Vì sao cảm ứng trên Windows 10 không thể thành công? Hãy hỏi Internet Explorer và Chrome

    Lê Hoàng,  

    Đối thủ lớn nhất của Windows Store không phải là iOS App Store hay Google Play. Kẻ thù lớn nhất của giao diện cảm ứng trên Windows cũng không phải là chuột và bàn phím. Trong suốt 2 thập kỷ qua, Microsoft đã đóng góp quá nhiều vào một nền tảng vừa phổ biến, vừa tốn ít công sức/tiền bạc để phát triển, vừa tương đồng với UWP về tính năng và hiệu năng: World Wide Web.

    Có lẽ các tín đồ của Microsoft đều coi Windows 8 là một câu chuyện buồn. Sau khi bỏ lỡ cuộc cách mạng tablet do Apple khởi xướng, Microsoft vội vã cung cấp một bản Windows gần như chỉ tập trung cho giao diện cảm ứng. Người dùng chuột/bàn phím nổi giận, và đến khi bản cập nhật 8.1 ra mắt để xoa dịu (phần nào) sự tức giận ấy thì trào lưu tablet cũng vừa kịp đi qua.

    Với Windows 10, Microsoft đã tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa chuột/bàn phím và cảm ứng. Những chiếc tablet lai, All-in-One có cảm ứng cũng đã trở thành phổ biến. Doanh số PC dần dần ổn định và đến tháng 3 vừa rồi, phiên bản Windows mới nhất đã cán mốc 500 thiết bị toàn cầu.

    Nhưng cảm ứng, xét ở một góc độ nào đó, vẫn là một đứa con hoang của Windows. Phần đông các tựa game cảm ứng tuyệt vời nhất vẫn đáp bến iOS trước tiên. Phần lớn danh sách các ứng dụng UWP (tên gọi mới để thể hiện tầm nhìn "app cảm ứng đi muôn nơi" của Satya Nadella) vẫn bị coi là "rác": vô dụng, chất lượng kém và bị người dùng đánh giá kém. Một tỷ lệ quá lớn các ứng dụng chất lượng cao đến từ Microsoft thay vì đến từ các nhà phát triển độc lập.

    Đến cả Facebook không mâu thuẫn gì với Microsoft cũng phải đợi vài năm mới đưa ứng dụng lên Windows Store.
    Đến cả Facebook không mâu thuẫn gì với Microsoft cũng phải đợi vài năm mới đưa ứng dụng lên Windows Store.

    Cội nguồn vấn đề cảm ứng của Windows 10 sâu xa hơn bạn tưởng.

    Thù trong, giặc ngoài

    Đầu tiên, phần đông các nhà sản xuất ứng dụng vẫn tin tưởng iOS (và Android) hơn là Windows Store. So với 2 chợ ứng dụng đối thủ thì Windows Store chậm chân hơn hẳn và do đó phải chen chân vào một vùng biển đẫm máu - nơi cả các nhà phát triển hoặc đã lựa chọn iOS, hoặc cả iOS và Android. Chất lượng trải nghiệm Windows Store và các ứng dụng cảm ứng Windows ban đầu cũng thua kém các đối thủ quá xa. Việc gắn với Windows Phone trong những năm trước và không bao gồm ứng dụng x86 ngay từ đầu cũng khiến cho Windows Store phải chấp nhận những bất lợi không hề nhỏ.

    Đáng lo ngại hơn, phần đông người dùng Windows vẫn có thể sống tốt bằng chuột và bàn phím. Gần như bất kỳ một mẫu laptop phổ thông nào được bán ra tại thời điểm hiện tại cũng đều có tùy chọn không-cảm-ứng cho người dùng. Một số ứng dụng được coi là "tốt" trên Windows Store như Dropbox, Office 365 hay Photoshop Express rõ ràng là không thể đọ với phiên bản desktop bình thường về tính năng cũng như trải nghiệm.

    Đối thủ lớn đầu tiên của các ứng dụng UWP là phiên bản desktop của chúng.
    Đối thủ lớn đầu tiên của các ứng dụng UWP là phiên bản desktop của chúng.

    Chính Microsoft là người đã tối ưu (trở lại) các tính năng giao diện chuột/bàn phím cho Windows 10. Đó dường như là một quyết định mang tính chất tiến thoái lưỡng nan cho gã khổng lồ phần mềm. Chuột/bàn phím càng được ưu ái thì người dùng càng ít sử dụng cảm ứng, mà người dùng càng ít sử dụng cảm ứng thì các ứng dụng UWP càng gặp nhiều bất lợi.

    Quá nhẹ ký

    Nhưng đó vẫn chưa phải là thử thách khó nhằn nhất dành cho Windows Store. Các ứng dụng cảm ứng trên bất kỳ một nền tảng nào thường có những điểm chung sau đây: chúng tương đối đơn giản so với các ứng dụng x86, chúng nhẹ ký (phần lớn chỉ khoảng hơn 100MB khi chưa tính dữ liệu) và chúng không đòi hỏi sức mạnh xử lý quá "khủng".

    Nói cách khác, các nền tảng cảm ứng rất giống với một nền tảng đã phổ biến được gần 2 thế kỷ: World Wide Web.

    Ứng dụng UWP có thể coi là có cùng bản chất với ứng dụng iOS, Android bình thường: chúng không hề nặng ký.
    Ứng dụng UWP có thể coi là có cùng bản chất với ứng dụng iOS, Android bình thường: chúng không hề nặng ký.

    Hãy nhìn lại các ứng dụng bạn thèm muốn nhất trên Windows Store và bạn sẽ nhận ra rằng, gần như bất cứ tính năng nào của chúng cũng đều có thể được đáp ứng tốt bởi giao diện web. Facebook là ví dụ điển hình nhất: khi loại bỏ giao diện cỡ nhỏ dành cho Windows Phone/Mobile, trải nghiệm ứng dụng Facebook của Windows Store hiện tại cũng không có gì nổi trội hơn giao diện nền web. Ngay đến cả ảnh chụp màn hình được Facebook dùng cho Windows Store cũng gần như giống hệt với giao diện web.

    Các tựa game cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Ngoại trừ một số khá ít game "nghiêm túc" như Halo Wars 2 hoặc Gears of Wars 4 thì phần lớn game Windows Store vẫn thuộc loại "casual" nhẹ ký có thể chơi ngay trên nền web. Một số lựa chọn đình đám như Candy Crush Saga hoặc ROBLOX có thể được chơi trực tiếp hoặc qua plugin dành cho trình duyệt.

    Lịch sử 20 năm

    Với sự tiếp sức của Flash, Javascript và HTML5, World Wide Web của ngày nay là một môi trường cực kỳ mạnh mẽ.
    Với sự tiếp sức của Flash, Javascript và HTML5, World Wide Web của ngày nay là một môi trường cực kỳ mạnh mẽ.

    Qua 20 năm phát triển, web đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ. Đi lùi thời gian, nhiều người chắc hẳn vẫn còn nhớ thời đại game casual đầu tiên (vào khoảng những năm 2008 – 2010) có phần quan trọng của Facebook và Flash chứ không phải là iOS hay Android. Những đột phá trong JavaScript (có phần của Microsoft) cũng như HTML5 giờ đã cho phép tạo ra những trải nghiệm web không quá thua kém các hệ điều hành di động hay thậm chí là cả các ứng dụng Windows. Mới gần đây, Genk cũng đã gửi đến bạn đọc những cảm nhận về một trải nghiệm Office cực kỳ tuyệt vời ngay trên nền web.

    Chính bởi lý do này mà các nhà phát triển càng có ít lý do để phát triển phiên bản UWP cho "con cưng" của mình. Việc phát triển giao diện nền web là gần như bắt buộc để có thể chạm tay vào toàn bộ người dùng PC, chưa kể quá trình code cũng thường dễ dàng và ít tốn kém hơn so với phát triển ứng dụng di động. Không thể vượt mặt về tính dễ phát triển, cũng lại không thể vượt mặt về sức mạnh/tính năng, phát triển ứng dụng Windows Store không phải là một lựa chọn tốt về mặt kinh tế.

    Nền tảng UWP của Microsoft phải đối mặt với một đối thủ có mặt trên tất cả những chiếc PC: web.
    Nền tảng UWP của Microsoft phải đối mặt với một đối thủ có mặt trên tất cả những chiếc PC: web.

    Nếu có trách, thì Microsoft cũng chỉ có thể tự trách mình. Khi chạy đua vũ trang với Netscape vào đầu thập niên 1990, chính gã khổng lồ phần mềm đã đóng góp một phần quan trọng để đưa ra những bước tiến vượt bậc cho WWW về mặt kỹ thuật - bao gồm cả những đóng góp quan trọng cho dynamic web (web động). Sau khi giết chết Netscape, sự trì trệ của Microsoft lại là động lực quan trọng cho những cải tiến vượt bậc trên FireFox và đặc biệt là Chrome. Mới gần đây nhất, Microsoft lại đóng góp rất nhiều vào công cuộc phát triển Javascript thông qua Chakra. Bằng cách này hay cách khác, gã khổng lồ phần mềm đã luôn đóng góp quá nhiều phần vào việc tạo ra một đối thủ khủng khiếp cho các ứng dụng Windows App như hiện nay.

    Ai cũng có thể nghĩ đến một lời giải rất đơn giản cho vấn đề này: Microsoft cần phải tạo ra một cơ chế nào đó để UWP có thể vượt mặt nền web về tính năng. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó: UWP có thể mang đến tính năng nào thực sự vượt trội so với nền web? Với các nhu cầu khá "casual" của cảm ứng, nền web có gì không thể đáp ứng được?

    Đó sẽ là câu hỏi khiến Microsoft phải trăn trở trong nhiều năm tới và cũng có thể là tiền đề cho một cuộc cách mạng thay đổi bản chất trải nghiệm Surface. Cảm ứng chuyển động? Trọng tâm đặt vào giọng nói? Không gian thực tại kết hợp (Mixed Reality)? Hãy cùng chờ xem Microsoft của ngày hôm nay sẽ phải làm thế nào để đánh bại WWW, đứa con cưng của Microsoft 20 năm trước.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ