Vén màn trung tâm cuộc gọi lừa đảo của người Trung Quốc ở Lào: Hàng loạt nạn nhân sa bẫy, bị buộc phải đi lừa người khác như thế nào?

    Nhật Minh, Thể Thao Văn Hóa 

    Các nạn nhân được hứa hẹn một công việc mới với mức lương 1.000 USD ở Thái Lan nhưng không hay biết rằng họ sắp được đưa vào một trung tâm cuộc gọi lừa đảo.

    Công dân nhiều nước bị 'bẫy' vào trung tâm lừa đảo

    Theo hãng thông tấn ANI News, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka đã buộc các công dân trẻ tuổi và có trình độ học vấn của nước này phải đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó đã mắc bẫy, bị những kẻ lừa đảo là các công dân Trung Quốc ép phải làm việc tại các trung tâm cuộc gọi ở Khu kinh tế Tam giác Vàng (SEZ) tại Lào.

    Khu kinh tế Tam giác Vàng nằm ở tây bắc Lào, trải dài một khu vực rộng lớn lên tới 10.000 hecta. Zhao Wei, một nhà tài phiệt Trung Quốc, hiện đang là chủ của sòng bạc khét tiếng mang tên "Kings Roman" tại đây.

    Vén màn trung tâm cuộc gọi lừa đảo của người Trung Quốc ở Lào: Hàng loạt nạn nhân sa bẫy, bị buộc phải đi lừa người khác như thế nào? - Ảnh 1.

    Ảnh chụp sòng bạc Kings Roman ven sông Mekong. Ảnh: Transborder news.

    Ấn phẩm Daily Mirror của Sri Lanka cho hay, trong năm ngoái, 311.269 công dân Sri Lanka đã rời đất nước để tìm việc. Thật không may, nhiều người trong số họ đã không thể cưỡng lại những lời mời cám dỗ về công việc, để rồi cuối cùng buộc phải làm việc cho những kẻ bất lương.

    Daily Mirror đã có cuộc trò chuyện với một nạn nhân trong số này. Nhân vật giấu tên (vì những lo ngại an ninh) cho biết, anh ta chỉ là 1 trong số gần 100 công dân có bằng cấp ở Sri Lanka, phần lớn là đàn ông, bị lừa vào làm việc cho mạng lưới lừa đảo.

    Ban đầu, các nạn nhân giống như anh được hứa hẹn một công việc mới với mức lương 1.000 USD ở Thái Lan mà không hề hay biết rằng, trên thực tế, họ bị buộc phải cám dỗ những người Mỹ giàu có, sau đó thuyết phục những người này đầu tư vào một loại tiền ảo gọi là Tether và các nền tảng đầu tư không có thật khác của các trang web đánh bạc.

    Vén màn trung tâm cuộc gọi lừa đảo của người Trung Quốc ở Lào: Hàng loạt nạn nhân sa bẫy, bị buộc phải đi lừa người khác như thế nào? - Ảnh 2.

    Bẫy lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tại Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Lào. Nguồn: The Filipino Times

    Nhân vật trên cho biết thêm rằng, các trung tâm lừa đảo được vận hành hành bên trong những tổ hợp khép kín, nhân viên tại đây có quyền truy cập các phần mềm hack và phần mềm dịch thuật tiên tiến. Họ nhắm vào các công dân Mỹ trên 37 tuổi bằng cách tạo ra các hồ sơ (profile) giả trên những ứng dụng hẹn hò như Hinge, Boo, Tinder và POF.com.

    "Những 'ông chủ nhỏ' mà chúng tôi phải báo cáo công việc đều là người Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai biết 'ông chủ lớn' là ai" - người này nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong chuỗi vận hành có cả những chức danh khác như trưởng nhóm nhỏ, trưởng nhóm lớn, giám sát…

    Theo Daily Mirror, các nạn nhân được đưa tới Lào từ nhiều nơi khác nhau. Bên trong các tổ hợp tại SEZ ở Lào còn có nhiều nạn nhân đến từ Bangladesh, Pakistan và các quốc gia châu Phi như Ethiopia, Nam Mỹ, Uganda, Madagascar, Ấn Độ và Rwanda.

    UCA News cho hay, chỉ trong năm ngoài, các nhà chức trách ở Lào đã giải cứu và hồi hương khoảng 1.680 nạn nhân bị buôn bán và buộc phải lao động cưỡng bức tại SEZ.

    Nhận nhiệm vụ lừa các công dân Mỹ qua app hẹn hò

    Người nhận phỏng vấn của Daily Mirror cho biết, anh ta đã bị một người bạn thân lừa. Người bạn này sau đó đã nhận được một khoản hoa hồng trị giá 500 USD do tìm được "con mồi" mới.

    Tại trung tâm cuộc gọi lừa đảo, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu, rồi được cấp tên và nhân dạng mới. Sau đó, họ được cấp cho 8 chiếc iPhone, 8 thẻ sim và các thẻ nạp điện thoại.

    Tiếp đó, các nạn nhân được yêu cầu dùng 3 chiếc iPhone cài app Hinge, 2 chiếc cài Boo, 2 chiếc cài các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, TextMe, WhatsApp. Chiếc iPhone còn lại được dùng để liên lạc.

    "Chúng tôi được hướng dẫn tìm kiếm các bức ảnh của những người có ngoại hình ưa nhìn, giàu có, yêu thích đi du lịch trên Instagram để làm profile giả trên các ứng dụng hẹn hò" – Nhân vật giấu tên cho hay.

    Vén màn trung tâm cuộc gọi lừa đảo của người Trung Quốc ở Lào: Hàng loạt nạn nhân sa bẫy, bị buộc phải đi lừa người khác như thế nào? - Ảnh 3.

    Các nhân viên của trung tâm cuộc gọi nhận nhiệm vụ lừa người Mỹ qua ứng dụng hẹn hò. Nguồn: Mixpanel

    Sau khi thiết lập profile giả, các nhân viên tại trung tâm cuộc gọi được hướng dẫn cách nói chuyện ngọt ngào với các mục tiêu, và dò hỏi họ về sở thích, đức tin, lịch trình hàng ngày.

    "Công việc của chúng tôi là khiến các mục tiêu tin tưởng, rồi sa vào lưới tình với mình. Chỉ tiêu hàng ngày của chúng tôi là phải có được 5 số điện thoại của các mục tiêu. Sau khi đã có được thông tin, nhóm chuyên gia công nghệ tại trung tâm sẽ cấp cho chúng tôi số điện thoại ở Mỹ để chúng tôi nhắn tin với các mục tiêu thông qua ứng dụng Text Me".

    Bước tiếp theo, và cũng là bước cuối cùng mà các nhân viên trong trung tâm cuộc gọi phải làm là thuyết phục các đối tượng mục tiêu cài đạt Telegram – ứng dụng vốn không được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Họ sẽ lừa những mục tiêu bằng cách nói rằng mình đang đi du lịch bên ngoài nước Mỹ trong một thời gian ngắn nhưng vẫn muốn giữ liên lạc.

    Theo Daily Mirror, những nhân viên nào không đáp ứng được chỉ tiêu hàng ngày sẽ buộc phải làm việc 20 tiếng/ngày, một số khác phải chịu các hình phạt thể chất như squat 100 lần, chống đẩy 100 lần hoặc thậm chí bị dí điện.

    'Báo cáo về nạn buôn người' của Chính phủ Hoa Kỳ năm 2022 thừa nhận rằng: "Các dịch vụ bảo vệ nạn nhân không được cung cấp một cách tương xứng ở Lào cho các nạn nhân bị buôn bán là nam giới. Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực chống buôn người của các quan chức biên giới ở các khu vực trung chuyển quan trọng vẫn còn thấp mặc dù chính phủ đang tiến hành sáng kiến đào tạo."

    Trong năm 2022, công dân của các quốc gia bao gồm Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, và Philippines đã được giải cứu khỏi Lào nhờ nhiều biện pháp can thiệp của chính phủ. Australia cũng ban hành khuyến cáo du lịch cảnh báo công dân của mình không nên đến thăm tỉnh Bokeo.

    Tháng 7/2022, trong cuộc họp báo sau khi gặp mặt với người đồng cấp Thái Lan Don Pramatvinai, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lưu ý tới vấn đề của các trung tâm cuộc gọi lừa đảo đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua.

    "Đối với các trung tâm cuộc gọi lừa đảo, cả hai bên nhất trí rằng cần thiết cùng hợp lực chống lại tình trạng này bằng mọi cách có thể, nhằm bảo vệ lợi ích thực sự của người dân hai nước" – Ông Vương Nghị nhấn mạnh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ