Vì sao Foxconn chuyển hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam?

    Phong Vũ, Theo ICTNews 

    Foxconn sẽ chuyển một phần năng lực sản xuất iPad sang nhà máy ở Việt Nam, trong khi quá trình tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tiến hành.

    Foxconn sẽ chi 270 triệu USD (khoảng 1,77 tỷ nhân dân tệ) để thành lập công ty mới FuKang Technology Company Limited tại Việt Nam nhằm mở rộng sản xuất. Một số nguồn tin cho biết, nhà máy mới chủ yếu để làm hài lòng Apple với nhu cầu sản xuất phi tập trung của sản phẩm. Foxconn sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook cho Việt Nam, đồng thời dự kiến ​​bắt đầu sản xuất vào nửa đầu năm 2021.

    Vì sao Foxconn chuyển hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam? - Ảnh 1.

    Foxconn vào Việt Nam từ năm 2007 và đã có ba nhà máy quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất và lắp ráp máy tính và phụ tùng ô tô. Việc chuyển dây chuyền lắp ráp sang Việt Nam này sẽ là hoạt động sản xuất iPad đầu tiên của Foxconn bên ngoài Trung Quốc. Do những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế, Foxconn và các xưởng đúc khác được khách hàng yêu cầu cung cấp chuỗi cung ứng phục vụ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.

    Trong bối cảnh đó, lực lượng lao động giá rẻ của Việt Nam là yếu tố nổi bật để các công ty đưa ra lựa chọn. Foxconn đang tăng tốc bố trí năng lực sản xuất toàn cầu, trước đó đã đặt mục tiêu rằng, trong tương lai năng lực sản xuất ở nước ngoài sẽ chiếm 30% tổng năng lực sản xuất của công ty.

    Giảm chi phí sản xuất và hậu cần

    Cứ sau giờ làm việc, hàng nghìn nhân viên từ nhà máy Foxconn ở Bắc Ninh, Việt Nam lại tập trung ra khỏi cổng nhà máy. Những người từng ở đây nói rằng, cứ như thể họ đang ở Đông Quan, Trung Quốc. Buổi tối, sau giờ làm việc, những người công nhân đội mũ bảo hiểm và đi xe máy, họ cũng sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển. Lượng công nhân tăng đột biến khiến cả con đường đất xám xịt, nếu trời mưa thì đường lầy lội, khó lưu thông.

    Có rất nhiều phụ nữ trẻ trong đám đông, mỗi người đều đeo một chiếc huy hiệu trên cổ áo, và hầu hết các nữ công nhân đều mặc quần áo lao động màu đỏ hồng. Nhiều công nhân sẽ đến các quán ăn gần nhà máy để mua một bữa ăn sau giờ làm việc. Các sạp hàng rất đơn giản, đều là lộ thiên, trên mặt đất có một cái ô lớn làm quầy hàng.

    Trên đây là cảnh giờ tan tầm của công nhân Foxconn ở nhà máy Việt Nam được phóng viên tờ AI Finance miêu tả lại. Những công nhân trẻ Việt Nam này trông không khác gì 757.000 công nhân của Foxconn ở Trung Quốc, nhưng nếu so sánh thu nhập, sẽ thấy rằng sự chênh lệch không hề nhỏ.

    Vì sao Foxconn chuyển hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam? - Ảnh 2.

    Công nhân Foxconn tại nhà máy Bắc Ninh mua đồ ăn sau giờ tan ca (Ảnh chụp từ clip)

    Với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng, cộng với thời gian làm thêm giờ vào khoảng 1,7 – 2,8 triệu đồng, thu nhập hàng tháng của họ sẽ là 6 – 7 triệu đồng. Trong khi Foxconn tuyển lao động tại Trung Quốc, lương tháng của lao động phổ thông khoảng 14 – 21 triệu đồng, vị trí càng cao sẽ lên tới 35 triệu đồng, cao hơn nhiều so với lương ở Việt Nam.


    Đối với Foxconn, một công ty đa quốc gia tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường sử dụng nhiều lao động, chi phí lao động là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất. Foxconn có kế hoạch đầu tư 7,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,059 tỷ NDT) vào việc xây dựng ký túc xá cho nhân viên tại Việt Nam vào tháng 7 năm nay, đây chắc chắn là một tin vui.

    Về việc mở rộng năng lực sản xuất ở Việt Nam, Foxconn từ chối trả lời với lý do chính sách công ty và bí mật thương mại. Mới đây, nhà máy của Foxconn tại Việt Nam đã sản xuất lô tấm nền trưng bày đầu tiên, nhà máy sẽ sản xuất 20.000 tấm mỗi năm, hầu hết dành cho xuất khẩu.

    Thực tế, vào đầu tháng 7 năm nay, Foxconn đã xin chính quyền địa phương chấp thuận thành lập khu công nghiệp 600 ha tại Bắc Giang. Vào ngày 25/11, Liu Yangwei cũng thông báo rằng, Foxconn sẽ sản xuất nhiều loại sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm ti vi, thiết bị truyền dẫn và các sản phẩm liên quan đến máy tính.

    Ngoài ra, từ quan điểm sản xuất, chi phí lao động và chi phí đất của Trung Quốc đang tăng lên, trong khi Việt Nam đang bắt kịp với giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng. Chi phí lao động thấp hơn và chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều hơn. Ngoài ra, từ góc độ giao thông địa lý của Việt Nam, việc phát triển sản xuất có chi phí hậu cần thấp hơn. Và giờ đây không chỉ Foxconn, nhiều công ty Trung Quốc cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

    Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

    Theo báo cáo, Foxconn đã đầu tư 270 triệu USD để thành lập một công ty mới, FuKang Technology Company Limited, nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam.

    Gần đây, Samsung cũng đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam, nhưng giới phân tích cho rằng, điều này có liên quan đến thị phần điện thoại di động Samsung tại Trung Quốc khá ảm đạm. Samsung đã đầu tư 13,7 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng 8 cơ sở sản xuất. Ngoài ra, Samsung cũng thông báo sẽ xây dựng nhà máy Samsung lớn nhất thế giới tại Việt Nam.

    Giới phân tích nhận định, việc Foxconn, Samsung và các công ty khác chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về “an ninh chuỗi cung ứng”, họ cho rằng chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia RECP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) vào giữa tháng 11 năm nay, một tín hiệu rất tích cực trong việc mở cửa thương mại.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ