Vì sao châu Âu cho phép điện thoại bật 5G trên máy bay?

    Nhật Đăng, Theo Tuổi Trẻ 

    TTO - Chế độ máy bay (airplane mode) trên điện thoại có thể lỗi thời nếu nhiều nước áp dụng cách làm của Liên minh châu Âu (EU). Điều này gợi lại câu hỏi cũ vốn gây tranh cãi: dùng di động 5G trên máy bay thì ảnh hưởng gì tới chuyến bay?

    Suốt một tuần qua, người dùng điện thoại di động xôn xao về việc EU có thể khai tử "chế độ máy bay" trên điện thoại thông qua quy định mới về việc cho phép sử dụng dịch vụ di động thế hệ thứ 5 (5G).

    Khi 5G được dùng, điều này đồng nghĩa hành khách không cần "vui lòng tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay" như khuyến cáo họ thường nghe trên các chuyến bay.

    Trong thông báo đưa ra từ ngày 24-11, cổng thông tin chính thức của Ủy ban châu Âu (European Commission) cho biết theo quy định mới, các hãng bay được phép cung cấp dịch vụ công nghệ 5G tiên tiến trên các chuyến bay, bên cạnh công nghệ di động của các thế hệ cũ hơn.

    Vì sao châu Âu cho phép điện thoại bật 5G trên máy bay? - Ảnh 1.

    Một người sử dụng mạng wifi trên máy bay trong khi chuyển điện thoại sang chế độ máy bay - Ảnh minh họa: REUTERS

    Theo đó, hành khách sẽ được gọi và nhận cuộc gọi, nhắn tin và dùng dữ liệu di động y như trên mặt đất. Để làm điều này, dịch vụ 5G trên máy bay sẽ sử dụng thiết bị mạng đặc biệt gọi là "pico-cell", một trạm phát sóng nhỏ nối mạng trên chuyến bay với mặt đất thông qua vệ tinh.

    Đây có thể là tin vui cho những người ủng hộ việc sử dụng di động trên máy bay. Lâu nay, các hãng bay đều yêu cầu hành khách tắt máy hoặc dùng chế độ máy bay. Mạng wifi được sử dụng trên máy bay, nhưng đa phần không được ưa chuộng vì có tốc độ thấp hoặc giá cả đắt đỏ.

    Khi người dùng chuyển sang chế độ máy bay, họ vẫn có thể sử dụng wifi, nhưng điều này lại đồng nghĩa họ không thể dùng 5G (hoặc trước đây là 3G và 4G).

    Việc cấm dùng dữ liệu di động trên máy bay được các hãng thống nhất quy định, nhưng thực tế đây là một vấn đề gây tranh cãi.

    Tờ Conversation giải thích rằng máy bay hiện đại dùng sóng để đo độ cao. Phi công dựa vào sóng vô tuyến để hạ cánh an toàn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế…

    Máy đo độ cao vô tuyến của máy bay hoạt động trên tần số gọi là C-band, có tần số từ 4,2 tới 4,4 gigahertz (GHz).

    Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà chức trách và chuyên gia hàng không nghĩ rằng sóng di động của hành khách sẽ can thiệp vào sóng vô tuyến, khiến phi công không thể nhận thông tin chính xác, từ đó ảnh hưởng tới an toàn bay.

    Trên thực tế, hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng và tạo ra vấn đề cho an toàn bay.

    Từ năm 2014, Cơ quan an toàn hàng không EU đã cập nhật quy định, cho rằng các hãng bay không cần yêu cầu hành khách tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay.

    Điểm khác biệt nằm ở tần số. Một số quốc gia dùng 5G trên các tần số thuộc C-band, gần với tần số vô tuyến của phi công, nhưng tới nay chưa hề có báo cáo nào về vấn đề an toàn bay. Tại Anh, 5G được sử dụng ở tần số lên tới 4 GHz. Một số nước khác thậm chí dùng băng tần 3.8 GHz cho dịch vụ 5G.

    Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói với tờ Telegraph rằng mạng 5G trên máy bay sẽ không tạo ra bất kỳ vấn đề an toàn bay nào, vì mạng này dùng tần số khác so với hệ thống truyền thông của máy bay. Các điện thoại theo đó sẽ dùng 5G trên các tần số trên 5 GHz, khác với khu vực từ 4,2 tới 4,4 GHz của máy bay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ