Mong muốn đưa con người ra ngoài không gian và định cư ở các hành tinh khác có lẽ đã không còn xa lạ, nhưng tại sao giữa không gian bao la rộng lớn, chúng ta lại chọn sao Hỏa? Có phải rằng vũ trụ không còn lựa chọn nào tốt hơn đối với chúng ta?
Kể từ khi kết thúc sứ mệnh đổ bộ lên mặt trăng bằng tàu có người lái của Hoa Kỳ vào thế kỷ trước, loài người chưa bao giờ thực sự bước ra khỏi bầu khí quyển của Trái Đất. Nhưng các chuyến bay và việc khám phá không gian của con người vẫn chưa dừng lại, các tàu thăm dò không người lái đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của hệ mặt trời và cung cấp cho chúng ta những hiểu biết chung về các điều kiện của hệ mặt trời. Trong những năm gần đây, chủ đề về việc du hành ngoài không gian với những con tàu có người lái quay trở lại mặt trăng và hạ cánh trên sao Hỏa đã dần sôi động trở lại, và kế hoạch nhập cư trên sao Hỏa cũng được đưa vào các chương trình nghị sự.
Nhưng nhiều người vẫn còn phân vân: Tại sao phải có sự di cư giữa các vì sao? Tại sao sao Hỏa phải là điểm dừng đầu tiên? Chúng ta vẫn còn rất nhiều tài nguyên và nhiều nơi trên Trái Đất chưa được sử dụng, trồng trọt. Ngay cả sa mạc, sông băng và những nơi cằn cỗi khác trên Trái Đất vẫn được coi là nơi có điều kiện sống lý tưởng hơn nhiều so với sao Hỏa. Chi số tiền khổng lồ này vào việc biến đổi Trái đất có thể sẽ mang lại hiệu quả nuôi sống nhiều người hơn. Tại sao chúng ta đưa con người lên sao Hỏa định cư?
Những câu hỏi này thường xuất hiện trong các diễn đàn và trang mạng xã hội của những cộng đồng yêu khoa học, khám phá. Và hôm nay, chúng ta hãy nói về chủ đề này và cố gắng làm rõ nó.
Con người nhập cư đến các hành tinh xa lạ không phải để khám phá khai hoang, thay vào đó mục đích sâu xa của việc này là tìm kiếm nơi "tị nạn" cho nhân loại. Vậy chúng ta đang chạy trốn khỏi điều gì?
Trên thực tế, có thể thấy được rằng xã hội loài người đang phát triển rất nhanh, nhận thức của mọi người cũng ngày càng tiến bộ hơn nhờ những thiết bị di động cầm tay, lướt Internet, máy bay, đường sắt cao tốc...
Nhưng khi nhìn thẳng vào vấn đề của xã hội loài người, chúng ta cần phải lưu ý tới hai điểm: Thứ nhất, cuộc sống văn minh và hạnh phúc của chúng ta ngày nay là do tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ mang lại. Điểm thứ hai là cuộc sống ổn định và hạnh phúc hiện tại chỉ là cái nhìn trong ngắn hạn, cuộc sống này có thể kéo dài ở thời đại chúng ta cũng như vài thế hệ con cháu tiếp theo, nhưng về lâu dài thì rất khó nói.
Xét từ góc độ mối quan hệ giữa Trái đất và mặt trời, Trái đất sẽ không còn là một hành tinh có thể ở được trong tương lai, vì vậy, nếu không thoát khỏi Trái đất thì làm sao chúng ta có thể tiếp tục sinh sống? Thời gian này là bao lâu? Nó có thể rất dài hoặc nó có thể rất ngắn.
Một thực tế khác là sự tàn phá môi trường, khai thác tài nguyên quá mức của con người kể từ khi công nghiệp hóa, cũng như việc phát thải khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch, đã khiến cho hiệu ứng nhà kính của Trái đất ngày càng trở nên trầm trọng hơn - nhiệt độ trung bình đã tăng hơn 1 độ C so với trước khi công nghiệp hóa. Người ta tin rằng chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 3 độ C, hệ thống tự điều chỉnh của khí hậu Trái đất sẽ sụp đổ và những thảm họa không thể ngăn cản sẽ ập đến với chúng ta.
Chính vì vậy, các nhà khoa học đã nhiều lần đưa ra công văn cũng như nghiên cứu để cảnh báo, nếu không kiềm chế và cải thiện, loài người sẽ phải đối mặt với thảm họa sinh thái tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.
Do đó, con người cũng cần đề phòng những thảm họa thiên nhiên không thể tránh khỏi trên chính hành tinh của chúng ta cũng như bên ngoài không gian, chẳng hạn như sự thay đổi mạnh mẽ của mặt trời và sự va chạm của các tiểu hành tinh vào Trái đất, hay tất cả những điều mà con người không thể đối phó được. Hiện tại, tất cả dân số của loài người đang ở trong cùng một hành tinh - Trái đất, một khi gặp phải thảm họa tuyệt chủng, loài người có thể sẽ biến mất vĩnh viễn trong vũ trụ này.
Ngoài ra, quá trình di dân tới các hành tinh khác không phải là việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực của vài thế hệ, thậm chí hàng chục thế hệ, vì vậy nếu không nỗ lực ngay từ bây giờ thì việc nhân loại tuyệt chủng sẽ có khả năng trở thành sự thật cao hơn. Đây là lý do cơ bản tại sao một số nhà khoa học, doanh nhân và chính trị gia có tầm nhìn xa liên tục khám phá không gian bên ngoài và tìm kiếm các thuộc địa cho con người.
Các nhà khoa học đã khám phá 8 hành tinh trong hệ mặt trời, cũng như một số hành tinh lùn và mặt trăng. Khi so sánh tương quan các hành tinh trong hệ mặt trời, ngoài Trái Đất thì sao Hỏa là hành tinh có điều kiện phù hợp với con người hơn cả, điều này không có nghĩa là môi trường của sao Hỏa và Trái đất là giống nhau - môi trường của sáu hành tinh còn lại tồi tệ hơn nhiều so với môi trường của sao Hỏa.
Sao Thủy ở quá gần mặt trời và có khối lượng cũng như thể tích nhỏ nên nó là một hành tinh đá trần và cứng. Vòng quay của nó đã bị khóa bởi thủy triều của mặt trời, một mặt luôn hướng về phía mặt trời và mặt bên kia thì ngược lại. Do đó môi trường của hành tinh này rất khắc nghiệt, nhiệt độ của phía đối diện với mặt trời cao nhất là 428 độ C, và nhiệt độ ở phía hướng ra khỏi mặt trời thấp bằng -193 độ C.
Sao Kim nhỏ hơn Trái đất một chút, bằng 88% thể tích Trái đất và 81,6% khối lượng Trái đất. Tuy nhiên, tốc độ quay của Sao Kim không thích hợp với sự sống của con người, bầu khí quyển thì chủ yếu là khí nhà kính carbon dioxide, dẫn đến nhiệt độ bề mặt của Sao Kim lên tới 500 độ C, bề mặt áp suất gấp 90 lần Trái đất, mưa axit sunfuric đậm đặc là điều thường xuyên xảy ra, và không có nước cũng oxy trên hành tinh này.
4 hành tinh còn lại là sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương, đều là những hành tinh khí khổng lồ, sao Thiên Vương nhỏ nhất có khối lượng gấp 14,5 lần Trái đất, và Sao Mộc lớn nhất có khối lượng gấp 318 lần Trái đất. Không có hành tinh khí nào trong số này có bề mặt rắn. Nhiệt độ bề mặt cao nhất của sao Mộc chỉ là -148 độ C, và sao Hải Vương thấp nhất cũng xuống tới -200 độ C. Do đó chúng hoàn toàn không phù hợp cho việc định cư của con người.
So với sáu hành tinh này, môi trường của sao Hỏa ôn hòa hơn nhiều. Mặc dù bầu khí quyển của sao Hỏa mỏng hơn Trái đất, nhưng vẫn là có; dù nhiệt độ có khắc nghiệt nhưng vẫn có thể chấp nhận được; mặc dù không có nước lỏng, nhưng nước đóng băng trong lòng đất và ở các cực lại khá nhiều; chu kỳ quay là 24 giờ, 37 phút và 22,7 giây, tương tự như chu kỳ quay của Trái đất; chu kỳ quay vòng là 686,971 ngày, gần bằng 2 năm của Trái đất; quan trọng hơn, bởi vì trục quay có độ nghiêng 25,19 độ, khá tương đồng với độ nghiêng 23,26 độ của Trái đất nên ở xích đạo tạo thành chí tuyến, nơi được mặt trời chiếu sáng trực tiếp và có sự thay đổi theo mùa rõ rệt trong năm.
Qua đó có thể thấy rằng, ngoại trừ Trái đất và sao Hỏa, môi trường của 6 hành tinh còn lại có thể so sánh với địa ngục.
Một số người cho rằng có một số mặt trăng trong hệ mặt trời cũng có điều kiện cho con người di cư, chẳng hạn như Titan. Tuy nhiên, thăm dò và nghiên cứu sâu hơn cho thấy bầu khí quyển của nó có 98,66% nitơ, nhiệt độ bề mặt là -179,15 độ C, không có nước, các hồ và biển tại mặt trăng này đều là các chất hydroxyl loại mêtan lỏng, không thích hợp cho con người sinh sống.
Tất nhiên, mặt trăng cũng có thể trở thành nơi định cư của con người trong tương lai, nhưng mặt trăng quá nhỏ và quá gần Trái đất, khó thoát khỏi những thiên tai mà Trái đất có thể gặp phải nên không thể đạt được hiệu quả của ý định "đặt trứng vào hai giỏ".
Sao Hỏa cũng có một điều kiện rất độc đáo, ngoài mặt trăng và sao Kim, nó là hành tinh gần Trái đất nhất và nó chỉ cách khoảng 57 triệu km khi ở vị trí gần nhất. Với khả năng bay vũ trụ hiện tại của con người, việc đến được sao Hỏa đã là giới hạn của khả năng.
Tàu thăm dò không người lái xa nhất của chúng ta là Voyager 1, nó đã bay hơn 40 năm và mới bay được hơn 23 tỷ km. Hiện nó đã bay ra khỏi hệ mặt trời với tốc độ khoảng 17 km/s. Tuy nhiên vẫn sẽ phải mất hơn 17.000 năm để thoát ra khỏi bán kính hấp dẫn 1 năm ánh sáng (9,47 nghìn tỷ km) của hệ mặt trời.
Do đó, việc con người bay ra khỏi hệ mặt trời ở thời điểm hiện tại có lẽ là một điều không tưởng. Nhưng chỉ cần loài người không bị tuyệt chủng thì trong tương lai chúng ta nhất định sẽ ra khỏi hệ mặt trời và tiến vào trong không gian sâu thẳm của vũ trụ. Điều này là do mặt trời cũng sẽ bị hủy diệt trong 5 tỷ năm nữa (hoặc có thể là sớm hơn), và khi đó hệ mặt trời sẽ là nơi sinh vật sống không thể tồn tại.
Hiện nay, mặc dù loài người đã phát hiện ra hàng nghìn ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ mặt trời), hàng chục hành tinh trên cạn nằm trong vùng có thể sinh sống được và có thể có nước lỏng thích hợp cho con người sinh sống, nhưng con người chỉ có thể ngắm nhìn chúng mà thôi. Chính vì những yếu tố này, sao Hỏa đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc định cư của con người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời