mèo. Sau này ông đã tiến hành chặt đầu những con mèo khỏe mạnh và làm cho cơ thể co giật và di chuyển bằng cách sử dụng dòng điện. Trong khi đó, một số nhà khoa học khác lại sử dụng những động vật lớn hơn nhiều như bò, cừu, lợn...
Năm 1751, Anh thông qua Đạo luật Murder Act, cho phép sử dụng thi thể sau khi bị hành quyết của phạm nhân giết người cho mục đích khoa học. Ở thời điểm đó, đạo luật này có nhiều lợi ích. Thứ nhất, các nhà giải phẫu học thời đó đang rất cần thi thể, và họ sẽ có nhiều xác chết hơn để nghiên cứu. Và thứ hai, nó được coi là một hình phạt bổ sung cho những kẻ phạm tội, vì việc mổ xẻ cơ thể của ở thời điểm đó được coi là sự xúc phạm, làm tổn hại đến người ở thế giới bên kia.
Còn câu chuyện cố gắng tạo ra quái vật của Frankenstein ngoài đời thực được bắt đầu vào tháng 8 năm 1818, khi Matthew Clydesdale, 35 tuổi, say rượu và đã sát hại một trong những người thợ làm cùng với mình trong mỏ than. Chính vì tội danh này mà Clydesdale đã bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Sau khi bị treo cổ cơ thể của Clydesdale được đưa lên bàn thí nghiệm, và đây cũng là tiền đề cho quá trình hồi sinh anh ta của Andrew Ure.
Andrew Ure.
Ure là một nhà khoa học, từng là giáo sư hóa học tại Trường Cao đẳng Anderson. Tuy nhiên, ông lại không có kinh nghiệm thực tế về điện. Ông quan tâm đến một loạt các chủ đề về cơ thể người ngay từ khi làm trợ lý cho giáo sư giải phẫu James Jeffray. Ure được coi là một nhân vật tương đối nhỏ trong lịch sử khoa học, và thí nghiệm của ông trên Clydesdale là một trong những nỗ lực nổi tiếng nhất của ông.
Ure đã thực hiện thí nghiệm của mình bằng cách cho dòng điện chạy vào các vết rạch ở đầu ngón tay, hông, cổ và gót chân của Clydesdale. Thí nghiệm này có thể làm cho cơ hoành của xác chết chuyển động lên xuống như thể cơ thể đang thở, và Ure cũng làm cho các ngón tay của xác chết co lại và chỉ vào những người khác nhau xung quanh phòng. Điều này khiến nhiều người quan sát thí nghiệm của công cảm thấy hoảng sợ, một trong số đó còn sợ tới mức ngất xỉu.
Ure sau đó đã mô tả lại vẻ mặt của Matthew Clydesdale khi bị kích điện xuyên qua cơ thể: "Mọi cơ trên gương mặt của kẻ sát nhân đồng thời bị co vào và biểu hiện như đang trong cơn thịnh nộ, kinh hoàng, tuyệt vọng, thống khổ... " .
Nhưng trên thực tế, sau nhiều cố gắng, Andrew Ure vẫn không thể mang lại sự sống cho một xác chết. Và có vẻ như Ure cũng sớm biết được điều này và lý luận rằng việc sử dụng điện như một kỹ thuật hồi sinh chắc chắn sẽ thất bại vì Clydesdale đã chết do chấn thương nặng.
Cuốn tiểu thuyết Frankenstein của Mary Shelley được xuất bản năm 1818, cùng năm mà Ure thực hiện thí nghiệm của mình. Thời điểm xuất hiện Frankenstein ngoài đời thực của Ure và Frankenstein của Mary Shelley dường như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì nhiều nhà khoa học vào thời điểm đó cũng đang thử nghiệm phương pháp hồi sinh bằng điện.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming