Vì sao Google lại ra mắt Pixel Phone? Chẳng có lý do nào thuyết phục cả
Năm 2016 có lẽ là năm tồi tệ nhất của các nhà sản xuất phần cứng nhưng hoàn toàn có thể là năm đẹp nhất của các công ty chuyên về ứng dụng/dịch vụ mạng như Google. Vậy thì Pixel Phone ra đời để làm gì?
Cùng với sự ra mắt của iPhone 7 và Galaxy Note 7, "năm smartphone 2016" của chúng ta đã chuẩn bị đi đến hồi kết. Ngoại trừ những chiếc smartphone sắp được Google ra mắt trong tháng 10 sắp tới, gần như chắc chắn sẽ không có một hãng nào ra mắt thêm các sản phẩm đình đám cả.
Nhưng chỉ 1 chiếc smartphone Google ấy cũng mang đến quá nhiều chuyện để nói. Theo rất nhiều nguồn tin rò rỉ, trong năm nay Google sẽ khai tử danh mục Nexus và thay thế bằng một sản phẩm do Google nắm quyền kiểm soát từ phần cứng, phần mềm đến thương hiệu mang tên "Pixel". Các bức ảnh chụp Pixel cũng đã rò rỉ rất nhiều – có thể khẳng định đến 99% rằng chiếc điện thoại này sẽ ra mắt trong năm nay.
Điều này cũng có nghĩa rằng Google sắp đưa ra một quyết định kinh doanh khó hiểu.
Chúng ta đã nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần rằng năm 2016 là năm đáng buồn nhất trong lịch sử smartphone cảm ứng. Tất cả các hãng phân tích thị trường lớn đều đưa ra những con số dự đoán/thống kê không hề tươi đẹp, các nhà sản xuất tìm mọi cách để trấn an nhà đầu tư về doanh số suy giảm, thị trường Trung Quốc nay đã nguội lạnh nhưng Ấn Độ, Nam Mỹ vẫn chưa đủ "nóng" để tiếp sức. Gần như bất kỳ một thương hiệu smartphone nào cũng đều đang tính phương án thay thế: Xiaomi có nồi cơm điện, HTC có kính VR, Samsung nhiều năm qua có chip và smart home.
Sự thật hết sức rõ ràng là thị trường smartphone nay đã bão hòa và có lẽ là sẽ liên tục đi xuống trong những năm tới. Những quyết định từ bỏ dũng cảm như của Microsoft (cắt toàn bộ trị giá thương vụ Nokia) hóa ra lại là cực kỳ đúng đắn, còn những kẻ chần chừ như BlackBerry đã luôn ngụp lặn trong thất bại.
Bản thân Google cũng hiểu quá rõ những nguy cơ tiềm tàng trên chiến trường phần cứng. Năm 2011, công ty của tỷ phú Larry Page đã từng hăm hở mua lại Motorola và rồi 3 năm sau phải bán lại cho Lenovo với giá rẻ mạt. 3 năm dưới trướng Google là 3 năm vô nghĩa của Motorola. Ngoại trừ bằng sáng chế để phục vụ cho một cuộc chiến đã... nguội, Google cũng chẳng thu được lợi lộc gì khi ngay đến cả "di sản" tuyệt vời nhất của Motorola là Project Ara năm nay cũng đã đóng cửa. Tại Trung Quốc, Lenovo vẫn đang ngụp lặn vì không thể giải quyết được bài toán tích hợp với thương hiệu điện thoại mua từ Google.
Dĩ nhiên là smartphone mang thương hiệu Google sẽ có ý nghĩa khác hẳn với smartphone mang thương hiệu Motorola-của-Google. Nhưng hãy nhìn xem smartphone mang thương hiệu Google từ trước đến nay có vai trò gì: kể từ khi ra đời, smartphone Nexus đã luôn tạo ra trải nghiệm Android "chuẩn" nhất cho các nhà phát triển ứng dụng. Dù khá "nhạt nhẽo" nhưng Nexus đã luôn giúp các developer hình dung về ứng dụng của họ trên hàng trăm triệu thiết bị chạy các phiên bản Android "không chuẩn". Chính vì lý do này mà các mẫu smartphone Nexus thường có kích cỡ màn hình và độ phân giải trùng khớp với nhiều sản phẩm bán ra trên thị trường, được ưu ái cấu hình cao nhưng lại bị cắt giảm chất lượng hiển thị hoặc camera. Chẳng sao cả, bởi Nexus có đích đến là các nhà phát triển – những người mua điện thoại để thử nghiệm ứng dụng chứ không phải để thưởng thức phần cứng.
Nhưng nếu smartphone Pixel ra mắt ở vai vế đầu bảng ngang ngửa với Galaxy S hoặc LG G thì ý nghĩa của smartphone Google cũng sẽ thay đổi: gã khổng lồ tìm kiếm sẽ thay thế một thiết bị dành cho nhà phát triển bằng một thiết bị dành cho người tiêu dùng. Để chinh phục được người tiêu dùng, Google sẽ phải sở hữu những thế mạnh riêng trên lĩnh vực phần cứng vốn chưa bao giờ là "sân nhà". Từ khía cạnh này, vai trò "hỗ trợ nhà phát triển" của smartphone Google cũng sẽ biến mất.
Tai hại hơn cả sẽ là những mối quan hệ bị sứt mẻ. Từ trước đến nay quyền sản xuất smartphone Nexus luôn là món quà được Google gửi tới các đối tác: vị thế của LG ngày nay có phần không nhỏ nhờ Nexus 4 và Nexus 5, Nexus 6 là lời cảm ơn Lenovo đã mua lại Motorola còn Nexus 6P là sự thừa nhận dành cho Huawei. Khai tử Nexus để thay thế bằng chiếc Pixel do Google nắm toàn bộ có khác gì thay thế món quà bằng lưỡi dao?
Mọi thứ sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa tích cực nếu Pixel có giá rẻ mạt hoặc đi theo xu hướng "phá giá" như Xiaomi. Chương trình Android One của Google đã thất bại toàn tập, thái độ của các hãng với Nexus cũng ngày một hờ hững và chắc hẳn là Larry Page cũng không thích nhìn các hãng Trung Quốc thoải mái gỡ bỏ phần mềm Google khỏi Android để rồi vươn lên doanh số khủng. Nhưng đó cũng là một kịch bản khó có thể xảy ra: trong lịch sử, tên gọi "Pixel" đã luôn được dành cho những chiếc laptop và tablet có giá... trên trời. Sẽ là chẳng có gì bất ngờ nếu như Pixel Phone được ra mắt để làm đối thủ của Galaxy S7.
Một chiếc smartphone như Pixel cũng có thể sẽ khiến Android đánh mất luôn vai trò "cầu nối doanh thu". Ai cũng biết rằng miếng ăn chính của Google là doanh thu quảng cáo. Để có dữ liệu người dùng bán cho các hãng quảng cáo, Google cung cấp các dịch vụ tìm kiếm, video, mail, bản đồ... miễn phí. Android thực chất là một chiếc túi đựng tất cả các dịch vụ này, và thông qua các mẫu smartphone và tablet do Samsung, LG, HTC, Sony... sản xuất, Google đưa "túi đựng" trung gian đến người tiêu dùng.
Nếu Pixel ra mắt để cạnh tranh với smartphone Android đầu bảng của các hãng khác, toàn bộ mô hình kinh doanh cũ sẽ bị đảo lộn, các mối quan hệ cũ sẽ bị phá vỡ. Chẳng ai cấm Samsung, LG, HTC hay Sony tìm đến các bộ máy tìm kiếm, các dịch vụ dữ liệu khác – Microsoft đã lăm le xâm chiếm Android từ năm ngoái rồi! Tốt hơn hết là Google không nên mở ra lỗ hổng đó: Khi thị trường smartphone bão hòa, khả năng phủ sóng của các dịch vụ Google cũng đã lên tới mức tối đa. Nếu tính cả hơn 1 tỷ thiết bị iOS sử dụng Google làm bộ máy tìm kiếm chính trong trình duyệt thì đến nay đã có khoảng 2,5 tỷ thiết bị di động có trung tâm là "miếng ăn" của Google. Vậy thì tại sao lại chấp nhận nguy cơ mất doanh thu dữ liệu khổng lồ để ra mắt những thiết bị phần cứng đang có tiềm năng lợi nhuận ngày một thấp hơn?
Dù sao, Google cũng là một hãng công nghệ ở vị thế thống trị thị trường - những toan tính của một gã khổng lồ như vậy có thể nằm ngoài khả năng nhận định của tất cả chúng ta. Song, lịch sử công nghệ đã chứng kiến quá nhiều những gã khổng lồ sụp đổ vì những quyết định không một ai có thể hiểu được. Sự kiện ra mắt của Pixel vào tháng sau sẽ mở ra một chương mới cho Google, nhưng liệu đó sẽ là một chương tươi sáng hay đen tối thì còn phải chờ xem đã.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời