Microsoft đang "rán" Google theo cùng một cách Google "rán" Microsoft từ 10 năm trước

    Lê Hoàng,  

    Vị thế của Google như ngày nay có một phần quan trọng là nhờ thành công của Chrome. Điều gã khổng lồ tìm kiếm không nhận ra là Microsoft đang dùng cách tương tự để đánh chiếm Android.

    Khoảng đầu thập niên 2000, Microsoft đã kịp bóp chết đối thủ duy nhất trên thị trường trình duyệt là Netscape bằng chiêu trò độc quyền (cài đặt mặc định lên Windows) và cả những đột phá công nghệ như CSS và ActiveX. Đến giữa 2001, gã khổng lồ phần mềm đã nắm trong tay tới... 95% thị trường trình duyệt.

    Bắt đầu từ đây, cơn ác mộng Internet Explorer bắt đầu. Microsoft không chỉ chậm vá lỗi cho trình duyệt của mình mà còn một mình đi theo những quy chuẩn riêng. Thế nhưng, không ai dám từ bỏ 3 “thảm họa trình duyệt” IE 6, IE7 và IE8, bởi Windows là hệ điều hành mặc định của thế giới doanh nghiệp và IE luôn luôn được cài đặt sẵn trên hệ điều hành này. Các nhà phát triển web cũng như vô số người dùng đã bị ép phải hỗ trợ/sử dụng IE, bất chấp sự thật rằng họ đã có nhiều lựa chọn chất lượng cao để thay thế.

    Nổi bật nhất trong số các lựa chọn này là Firefox. Trình duyệt sinh ra từ “đống tro tàn” của Netscape không chỉ tuân thủ đầy đủ các quy định của W3C (tổ chức định nghĩa World Wide Web) mà còn có hiệu năng, tính bảo mật và mức độ tiện dụng cao hơn hẳn Internet Explorer. Thế nhưng, trong một thế giới mà người dùng “mù” công nghệ luôn luôn chiếm số đông, Firefox sẽ luôn luôn lép vế với Internet Explorer, bởi trình duyệt của Microsoft sẽ luôn được cài đặt sẵn vào hệ điều hành của Microsoft.

    Google đã len lỏi vào nền tảng của đối thủ như thế nào?

    Đầu tiên, Google phá vỡ độc quyền của IE...
    Đầu tiên, Google phá vỡ độc quyền của IE...

    Mozilla đơn giản là không đủ “tuổi” để chống lại Microsoft. Google thì khác. Gã khổng lồ tìm kiếm sống trên web bằng cách bán quảng cáo qua các dịch vụ dữ liệu. Vị thế độc quyền trên thị trường tìm kiếm cho phép Google có đủ tiềm lực tài chính và pháp lý để đứng dậy lật đổ ách thống trị của Microsoft, hay nói chính xác hơn là của Internet Explorer.

    Quả nhiên, những vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Microsoft đều có Google đứng sau vận động. Thắng lợi ý nghĩa nhất của Google là vào năm 2009, khi gã khổng lồ phần mềm buộc phải cung cấp màn hình “lựa chọn trình duyệt” cho người dùng Châu Âu mới cài đặt Windows. Đây là một cơ sở quan trọng để Google thúc đẩy thị phần cho trình duyệt Chrome mới ra mắt vào một năm trước đó. Đi kèm với mặt bằng hiểu biết công nghệ ngày một gia tăng, thị phần Chrome cũng tăng dần và từ thời điểm 2012 đã liên tục vượt mặt Internet Explorer.

    Dĩ nhiên là dù kêu gọi chống độc quyền nhưng Google cũng không “dại dột” tới mức mở rộng rãi nền tảng của mình cho các đối thủ khác thoải mái bước chân vào. Theo cùng một cách Oracle "giăng bẫy" Java và sau này là chính Google "giăng bẫy" từ Android, bộ lõi Chromium luôn được cung cấp miễn phí nhưng các nhà phát triển sẽ phải tốn rất nhiều công sức để thay thế cơ chế đồng bộ theo tài khoản Google/Gmail trên trình duyệt lõi Chromium.

    ...rồi Google tạo thế độc quyền cho dịch vụ của mình trên trình duyệt đã đánh bại IE.
    ...rồi Google tạo thế độc quyền cho dịch vụ của mình trên trình duyệt đã đánh bại IE.

    Google chỉ cho phép người dùng đăng nhập vào tài khoản Google (chứ không phải là tài khoản Microsoft, Apple hay Facebook) để bật cơ chế đồng bộ và các tùy chọn khác của trình duyệt. Khi đã đăng nhập vào trình duyệt, người dùng sẽ được đăng nhập vào tất cả các dịch vụ của Google. Vì vậy, họ càng thêm lý do để sử dụng Gmail thay vì Hotmail hoặc Yahoo Mail, Google Maps thay vì Nokia HERE, Google Drive thay vì OneDrive hoặc Dropbox...

    Ngay từ đầu, Chrome đã có sẵn rất nhiều dịch vụ của Google cung cấp qua dạng tiện ích mở rộng. Quan trọng nhất, Chrome cũng không có màn hình lựa chọn bộ máy tìm kiếm mặc định khi chạy lần đầu tiên. Những người dùng không rành về kỹ thuật như vậy sẽ bị "trói" vào bộ máy tìm kiếm của Google, theo cùng một cách người dùng Windows bị "trói" vào IE trước khi có màn hình lựa chọn trình duyệt đầu tiên.

    Khi lật đổ được thế độc quyền trình duyệt của IE trên Windows, Chrome đã tạo ra một hình thức độc quyền mới: độc quyền dịch vụ web truy cập từ trình duyệt Windows. Miễn người dùng sử dụng Chrome nhiều nhất, dịch vụ Google vẫn sẽ đè bẹp dịch vụ của Microsoft, Yahoo và nhiều đối thủ khác.

    Ngay từ đầu Chrome (và nhiều trình duyệt Chromium) đã bị cài đặt nhiều dịch vụ Google mà người dùng không hay biết.
    Ngay từ đầu Chrome (và nhiều trình duyệt Chromium) đã bị cài đặt nhiều dịch vụ Google mà người dùng không hay biết.

    Cần phải chỉ ra rằng dịch vụ dữ liệu của Google cũng tốt một cách áp đảo so với các dịch vụ đối thủ. Nhưng trong mọi trường hợp, cuộc đấu ứng dụng/dịch vụ mặc định trên nền tảng thường không phải là cuộc đấu nhắm vào người dùng có hiểu biết kỹ thuật (nói cách khác, thích được lựa chọn dịch vụ tốt nhất để sử dụng) mà là những người ít hiểu biết hoặc đơn giản là “ngại” mất thời gian tìm tòi công nghệ.

    Nếu không có Chrome và không có các vụ kiện chống Microsoft, Google sẽ chẳng tìm được cách chen chân vào Windows. Hãy nhớ Firefox luôn bị áp đảo thị phần dù có trải nghiệm tốt hơn hẳn IE.

    Microsoft đang len lỏi vào Android

    Bài học được Google để lại qua cuộc lật đổ vĩ đại này? Các ứng dụng (mà cụ thể ở đây là trình duyệt) hoàn toàn có thể là lớp trung gian để nhà phát triển ứng dụng có thể chiếm hết người dùng dịch vụ dữ liệu từ tay các nhà cung cấp hệ điều hành. Microsoft đến nay (và có lẽ là mãi mãi về sau) là chủ của hệ điều hành PC số 1 thế giới nhưng Bing, Bing Maps, Outlook.com... lại vẫn cứ thất thế trên các trình duyệt nền Windows.

    Đến năm 2016, sóng đã đổi chiều.

     Điều gì sẽ xảy ra nếu như Google bị các cơ quan chống độc quyền buộc phải cung cấp lựa chọn đặt Cortana (hoặc Alexa) làm trợ lý ảo mặc định cho Android NGAY KHI ACTIVATE thiết bị?

    Điều gì sẽ xảy ra nếu như Google bị các cơ quan chống độc quyền buộc phải cung cấp lựa chọn đặt Cortana (hoặc Alexa) làm trợ lý ảo mặc định cho Android NGAY KHI ACTIVATE thiết bị?

    Mới chỉ vào ngày 20/4 vừa qua, Margrethe Vestager, ủy viên trưởng độc quyền của Ủy ban Châu Âu EC đã đưa ra cáo buộc rằng hành vi của Google đối với hệ điều hành di động số 1 thế giới là cạnh tranh không lành mạnh và giới hạn quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Theo bà Vestager, Google đã ép buộc các nhà sản xuất phải cài đặt dịch vụ của Google (bao gồm Google Play) lên sản phẩm phần cứng chạy Android của họ, đồng thời đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ tài chính “không công bằng” để giúp ưu tiên các dịch vụ Google trên thiết bị Android.

    Bạn có thể nói rằng Google đã thay thế Microsoft trở thành bia ngắm bắn của EC.

    Chưa rõ Microsoft đóng vai trò như thế nào trong cuộc “Thánh Chiến” của EC chống lại Google, nhưng thực sự là gã khổng lồ phần mềm đã đón đầu từ khi Satya Nadella lên nắm quyền CEO vào năm 2014. Một loạt các sản phẩm ứng dụng/dịch vụ của Microsoft được đưa từ Windows Phone lên Android (và iOS), từ trợ lý ảo Cortana, ứng dụng chat/gọi thoại Skype, ứng dụng tin tức thời tiết gắn mác MSN, ứng dụng đám mây OneDrive, email Outlook và hiển nhiên là bộ ứng dụng văn phòng hàng đầu thế giới Office.

    Nói cách khác, Microsoft đã có sẵn một kho vũ khí để chờ ngày Google buộc phải nhượng bộ EU và hiển thị màn hình chọn ứng dụng mặc định mỗi khi người dùng kích hoạt thiết bị Android, thay vì mặc nhiên là các dịch vụ Google như hiện nay. Việc Microsoft mang các ứng dụng dịch vụ của mình lên Android (và iOS) hóa ra không phải là để ưu ái các hệ điều hành này, mà là để một ngày nào đó thu về một lượng lớn người dùng hiện đang sử dụng dịch vụ của đối thủ.

     Kho app Android của Microsoft.

    Kho app Android của Microsoft.

    Thậm chí, Microsoft còn có thể ra mắt chợ ứng dụng Android riêng, và Google sẽ bị EC ép phải cho phép người dùng lựa chọn giữa Google Play với Amazon App Store hoặc chính chợ ứng dụng của Google. Miếng võ "độc quyền" được Google áp dụng quả là quá thâm hiểm, nhưng lại không phải là... của riêng Google.

    Windows đã và luôn thuộc về Microsoft, nhưng người dùng dịch vụ web trên Windows đã bị Google “cướp” một cách ngoạn mục từ tay gã khổng lồ phần mềm. Giờ là lúc Satya Nadella thay Bill Gates và Steve Ballmer phục hận khi sử dụng (vẫn là) lá bài “độc quyền” để cướp người dùng Android, vốn phần nhiều là những người không hiểu biết gì về công nghệ tại các nước đang phát triển. Khi Internet Explorer mất vị thế thống trị, Microsoft vẫn sẽ thu tiền bản quyền Windows, nhưng khi các ứng dụng Google mất đặc quyền “mặc định” trên Android, nguồn thu của Google chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

    Thêm một tầng nền tảng

    Tham vọng của Microsoft hiển nhiên không dừng lại ở đây. Những rắc rối pháp lý của Google với Oracle buộc gã khổng lồ tìm kiếm chuyển sang sử dụng OpenJDK cho Android, nhưng bộ JDK này thực chất vẫn thuộc quyền kiểm soát của Oracle. Và Oracle là bạn thân của Microsoft.

    Tiếp đến, Microsoft còn bắt tay với Cyanogen Inc., một trong những công ty phát triển ROM Android “chế” hàng đầu thế giới để đưa bộ ROM Cyanogen OS tràn ngập các dịch vụ Microsoft tới tay các nhà sản xuất Android. Trở ngại lớn nhất của các bộ ROM chế (như Cyanogen OS, Fire OS của Amazon hay các giao diện của Trung Quốc) là chúng luôn bị Google bỏ xa phía sau khi phát triển các tính năng mới. Thế nhưng, khi Android đã chuyển sang sử dụng OpenJDK, quyền kiểm soát sẽ lại thuộc về “bạn thân” của Microsoft là Oracle.

    Google có quá nhiều kẻ thủ muốn chiếm lấy Android, và những kẻ thù đó có thể về dưới trướng Microsoft.
    Google có quá nhiều kẻ thủ muốn chiếm lấy Android, và những kẻ thù đó có thể về dưới trướng Microsoft.

    Không chỉ xâm chiếm các hệ điều hành đối thủ bằng ứng dụng dịch vụ, Microsoft còn nắm trong tay một vũ khí quan trọng khác: nền tảng chat và chatbot. Skype hiện có thể coi là ứng dụng gọi thoại chất lượng số 1 thế giới, trong khi Hangouts vẫn cứ lẹt đẹt (cũng như Allo, Duo hay bất cứ ứng dụng chat nào khác Google sẽ ra mắt trong tương lai). Điều gì sẽ xảy ra nếu như người dùng được phép lựa chọn Skype làm ứng dụng liên lạc, nhắn tin mặc định trên Android? Lúc này, sân nhà của Google đã thành sân nhà của Microsoft.

    Lý do là bởi chỉ duy nhất Microsoft và Facebook đang theo đuổi tầm nhìn biến ứng dụng chat thành nền tảng thay thế cho hệ điều hành trong thời đại người tiêu dùng ngày càng “ngại” lên chợ ứng dụng. Facebook vẫn đang có phần thắng khi lượng người dùng Facebook Messenger và WhatsApp hoàn toàn áp đảo Skype, nhưng đó vẫn không phải là trở ngại bởi chatbot của Microsoft hỗ trợ tất cả các nền tảng chat. Google mới chỉ làm chủ ứng dụng trên nền tảng hệ điều hành, Microsoft và Facebook thậm chí còn đang nhăm nhe làm chủ nền tảng chat trên nền tảng hệ điều hành, tức là qua mặt tất cả các chợ ứng dụng di động.

    Thậm chí, Microsoft và Facebook có thể bắt tay với nhau bởi cả 2 đều là đối thủ của Google nhưng lại không cạnh tranh với nhau: Microsoft bán dịch vụ đám mây và AI trong khi Facebook có mạng xã hội và ăn tiền từ quảng cáo. Lúc này, người chịu thiệt nhiều nhất chắc chắn lại là Google, bởi cả 3 đối thủ căm ghét gã khổng lồ tìm kiếm nhất là Oracle, Microsoft và Facebook lại có thể quy về một mối – một bản ROM Android riêng đủ sức cạnh tranh với Android Google.

    Dĩ nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa rằng Google sẽ mất quyền kiểm soát Android và cũng sẽ sớm tuột khỏi vị trí số 2 (hoặc số 1 thế giới, trong trường hợp Apple sảy chân) trong nay mai. Thế nhưng, sự thật là Microsoft đang vừa len lỏi vào nền tảng của chính Google để cướp người dùng Android.

    Microsoft đã lấy mỡ Google để “rán” Google. Ủy ban Châu Âu EC đang nhe nanh vuốt để ăn thịt Google như đã từng đánh gục Microsoft vào thời điểm hơn 10 năm về trước. Vào thời điểm đó, người ta vẫn nghĩ Microsoft sẽ mãi mãi hùng mạnh chứ không trở nên mờ nhạt như hiện nay. Thật trớ trêu, giờ là lúc Google phải đối mặt với chính cái bẫy đã giúp hãng này vươn lên vị thế số 1 thế giới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ