Vi khuẩn kháng kháng sinh có thực sự lây từ gà sang người qua thịt gà hay không?

    zknight,  

    Cứ hai tuần một lần, các nhà khoa học sẽ mua thịt ở các siêu thị ở Flagstaff; đồng thời, họ thu thập vi khuẩn từ máu và nước tiểu của bệnh nhân ở bệnh viện thành phố Flagstaff để phân tích.

    Chỉ vài năm sau khi con người có được thuốc kháng sinh để chữa trị cho chính bản thân mình, chúng ta bắt đầu dùng những viên thuốc để cứu sống cả những con vật. Từ đó tới nay đã vài thập kỷ, kháng sinh được dùng trên động vật thậm chí còn bị lạm dụng nhiều hơn cả con người.

    Những người nông dân muốn những con gà, những con lợn của mình phàm ăn và chóng lớn, đồng thời miễn nhiễm với bệnh tật. Vì vậy, cách đơn giản và rẻ tiền là trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi. Kết quả, vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện như một điều tất yếu.

    Giữa những năm 1950, chỉ khoảng 10 năm sau khi thuốc kháng sinh ra đời, chúng ta phải chứng kiến một dịch bệnh đầu tiên mà vi khuẩn kháng thuốc đã lây từ động vật sang người. Đó là dịch salmonella kháng kháng sinh lây lan ở vùng đông nam nước Anh.

    Nhiều dịch bệnh tương tự, xuất phát từ vi khuẩn kháng kháng sinh ở động vật, liên tục xuất hiện kể từ đó. Một trong những dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra vào năm 2013-2014, lây nhiễm 634 người ở 29 tiểu bang và vùng quốc hải Puerto Rico, được điều tra ra là xuất phát từ những con gà được nuôi ăn bằng kháng sinh.

    Vi khuẩn kháng kháng sinh có thực sự lây từ gà sang người qua thịt gà hay không? - Ảnh 1.

    Một tuần đi mua thịt 2 lần, các nhà khoa học chứng minh được vi khuẩn kháng kháng sinh lây từ gà sang người

    Mặc dù mối liên hệ khá trực quan và dễ giải thích, vẫn có những người cãi rằng sự lây lan vi khuẩn kháng kháng sinh từ trang trại sang người chưa được chứng minh triệt để. Đúng là thực tế tất cả các nghiên cứu ủng hộ cho luận điểm này đều chỉ là nghiên cứu quan sát chứ không phải thực nghiệm. Và điều này khiến cho luật pháp chưa thể thắt chặt hoạt động lạm dụng kháng sinh trong trang trại.

    Những người chăn nuôi sẽ lập luận rằng việc vi khuẩn nhảy từ vật nuôi của họ sang thịt rồi con người ăn phải chúng chưa được chứng minh - và chừng nào điều đó chưa được chứng minh, họ vẫn có thể sử dụng kháng sinh trên vật nuôi một cách bình thường.

    Nhưng bây giờ, một nghiên cứu mới sẽ khiến những người nông dân ngoan cố này phải cúi đầu nhận lỗi. Lance Price và Cindy Liu, giám đốc và giám đốc y tế tại Trung tâm Hành động Kháng sinh Kháng sinh tại Đại học George Washington đã lần đầu tiên đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy vi khuẩn kháng kháng sinh di chuyển từ động vật sang người qua thịt của chúng.

    Price và Liu bắt đầu nghiên cứu này tại Viện nghiên cứu Genomics Translational ở Flagstaff, một thành phố thuộc tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. Công việc được thực hiện ở Flagstaff có ý nghĩa rất quan trọng: Đó là một thành phố nhỏ, không có nhiều luồng di cư đi vào và đi ra, khiến nó trở thành một phòng thí nghiệm tự nhiên khép kín.

    Cứ hai tuần một lần, các nhà khoa học sẽ mua thịt ở các siêu thị ở Flagstaff; đồng thời, họ thu thập vi khuẩn từ máu và nước tiểu của bệnh nhân ở bệnh viện thành phố Flagstaff. Tất cả các mẫu phẩm được đưa vào phân tích để truy tìm vi khuẩn kháng kháng sinh.

    Ý tưởng của việc này là để tạo ra một bản đồ lây lan của vi khuẩn theo thời gian. Bằng cách này, các nhà khoa học có thể theo dõi và dự đoán cách chúng xâm chiếm thành phố. Nếu có thể, họ hy vọng sẽ tìm ra và chứng minh được nguồn gốc chính xác của các chủng kháng kháng sinh và hướng lan truyền của chúng.

    Có nhiều loại vi khuẩn phổ biến trong thực phẩm mà các nhà khoa học đã biết đến từ lâu – bao gồm salmonella, campylobacter, shigella – đã được chỉ ra có nguồn gốc từ các trang trại. Nhưng trong khoảng hai thập kỷ gần đây, một số nhà nghiên cứu phát hiện thêm một mối đe dọa nguy hiểm khác.

    Một tập hợp con của họ vi khuẩn E. coli được gọi là EXPEC (Extraintestinal pathogenic Escherichia coli – E. coli gây bệnh đường ruột) xuất hiện trong thực phẩm và có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng – vì chúng có khả năng thoát ra khỏi ruột và gây nhiễm trùng cho các bộ phận khác trên cơ thể.

    Vi khuẩn kháng kháng sinh có thực sự lây từ gà sang người qua thịt gà hay không? - Ảnh 2.

    Việc sử dụng kháng sinh trong các trang trại đang tạo ra vi khuẩn kháng thuốc lây sang người.

    Bàng quang thường là cổng vào cho EXPEC, vì vậy nhiễm trùng đường tiết niệu thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ai đó đã nhiễm những con E. coli này. Nếu nhiễm trùng tiết niệu không được điều trị khỏi, vi khuẩn có thể leo từ đường tiết niệu đến thận, rồi từ đó vào máu gây nhiễm trùng huyết.

    Và bởi những con EXPEC có khả năng đề kháng kháng sinh rất cao, chúng nguy hiểm hơn những vi khuẩn thực phẩm khác – thường chỉ gây tiêu chảy hoặc bệnh nhẹ - EXPEC có thể dẫn đến sốc và khiến bệnh nhân tử vong.

    Trở lại với nghiên cứu, kết quả phân tích cho thấy 82% mẫu thịt và 72% mẫu máu cũng như nước tiểu của người bệnh trong thành phố Flagstaff dương tính với vi khuẩn E. coli. Một trong số rất nhiều chủng E. coli được gọi là H22 được tìm thấy trên thịt gà và ở người. Dấu hiệu di truyền cho thấy nó đã chiếm cứ đường ruột của gà trước rồi sau đó tấn công sang con người.

    Bằng chứng cho thấy các chủng vi khuẩn trên thịt và nhiễm trùng ở người được liên kết, trùng khớp cả về mặt thời gian và địa điểm. Bởi vậy, đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu chứng minh được những vi khuẩn EXPEC nhảy từ gia cầm sang người vì chúng ta ăn chúng. 

    "Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự có thể thiết lập hướng truyền tải", Price nói. "Điều này cho thấy rõ ràng rằng con người đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu vì vi khuẩn E. coli nhiễm từ gia cầm".

    Nhờ đó, các chủng E. coli trên người có nhiều khả năng kháng kháng sinh tetracycline và gentamicin hơn các loài vi khuẩn khác, bởi đó chính là hai loại kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi gà. Điều này càng giúp khẳng định rằng việc sử dụng kháng sinh trong các trang trại đang tạo ra vi khuẩn kháng thuốc lây sang người.

    Tham khảo Wired

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày