Vị CEO này vừa huy động được 4,2 triệu USD cho một phiên bản YouTube tốt hơn, không quảng cáo
Tỷ phú Mark Cuban là một trong những người góp vốn.
Khi phát hành album "In Rainbows" vào năm 2007, Radiohead đã yêu cầu các fan phải "trả tiền cho những gì bạn muốn". Vì thế, Jonathan Swerdlin đã phải chi ra 50 USD cho album yêu thích. Cách tiếp cận của Radiohead mau chóng gây ấn tượng mạnh với Swerdlin và thu về 3 triệu USD doanh thu chỉ trong thời gian ngắn.
Jonathan Swerdlin
Swerdlin, người bắt đầu sự nghiệp trong ngành thương mại điện tử, muốn áp dụng cách tiếp cận của Radiohead để tạo ra một nền tảng video tốt hơn so với YouTube. Anh cũng đã nghe nói về việc tại Trung Quốc khán giả có thể tặng tiền (tips) cho các nghệ sĩ trực tuyến, streamer (gọi chung là các creator) mà họ yêu thích. Kết hợp hai điều trên, Swerdlin cho ra rời Portal.
Thứ ba vừa rồi, Swerdlin đã công bố sự ra mắt của Portal, nền tảng stream video trực tuyến không có quảng cáo, nơi người xem trực tiếp trả tiền cho các creator nếu họ thích những nội dung mà họ xem. Portal của Swerdlin sẽ đối đầu trực tiếp với YouTube và Vimeo.
Hiện tại, Swerdlin là đồng sáng lập và CEO của Portal. Anh đã huy động được 4,2 triệu USD cho nền tảng của mình. Trong số các nhà đầu tư có cả Mark Cuban, tỷ phú nổi tiếng nước Mỹ, người đã từng tham gia game show Shark Tank với tư cách một nhà đầu tư.
"Với các creator, Portal mang đến cho họ khả năng tập trung vào giá trị và đầu tư vào việc cung cấp những gì quan trọng với mọi người thay vì cố gắng làm loạn, gây sự chú ý để tăng lượt xem và lượt theo dõi", Swerdlin nói.
Kiếm tiền từ Portal
Khác biệt lớn nhất giữa Portal so với những nền tảng khác, theo Swerdlin, chính là cách creator kiếm tiền.
Tương tự cách tiếp cận "trả tiền cho những gì bạn muốn" của Radiohead, Portal cho phép người xem tips cho những creator mà họ thích. Trên Portal, bạn có thể tận hưởng video bạn yêu thích và tips cho creator từ 0,1 tới 100 USD, tùy theo mức độ yêu thích của bạn.
Ngoài ra, creator cũng có thể tạo ra doanh thu từ các nguồn khác trên Portal. Ví dụ như creator có thể yêu cầu người xem trả tiền thuê bao theo dõi kênh hàng tháng hoặc người xem sẽ phải trả một khoản tiền nhất định cho từng video. Portal sẽ kiếm tiền bằng cách nhận tỷ lệ nhỏ trong số tiền mà người xem trả cho creator.
Swerdlin và nhóm của mình - hiện bao gồm 5 kỹ sư và một nhóm cộng đồng nhỏ - hy vọng rằng thay đổi từ việc kiếm tiền dựa trên quảng cáo sang kiếm tiền từ chính người xem sẽ tăng chất lượng nội dung trên Portal.
Theo Swerdlin, kiếm tiền từ chính người xem sẽ giúp creator bỏ đi gánh nặng phải tạo ra nội dung thân thiện với các đối tác quảng cáo. Vì thế, nội dung sẽ chỉ hướng tới người xem, tập trung hoàn toàn vào chất lượng để thỏa mãn người xem.
"Trên Portal, các đơn vị quảng cáo sẽ không có thẩm quyền quyết định bạn phải xem cái gì hoặc không được xem gái gì", Swerdlin giải thích. "Internet không được xây dựng cho quảng cáo nhưng vì quảng cáo là ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ USD nên không ai cưỡng lại được ngoài chúng tôi".
Swerdlin cũng hứa rằng Portal sẽ không áp dụng chính sách "demonetization" giống như YouTube và các nền tảng video khác. "Demonetization" là chính sách mới được YouTube áp dụng, tước đi quyền hiển thị quảng cáo, kiếm tiền từ quảng cáo của một số video và kênh YouTube không đạt lượt xem và theo dõi nhất định.
Theo Swerdlin, "demonetization" là một dạng kiểm duyệt. Anh cho rằng tước đi quyền kiếm tiền của creator đồng nghĩa với việc lấy đi khả năng sáng tạo nội dung của họ. Để có nội dung hay, creator cần thời gian và sự đầu tư và cần có ai đầu tư cho họ.
Một ý tưởng điên rồ được hình thành
Swerdlin chia sẻ rằng Portal là kết quả của hai năm ròng phát triển.
"Ngay từ ban đầu, ai cũng bảo tôi bị điên. Rất nhiều người không nhận ra rằng quảng cáo là một vấn đề lớn", Swerdlin nhớ lại. "Sẽ rất thú vị khi tỉnh táo và nhận ra vấn đề".
Trước đối thủ sừng sỏ như YouTube, tính tới tháng 5 vừa qua đã có 1,8 tỷ người dùng, Swerdlin vẫn tự tin rằng mô hình người xem trả tiền trực tiếp cho creator của Portal cuối cùng sẽ chiến thắng. "Ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến giữa chàng David và gã khổng lồ Goliath và các nền tảng như Facebook, YouTube chính là Goliath", Swerdlin nói. "Nhưng nếu bạn đặt các mô hình kinh doanh cạnh nhau và theo dõi từ nay tới 10 năm nữa, bạn sẽ thấy mô hình của chúng tôi trở thành Goliath".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming