Vì sao các tên lửa không còn sử dụng của Nga lại chứa vàng?

    Tùng Chi, Phụ nữ Việt Nam 

    Trong 9 tên lửa bị loại biên của Nga có chứa gần 42kg bạc và 1,8kg vàng. Tại sao lại như vậy?

    Năm 2018, hãng thông tấn Sputnik cho biết, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã công bố dự án đấu thầu tháo dỡ 9 tên lửa RT-2PM Topol bị loại biên.

    Hợp đồng tháo dỡ trị giá 9,7 triệu rúp (tương đương 170.817 USD vào thời điểm đó) yêu cầu việc tháo dỡ tên lửa được hoàn thành trước tháng 11/2018.

    Roscosmos cho biết, công ty thắng thầu có thể thu được gần 42kg bạc và 1,8kg vàng từ 9 tên lửa này. Mỗi tên lửa chứa khoảng 198g vàng, 4,6kg bạc và 5g bạch kim rải rác ở các bộ phận.

    Có điều, công ty thắng thầu sẽ phải trả số tiền thu được từ việc bán vàng bạc cho chính phủ Nga.

    Vì sao các tên lửa không còn sử dụng của Nga lại chứa vàng? - Ảnh 1.

    Phương thức mạ vàng được sử dụng trong công nghệ điện tử và quốc phòng.

    Lý giải về sự xuất hiện của vàng trong các bộ phận tên lửa, Science Focus cho biết, nhiều năm trước, các công ty chế tạo ở Nga và trên thế giới nói chung đã bắt đầu sử dụng cách mạ vàng và các dịch vụ hoàn thiện kim loại khác để cải thiện tuổi thọ dự kiến cho các sản phẩm của họ, giúp giảm mài mòn và tăng khả năng dẫn điện, cũng như kết nối.

    Phương thức thường được sử dụng là mạ điện, tức là dùng dòng điện để phủ một lớp kim loại lên bề mặt của vật thể. Kim loại đang lắng đọng (ví dụ như vàng) được nối với điện cực tích điện dương của mạch điện (cực dương). Mảnh cần mạ (chất nền hoặc vật liệu nền) được nối với cực âm. Một dung dịch đặc biệt được thiết kế để hỗ trợ quá trình điện phân ở đây.

    Các ứng dụng phổ biến của mạ điện bao gồm giảm hệ số ma sát, bảo vệ chống hư hại và mài mòn bề mặt, cải thiện độ dẫn điện cho thiết bị điện tử, thậm chí được xem là một cách để bề mặt thiết bị có độ bám dính tốt hơn trước khi sơn phủ.

    Nhờ phương pháp này mà nhiều bộ phận khác nhau của tên lửa có thể được bảo vệ, ví dụ như linh kiện hệ thống thông tin liên lạc, các thành phần của hệ thống dẫn đường, thiết bị quang học, điện tử hàng không.

    Khi các thiết bị điện tử và điện trở có kết cấu tinh vi hơn, vàng ngày càng được lựa chọn để mạ nhiều hơn, đặc biệt là mạ các điểm tiếp xúc điện. Tại Mỹ, ước tính hơn 320 tấn vàng mạ được sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử mỗi năm, chủ yếu là trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng. Vàng có khả năng chống ăn mòn dù ở nhiệt đô cao hay thấp.

    Vì sao các tên lửa không còn sử dụng của Nga lại chứa vàng? - Ảnh 2.

    Vàng còn có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

    Vàng còn có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Đây là một trong những vật liệu phản chiếu tốt nhất mà các nhà khoa học biết đến hiện nay. Bằng cách mạ vàng các bộ phận và linh kiện quốc phòng, nhà sản xuất và nhà khoa học có thể đảm bảo "điện trở thấp" và "tiếp xúc ổn định" – hai điều kiện rất có giá trị khi nói tới các thiết bị điện tử quốc phòng.

    Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, khả năng chống ăn mòn là một lợi ích khác biệt, nhất là đối với các hệ thống có tuổi thọ dự kiến lên tới vài thập kỷ.

    Một trong những ứng dụng mới nổi của vàng là làm chất xúc tác. Thông thường, các lớp oxy hóa sẽ hình thành trên nhiều kim loại khác khi chúng tiếp xúc với không khí thường, làm mất khả năng dẫn điện. Chúng cũng có thể bị rỗ và rỉ sét do các phản ứng hóa học diễn ra trong quá trình oxy hóa.

    Do không bị oxy hóa nên vàng có thể đảm bảo bề mặt được mạ rất nhẵn và đáng tin cậy, có thể duy trì các kết nối tốt và ổn định.

    Vàng cũng được sử dụng cho các kết nối điện, đặc biệt là những kết nối mà quá trình oxy hóa có thể làm giảm đáng kể công suất của dây dẫn.

    Cuối cùng, vàng giúp tản nhiệt, các điểm tiếp xúc mạ vàng có thể được sử dụng ở nhiệt độ cao hơn nhiều so với các điểm tiếp xúc được mạ bằng các kim loại khác, lên tới 125 độ C.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ