Vì sao Blockchain sẽ được mọi doanh nghiệp trên thế giới áp dụng trong vòng 10 năm nữa?
Công nghệ Blockchain có gì mà lại thu được sức hút và tiềm năng lớn đến như vậy đối với các doanh nghiệp?
Khoảng 10 năm trước, Satoshi Nakamoto đã sáng lập ra Bitcoin, đồng thời âm thầm khiến cho các tổ chức đảm bảo quyền lợi và niềm tin khi giao dịch (như ngân hàng) phải khốn đốn vì bị hạ thấp vai trò, nhất là khi Nakamoto đưa ra bản nghiên cứu dài 8 trang mô tả về cách đồng tiền có thể được phân quyền phi tập trung (decentralize) thông qua hình thức dạng Bitcoin như thế nào. Dù vậy, vào thời điểm bấy giờ, không có quá nhiều người hiểu được hết ý nghĩa và tiềm năng mà 8 trang giấy đầy giá trị đó nói đến.
Satoshi Nakamoto
Không hẳn là việc đồng tiền được phân quyền ra sao, mà điều cần chú ý và quan trọng hơn cả ở đây là cách thức phân quyền nói chung được diễn tả trong đó. Nakamoto đã không giải thích việc chúng ta làm thế nào để kiểm soát đồng tiền của chính mình tốt hơn, mà ông lại đưa ra một cách thức mới để chúng ta có thể hợp tác, giao dịch với nhau đầy an toàn và hiệu quả, dù cho là những người hoàn toàn xa lạ.
Bạn có thể gặp vài người luôn miệng nói xấu và không ủng hộ tất cả những gì liên quan đến Blockchain. Dù vậy, có một lời khuyên hữu ích cho bạn rằng: Đừng quá quan tâm đến những gì họ nói, vì sau đây là 5 khía cạnh lý giải tại sao công ty hiện tại của bạn sớm hay muộn cũng sẽ sẽ áp dụng Blockchain mà thôi, dự kiến là chỉ trong 10 năm kể từ bây giờ.
Vậy trước tiên, chúng ta cần phải hiểu ngọn ngành vấn đề đã: Định nghĩa Blockchain là gì?
Blockchain là một cơ sở dữ liệu không ngừng mở rộng kích cỡ và sự đa dạng dữ liệu của mình
Về cơ bản, Blockchain là một cơ sở dữ liệu không ngừng mở rộng kích cỡ và sự đa dạng dữ liệu của mình, trong đó có nhiều đặc trưng đáng chú ý sau:
- Một khi dữ liệu đã được lưu trữ trong hệ thống, nó sẽ không bao giờ có thể bị chỉnh sửa hay xóa đi. Những cập nhật và lưu trữ mới đó sẽ tồn tại vĩnh viễn.
- Không có một cá nhân hay tổ chức nào nắm quyền kiểm soát cơ sở dữ liệu đó - tất cả mọi người sử dụng và ứng dụng Blockchain đều có phần trong việc này, và mỗi người/tổ chức cùng có một bản copy của cơ sở dữ liệu song song.
Nếu muốn dễ dàng hiểu được cơ chế tại sao nhiều người lại có thể cùng sở hữu bản cơ sở dữ liệu đồng bộ với nhau theo từng phút từng giây được như vậy, hãy thử hình dung tương tự như sau: Có 10 người cùng làm việc trong cùng một phòng, ngồi xung quanh một chiếc bàn. Mỗi người có một chiếc cặp tài liệu rỗng, trên đó có một trang giấy trắng, để rồi mỗi khi có bất kỳ ai làm những hành động như giao dịch, chuyển tiền thành công, họ ngay lập tức thông báo cho tất cả trong phòng để mọi người cùng ghi chép lại lên trang giấy trước mặt. Cứ lần lượt như vậy, khi thì người này, lúc thì người kia giao dịch, tất cả cùng ghi chép đến khi nào đầy trang thì thôi.
Khi tất cả tờ giấy của mọi người cùng được ghi đầy hết rồi, họ sẽ cùng phải niêm phong nó lại bằng cách giải một câu đố thuật toán. Việc cùng giải câu đố đó sẽ đảm bảo rằng mọi người cùng có chung dữ liệu trên những tờ giấy của mình và chúng sẽ không bao giờ bị chỉnh sửa. Đặc biệt, ai giải câu đố nhanh nhất sẽ giành được một lượng tiền ảo về cho mình - chính là cách “đào” tiền ảo mà nhiều người áp dụng.
Sau khi trang giấy được niêm phong hoàn thành, nó sẽ được cho vào chiếc cặp tài liệu có sẵn. Một trang giấy trắng mới được lấy ra, và mọi diễn biến cứ thế diễn ra liên tục không ngừng. Trên mỗi tờ giấy là đầy những giao dịch, một trang giấy đóng vai trò như một khối dữ liệu (block) và chúng tập hợp với nhau vào cặp tài liệu tạo thành một chuỗi (chain) - xét cho cùng sẽ tạo thành một cơ sở dữ liệu Blockchain chung.
Chính vì những đặc trưng của mình mà công nghệ Blockchain được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề, nhất là tài chính ngân hàng hay thậm chí là cả nền công nghiệp giải trí nữa.
Và dưới đây là 5 góc cạnh Blockchain có thể thay đổi cách làm việc của công ty bạn nếu được áp dụng đúng đắn:
1) Hợp đồng
Hợp đồng chưa ký thì chẳng có gì là thật cả - Glenn Danzig
Một công ty là phải có sự tiếp xúc, trao đổi với các đối tác khác phải không? Blockchain sẽ đóng một vai trò và ảnh hưởng lớn đến cách họ tương tác và làm việc với nhau. Trong đó, dù là giao dịch hay công việc gì đi chăng nữa, lòng tin giữa 2 tổ chức/công ty là điều tối quan trọng để giúp tiến trình hợp tác diễn ra suôn sẻ.
Thông thường, biểu hiện của lòng tin để xúc tiến hợp tác chính là những trang giấy hợp đồng với đầy đủ chữ ký 2 bên để xác nhận cùng nhau. Nếu một bên không tuân theo những quy định được chấp thuận chung trong hợp đồng, họ sẽ bị xử lý theo luật pháp, nhưng việc này có thể gây mất thời gian và công sức để xử lý triệt để. Vì thế, nhờ cậy đến sức nặng của pháp luật nhiều khi cũng không được nhiều người thích thú cho lắm.
Tuy nhiên, sử dụng công nghệ Blockchain sẽ giúp chuyển hóa những hợp đồng này thành “hợp đồng thông minh” (Smart Contract). Không giống như những hợp đồng truyền thống, Smart Contract sẽ bao gồm nhiều đoạn mã nguồn được lập trình và chỉ được giải mã bởi hệ thống Blockchain. Và như đã nói, những dữ liệu này sẽ không thể bị chỉnh sửa hay can thiệp từ bên ngoài, vì thế 2 bên sẽ bắt buộc phải hoàn thành vai trò được đặt ra mà không thể chối bỏ nhiệm vụ của mình.
Chẳng hạn, ví dụ bạn điều hành một ban nhạc và chuẩn bị bán đĩa thu của mình cho một ai đó có nhu cầu mua và giao dịch gián tiếp. Về phía mình, bạn sẽ nghi ngờ không biết người đó sẽ trả tiền hay không sau khi mình chuyển bài hát đến cho họ. Về phần người mua, họ cũng sẽ có một phần lo mình trả tiền xong nhưng không nhận được bản thu nào về tay. Và đó chính là bối cảnh để Smart Contract hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo: Một khi đã có dữ liệu ghi nhận thì không bên nào có thể thay đổi hay xóa bỏ, rút lại lời xác nhận của mình - người mua chuyển tiền là sản phẩm cũng sẽ được đảm bảo được chuyển ngược lại.
2) Giao dịch trả phí
"Nếu bạn nghĩ không ai quan tâm đến bạn, cứ thử không thanh toán vài lần xem" - Steven Wright
Nếu công ty và lĩnh vực bạn làm việc có nhiều nhu cầu liên quan đến việc giao dịch chuyển khoản giữa các quốc gia với nhau, Blockchain cũng sẽ chứng tỏ nó là một ứng cử viên sáng giá để ứng dụng ở đây. Bạn nên biết rằng một trong những tiềm năng lớn nhất của Blockchain đó chính là khả năng thay thế đồng tiền nói chung trong tương lai. Tất nhiên, điều này cần có cả một khoảng thời gian dài để thay đổi và chuyển dịch, nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, nó đã có thể giúp chúng ta chuyển tiền xa đến nửa vòng Trái Đất chỉ trong vài phút, chứ không phải vài ngày như trước nữa.
Như đã đề cập, đặc trưng của Blockchain là cơ chế phân quyền đồng tiền, và nó có tác dụng rất lớn trong việc tối ưu hóa các công đoạn giao dịch, để từ đó chúng có thể được chuyển trực tiếp giữa 2 đối tác với nhau một cách nhanh chóng, thuận lợi mà không cần một bên trung gian như ngân hàng. Vừa tốc độ lại vừa đơn giản, không rườm rà, còn lý do gì tuyệt hơn để công ty của bạn hứng thú với việc ứng dụng công nghệ này nữa chứ?
3) Tuyển dụng
"Chúng ta sẽ sớm trở thành những người trông coi robot. Thế hệ công việc tiếp theo sẽ chỉ có như vậy thôi." - Gray Scott
Các chuyên gia dự đoán rằng con người sẽ sớm bị thay thế bởi robot trong gần như mọi ngành nghề hiện tại. Dù vậy, cho đến ngày đó thì chúng ta vẫn sẽ cần hàng triệu nhân lực mới để giúp vận hành mỗi công ty và doanh nghiệp. Nhưng con người không có bảng hiệu giới thiệu hay thước đo mức độ tài giỏi và danh tiếng nói chung, cho nên việc tìm ra người phù hợp và có ích cho công việc cần thiết cũng là một nhiệm vụ khó khăn thực sự..
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như dữ liệu tham khảo về những vị trí và nguồn nhân lực phù hợp được thu thập và công bố phổ biến để tìm kiếm và tuyển dụng? Blockchain có thể đóng vai trò lớn và chủ yếu trong ý tưởng này. Mỗi người sẽ có một bản dữ liệu cá nhân riêng được ghi lại về lịch sử làm việc và kinh nghiệm theo thời gian của mình, lưu trữ dưới dạng Blockchain. Cứ hàng triệu người tham gia vào chuỗi ghi chép như vậy, mỗi khi ai đó cần tìm kiếm một ứng viên mới, họ có thể sử dụng nhưng công cụ rà soát thông tin và dữ liệu có sẵn để lọc ngay ra danh sách những ai phù hợp nhất cho vị trí đang bỏ trống.
Thuận tiện và nhanh chóng, nhưng nhỡ một lúc nào đó dữ liệu trong này bị ghi chép sai thì sao? Chẳng hạn như công ty ngày trước của bạn không có cảm tình với bạn lắm, vậy thì họ hoàn toàn có thể khiến hồ sơ Blockchain của bạn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều mà bạn không hề hay biết gì. Tuy vậy, đừng lo vì cơ chế dữ liệu trên có thể diễn ra theo 2 chiều: Các nhà tuyển dụng có thể đưa ra nhận xét về nhân viên của mình, và đổi lại mỗi người trong chúng ta cũng có thể theo dõi và đánh giá chính những “ông sếp” trên quyền. Như vậy, khả năng xảy ra những sai lệch thông tin vì tư lợi hay mục đích cá nhân sẽ khó mà xảy ra nữa.
4) Lưu trữ dữ liệu đám mây
"Đằng sau mỗi đám mây, là một đám mây khác" - Judy Garland
Việc ứng dụng công nghệ dữ liệu điện toán đám mây vào công việc hằng ngày đã là quá quen thuộc hiện nay với nhiều công ty rồi, nhất là một số lượng lớn những công ty vừa và nhỏ theo thống kê cũng đang tích cực đi theo con đường này từ rất sớm. Nhìn chung, có khoảng 64% các doanh nghiệp nhỏ đăng ký trung bình tận 3 dịch vụ, giải pháp dữ liệu đám mây cùng lúc - và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 72% trong 3 năm tiếp theo.
Blockchain cũng đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng phân quyền dữ liệu đám mây, vì nó cho phép bất kỳ ai cùng làm việc lưu trữ cùng nhau một cách bình đẳng mà an toàn, kể cả khi không quen biết. Khi đó, thay vì chỉ lưu trữ các tập tin trên một server đơn lẻ nội bộ truyền thống, bạn sẽ có thể tự nhiên lưu dữ liệu lên hàng nghìn, hàng triệu thiết bị trên thế giới.
Làm sao mà điều đó có thể xảy ra được? Đây là lý do: Mỗi file được tải lên lưu trữ trong hệ thống Blockchain sẽ được chia ra làm nhiều phần nhỏ, và mỗi phần này lại được lưu trữ trên vài thiết bị nhất định tham gia vào mạng lưới hệ thống này. Phần cụ thể nào của file được lưu trên thiết bị cụ thể nào trên thế giới, tất cả đều được ghi chép và lưu giữ lại chính xác bởi Blockchain. Sau này, nếu có nhu cầu lấy lại file đó, hệ thống sẽ tự tìm các phần nhỏ và hợp chúng lại như cũ, dựa trên những gì đã ghi chép và thu thập trước đó.
Việc tin tưởng giao phó dữ liệu của bạn cho một hệ thống lưu trữ được phân quyền sẽ có mức độ an ninh và bảo mật cao hơn nhiều so với mạng lưới lưu dữ liệu đám mây truyền thống. Công nghệ lưu trữ truyền thống chỉ có vài phương án sao lưu cho file của bạn, và sự bảo mật của nó lại phụ thuộc vào cơ chế bảo vệ server tùy khả năng của từng công ty. Trong khi đó, hệ thống lưu trữ phân quyền của Blockchain thì sẽ giữ file đó bằng cách phân chia trên hàng loạt các thiết bị, do đó sẽ có rất nhiều nguồn lưu trữ có sẵn cho file hoàn chỉnh, vì thế mức độ an toàn và tin tưởng miễn nhiễm khỏi hacker cũng cao hơn nhiều.
5) Tối giản hóa sự phân bậc quyền hạn, tối ưu hóa cơ chế quản lý
Blockchain không phải là một công nghệ mới - nó chỉ đơn thuần là sự kết hợp và cải tiến của những gì chúng ta đã có trong tay từ nhiều năm nay rồi, bao gồm mạng lưới đồng đẳng peer-to-peer và cơ chế mật mã hóa.
Cơ chế phân cấp bậc quản lý cộng đồng và tập thể hiện nay có để lộ nhiều nhược điểm. Với những lợi ích từ việc ứng dụng Smart Contract, cộng đồng chung có thể được hưởng lợi hơn rất nhiều trong việc quản lý và vận hành mà không cần quá nhiều sự rườm rà trong khâu điều phối từ những “cấp trên”. Nhờ đó, công ty của bạn có thể tối giản hóa bộ máy điều hành cùng nhiều quy trình phức tạp khác, thông qua việc những quyết định nói chung có thể được thực hiện bởi một lượt bầu chọn tổng quát từ mọi nhân viên, được điều phối qua hệ thống Blockchain.
Mọi người sẽ đưa ra ý kiến của mình dưới dạng một Smart Contract. Tất cả những dữ liệu đó được ghi chép lại vào Blockchain, và khi một điều kiện liên quan nào đấy được thỏa mãn trong buổi bầu chọn này, các quyết định và tiến trình tương ứng tiếp theo sẽ tự động được thực hiện.
Thời đại của Blockchain đang dần được khẳng định...
Một số lĩnh vực nhất định sẽ tỏ ra cần đến Blockchain nhiều hơn so với số còn lại, nhưng một ngày mà Blockchain hiện diện ở mọi nơi với tiềm năng vượt quá sức tưởng tượng của nó là hoàn toàn khả thi ở mức cao. Một trong số những lợi ích lớn nhất, đó chính là việc những người xa lạ có thể tương tác, làm việc và giao dịch với nhau rất nhanh chóng, tự nhiên và đảm bảo an toàn. Hãy cùng chờ xem thế giới nói chung và công ty của bạn nói riêng thay đổi như thế nào nhờ nó nhé.
Theo Hackernoon.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming