Vì sao đối thủ đáng gờm của Alibaba ở Việt Nam không phải là những công ty lớn, mà lại là hàng triệu người bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook?

    PV,  

    Người bán hàng trên Facebook có gì ghê gớm đến vậy để có thể là đối thủ đáng gờm với những ông lớn ngoại, trong đó có Alibaba của tỷ phú Jack Ma.

    Trong một hội thảo mới đây, trước những lo ngại của những đơn vị làm thương mại điện tử (TMĐT) về cuộc xâm nhập của những ông lớn ngoại thì ông Đạt Phạm, Tổng giám đốc của Miczone đã khẳng định: "Amazon, Alibaba không thể cạnh tranh với 1 triệu người Việt đang bán hàng trên Facebook?"

    Dưới đây là những lý do mà ông Đạt đưa ra khi nêu quan điểm đó:

    1. Cơ sở hạ tầng của thị trường kém

    Lazada không thành công ở Việt Nam và thị trường Đông Nam Á nói chung khi đang thiếu vốn để tiếp tục, và động thái bán là để rút khỏi thị trường.

    Rocket Internet - công ty mẹ của Lazada - vẫn sở hữu 8,8% cổ phần của Lazada chỉ để cố phiếu Lazada không bị rớt giá thảm hại. Đây là sự thỏa hiệp giữa Alibaba và Lazada. Rocket Internet sẽ không còn quyền tại Lazada. Alibaba sẽ điều hành Lazada theo cách của Alibaba.

    Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á rất khó khăn, đặc thù mỗi nước mỗi khác, không có điểm chung. Phát triển tại Đông Nam Á là quyết định không hề dễ dàng đối với Lazada . Đây là thị trường lớn nhưng hạ tầng phát triển kém.

    TMĐT cần kết nối internet, thế nhưng, tốc độ tại một số quốc gia có thể nói là... "rùa bò", dân số được phân bố không đồng đều và trải dài trên rất nhiều vùng miền. Mỗi quốc gia lại có ngôn ngữ riêng và hàng rào luật, thuế, phương thức thanh toán, thủ tục thông quan khác nhau.

    Tại nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng kém hoặc gần như không có cơ sở hạ tầng. Đường giao thông, đường xe lửa đều rất khó khăn khi di chuyển dẫn tới việc chuyển hàng hóa tăng chi phí và tốn kém, không đảm bảo thời gian. Thậm chí, một số nơi chỉ có thể di chuyển tới bằng thuyền.

    Tất cả những yếu tố trên cho thấy Đông Nam Á nói chung và Việt Nam không hề dễ dàng cho việc phát triển TMĐT.

    Magnus - người đứng đầu Lazada Indonesia cho biết, các công ty logistics của nước này không thể theo kịp với sự phát triển của Lazada. Đó là lý do tại sao Lazada vốn hoạt động dạng thị trường mở, không có hàng tồn kho nhưng đã phải xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần để phân phối hàng hóa toàn quốc. Điều này lặp lại ở nhiều thị trường, trong đó có cả Việt Nam.

    2. Giá rẻ sẽ thắng giá hợp lý, uy tín và chuyên nghiệp

    Tại mỗi nước trong khu vực, có nhiều startup TMĐT mọc lên để cạnh tranh, chưa kể hàng triệu người bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook, họ có nhiều ưu thế bản địa hơn Lazada rất nhiều.

    Bán hàng trên Facebook ở Việt Nam rất mạnh, có hơn 1 triệu đơn vị đang hoạt động. Điều này do thị hiếu và tập quán tiêu dùng hàng hóa của Việt Nam rất đặc biệt.

    Người dùng muốn hàng tốt, chất lượng nhưng khi lên mạng lại tìm chỗ rẻ dể mua. Khi đó, họ không còn quan tâm tới uy tín người bán nữa.

    Ví dụ trên facebook bán 8 đồng, web uy tín hơn bán 9 đồng thì họ vẫn chấp nhận mua của người bán trên facebook. Tại Việt Nam, nơi đâu có giá rẻ sẽ thắng chứ không phải ai có giá hợp lý và uy tín, chuyên nghiệp sẽ thắng.

    3. Mua lại dịch vụ có sẵn dễ dàng hơn nhiều so với việc xây dựng mới?

    Điều này hiểu nhiên đúng, nhất là khi Alibaba đã quen với thị trường Trung Quốc, họ chưa từng gặp những khó khăn như Lazada đã gặp tại Đông Nam Á. Có thể nói rằng toàn bộ khó khăn đã nói phía trên đều xa lại với Jack Ma, nếu như ông quyết định đầu tư mới, mọi thứ sẽ phải làm lại từ đầu.

    Điều đó sẽ kéo theo những chi phí cho việc xây dựng, tìm hiểu 6 thị trường, giải quyết khó khăn cho từng thị trường sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với chi phí 1 tỷ USD mà Alibaba dùng để mua cổ phần Lazada.

    Jack Ma có thể giúp thương nhân Trung Quốc "thông quan" vào Đông Nam

    Thỏa thuận của Alibaba với Lazada mở ra cơ hội cho các thương nhân Trung Quốc bán hàng cho người mua sắm ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, trước đây nếu người dùng muốn mua sản phẩm từ Alibaba đều phải thông qua "con buôn" hoặc chờ đợi thời gian dài để hàng chuyển tới và phải thanh toán từng chi phí hải quan cho món hàng.

    Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, người bán hàng trên Taobao và T-mall sẽ rất vui mừng khi có cơ hội tiếp cận người mua hàng tại những thị trường mới.

    Thương vụ này là thương vụ bán tháo để rút khỏi thị trường chứ không phải bán lời như mọi người nghĩ và báo chí viết.

    Alibaba sẽ không chiếm thị trường đồng loạt trên 6 nước, mà phải thí điểm từng nước vì đặc thù thị trường thương mại điện tử mỗi nước khác nhau. Và trong 2 năm nữa mới có sự biến chuyển.

    4. Lời cảnh tỉnh

    Sẽ khó khăn hơn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Nếu Alibaba tham gia vào sàn thương mại điện tử lớn, có hạ tầng giao nhận tốt ở Việt Nam như Lazada Việt Nam, cơ hội để hàng Việt Nam xuất hiện trên sàn sẽ thu hẹp đáng kể, do chi phí của doanh nghiệp Việt Nam thường cao hơn.

    Trong bối cảnh này, doanh nghiệp có khả năng tự sản xuất mới ít bị ảnh hưởng. Nhưng thực ra từ trước đến giờ có đến 80% nguồn hàng kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Nền sản xuất Việt Nam yếu thì vẫn yếu, theo xu thế hội nhập thì không chỉ Alibaba mà còn rất nhiều tác động khác cả online và offline. Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam bắt buộc phải chuyển mình nếu không muốn đóng cửa.

    Các website thương mại lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều như tiki, sendo... nhưng hàng triệu người bán hàng trên mạng khác sẽ không mấy lo lắng về cuộc xâm nhập này.

    Theo Trí thức trẻ/Cafebiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ