Vì sao bạn chưa cần phải lo lắng về số phận của cổng Lightning trên iPhone
Chiếc iPad dùng USB-C đầu tiên đã xuất hiện. Và USB-C cũng có nhiều lợi thế so với Lightning. Nhưng chỉ vậy thôi mà đã kết luận Lightning sẽ sớm "chết" là quá vội.
Với các fan Táo không quan tâm đến iPad Pro hay MacBook, sự kiện ngày hôm qua vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt: Apple đã "ngầm" tuyên bố ủng hộ USB-C. Trên cả 2 mẫu iPad Pro mới ra mắt, USB-C đều đã chiếm chỗ của Lightning. Những chiếc MacBook Air, không có bất ngờ gì cả, cũng đã nói không với cổng tai nghe này.
Câu hỏi tiếp theo đặt ra dĩ nhiên sẽ là, liệu iPhone và iPad "thường" của năm sau có từ bỏ Lightning và chuyển sang USB-C hay không? Thoạt nhìn, mọi tín hiệu đều đi đến câu trả lời "có". Ủy ban Châu Âu EC đã gây sức ép lên Apple phải từ bỏ Lightning từ lâu, chưa kể chính Apple cũng đã góp phần không nhỏ vào sự trỗi dậy của USB-C khi ra mắt MacBook 12 inch 2015 với một cổng USB-C duy nhất. Hãy nhớ rằng ngay cả các mẫu Android ra mắt vào cùng thời điểm với chiếc MacBook này vẫn chưa hề có USB-C, thay vào đó chỉ sử dụng microUSB cũ kỹ.
Apple là một trong những công ty ủng hộ USB-C rõ rệt nhất.
So với USB-C, kết nối Lightning cũng gặp nhiều bất lợi, trong đó rõ rệt nhất là tốc độ sạc và tốc độ truyền dữ liệu. Còn USB-C, trớ trêu thay, đã được chính Apple chứng minh sức hấp dẫn vượt trội hơn hẳn: bên trong cùng một kết nối, bạn có thể vừa sạc pin cho thiết bị của mình, vừa kết nối với thiết bị ngoài, có thể xuất tín hiệu màn hình độ phân giải siêu cao (Macbook Air mới xuất được tín hiệu 5K). Tốc độ truyền dữ liệu tối đa của USB-C là 10Gbps, cao gấp... 20 lần Lightning.
Lý do cho Lightning tiếp tục tồn tại?
Với sự trỗi dậy của USB-C (với một phần công sức không nhỏ từ chính nhà Táo), Apple đang gặp phải một vấn đề hiếm thấy: phân mảnh. Bắt đầu từ nay, bạn không thể sử dụng cùng một loại sạc cho cả iPad Pro và iPhone nữa. Nếu loại bỏ sự phân mảnh này, Apple cũng sẽ mang lại lợi ích cho các fan của mình: người dùng chỉ cần mang một củ sạc và một dây nối dữ liệu duy nhất cho tất cả các thiết bị gắn mác táo, thậm chí bao gồm cả MacBook.
Hệ sinh thái USB-C vẫn quá rối loạn so với Lightning.
Song, ở phía ngược lại, thay thế Lightning bằng USB-C cũng mang đến một bất tiện to lớn: nếu iPhone năm sau chuyển sang USB-C, tất cả các dây sạc và củ sạc chính hãng hay MFi mà người dùng đã mua đều sẽ trở nên vô dụng. Chỉ riêng bất tiện này thôi cũng đã đủ để người dùng cảm thấy khó chịu với những chiếc iPhone USB-C trong tương lai, nhất là khi vai trò của những chiếc dây nối đang ngày trở nên mờ nhạt. Gửi file từ smartphone vào máy tính qua mail hay các kho lưu trữ đám mây tiện lợi hơn nhiều so với việc nối dây; chưa kể các mẫu iPhone của 2 năm gần đây cũng đều hỗ trợ sạc không dây.
Nếu Apple thực hiện bước chuyển, công ty của Apple cũng sẽ phải đối mặt 1 rủi ro khác: sự rối loạn của thị trường USB-C. Tuy gọi là "tiêu chuẩn" nhưng USB-C đang phân mảnh trầm trọng, đẫn đến rất nhiều vấn đề kết nối: ngay đến cả phụ kiện của các hãng tên tuổi như OnePlus và Anker cũng có thể làm cháy máy; cổng vừa sạc vừa nghe tai nghe của Sony lại không tương thích với Pixel và HTC. Thật trớ trêu, trong nhiều năm, việc sử dụng một chuẩn kết nối riêng và một chương trình quản lý đối tác chính thống đã giúp cho Apple giữ được một hệ sinh thái phụ kiện còn "universal" (đồng nhất) hơn cả các hãng dùng Universal Serial Bus-C.
USB-C và Lightning đại diện cho 2 NHÓM người dùng khác nhau của Táo.
Quan trọng nhất, cho dù cùng là iPad nhưng iPad Pro và iPad "thường" (9.7 inch) lại đang có 2 vai trò khác biệt nhau. Trong ngày hôm qua, Apple liên tục mang so sánh iPad với những chiếc máy vi tính chứ không phải là máy tính bảng. Cụm từ "computer" liên tục được nhắc đến trong lúc "tablet" tuyệt nhiên vắng bóng. Rõ ràng là, cũng giống như ban đầu, Apple muốn hướng iPad Pro vào đối tượng người dùng muốn sử dụng laptop cho công việc, thay vì vào các mục đích giải trí hay xã hội như iPhone và iPad 9.7.
Đứng ở góc độ này, việc trang bị USB-C cho iPad Pro là hoàn toàn hợp lý, bởi khả năng truyền dữ liệu tốc độ cao hay kết nối phụ kiện ngoài sẽ rất có ích cho một thiết bị được tối ưu vào công việc. Ở phía ngược lại, mang USB-C lên iPhone và iPad thường tuy sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng không thực sự cần thiết. Suốt nhiều năm qua, mỗi năm Apple vẫn bán gần 200 triệu mẫu iPhone, iPhone X vẫn bán chạy nhất thế giới trong nhiều quý liên tiếp. Rõ ràng là USB-C hay Lightning chẳng ảnh hưởng gì đến sức hấp dẫn chính của iPhone cả.
Hẳn nhiên, dòng chảy công nghệ chỉ có một chiều. Sớm hay muộn Apple cũng sẽ phải thay thế Lightning bằng một loại kết nối cao cấp hơn. Do công ty của Tim Cook cũng đã bày tỏ sự ủng hộ rõ rệt với USB-C, iFan hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai nơi một cổng sạc có thể sạc được tất cả các thiết bị Apple (và cả các thiết bị không phải của Apple). Nhưng việc iPhone XS và XS Max vẫn mang Lightning cho thấy Apple vẫn chưa quyết "tuyệt tình" với cổng kết nối do chính mình tạo ra: muốn có iPhone USB-C, người dùng sẽ phải chờ đợi thêm ít nhất 1 năm nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI