Vì sao hàng loạt tỷ phú công nghệ đổ hàng trăm triệu USD để tìm cách “đánh lừa thần chết”?

    Mạnh Kiên,  

    Nhiều tỷ phú công nghệ bắt đầu chuyển hướng sang nghiên cứu các phương thức giúp kéo dài tuổi thọ, thậm chí là trở nên bất tử.

    Không ra mắt mạng xã hội, công cụ tìm kiếm hay nền tảng thương mại điện tử lớn, các lãnh đạo công nghệ giàu có nhất thế giới đang đổ hàng triệu USD tài sản vào các dự án kéo dài tuổi thọ, thậm chí là hướng đến sự bất tử.

    Đi tìm

    Sam Altman muốn có OpenAI trong lĩnh vực tuổi thọ

    Tạp chí Công nghệ MIT báo cáo rằng Altman đã đầu tư 180 triệu USD vào Retro Biosciences, một công ty có sứ mệnh "tăng thêm 10 năm tuổi thọ khỏe mạnh của con người".

    Tạp chí Công nghệ MIT cho biết khoản đầu tư của Altman vào Retro Biosciences là một trong những khoản đầu tư "lớn nhất từ trước đến nay của cá nhân vào công ty khởi nghiệp theo đuổi mục tiêu kéo dài tuổi thọ".

    Theo đánh giá, Altman tin rằng thế giới trường thọ cần một "đòn bẩy dạng kiểu OpenAI". Nói cách khác, lĩnh vực cần một người có thể thay đổi cuộc chơi giống như cách mà ChatGPT khuấy động lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

    Altman cũng tiết lộ chế độ sống thọ bao gồm "ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ngủ đủ giấc" và dùng metformin, một loại thuốc trị tiểu đường đang ngày càng được nhiều người ở Thung lũng Silicon sử dụng như một cách làm chậm quá trình lão hóa.

    Đi tìm

    Larry Page và Sergey Brin thúc đẩy chống lão hóa

    Vào năm 2013, người đồng sáng lập Google, Larry Page, đã công bố dự án chống lão hóa mang tên California Life Company, thường được gọi là Calico Labs.

    Theo trang web của công ty, mục tiêu của Calico Labs – trực thuộc công ty mẹ của Google, Alphabet – là nghiên cứu quá trình lão hóa và phát triển các loại thuốc chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác.

    Vào năm 2014, Calico Labs bắt đầu hợp tác với công ty dược phẩm sinh học AbbVie để phát triển các liệu pháp chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác trong một sáng kiến đã nhận được hàng tỷ USD đầu tư.

    Calico Labs gần đây cũng được coi là tiền thân của Altos Labs, một công ty khởi nghiệp về trẻ hóa tế bào được tỷ phú Jeff Bezos đầu tư.

    Mối quan tâm của Sergey Brin đối với nghiên cứu về tuổi thọ được thúc đẩy một phần bởi khuynh hướng di truyền với bệnh Parkinson. Năm 2008, người đồng sáng lập Google tiết lộ trong một bài đăng trên blog rằng do bị đột biến gen nên ông dễ mắc bệnh Parkinson hơn người bình thường. Trong những năm qua, Brin đã rót hơn 1 tỷ USD vào nghiên cứu căn bệnh này.

    Đi tìm

    Mark Zuckerberg băn khoăn về sự sống và cái chết

    Vào năm 2015, nhà vật lý quá cố Stephen Hawking đã hỏi Mark Zuckerberg về những câu hỏi lớn trong khoa học mà anh đang tìm kiếm câu trả lời.

    "Tôi quan tâm nhất đến những câu hỏi về con người. Điều gì sẽ giúp chúng ta sống mãi? Làm thế nào để chúng ta chữa khỏi mọi bệnh tật? Bộ não hoạt động như thế nào? - Zuckerberg cho biết.

    Ông chủ Facebook đã khuyến khích trả lời câu hỏi thông qua Giải thưởng Đột phá, một bộ giải thưởng trị giá 3 triệu USD dành cho "các nhà khoa học hàng đầu thế giới làm việc trong các ngành khoa học cơ bản – những ngành đặt ra những câu hỏi lớn nhất và tìm ra những lời giải thích sâu sắc nhất".

    Vào năm 2016 - sau khi cùng vợ cam kết chi hàng triệu USD để chữa các bệnh truyền nhiễm thông qua sáng kiến từ thiện của mình - Zuckerberg nói rằng "vào cuối thế kỷ này, con người sống đến 100 tuổi là điều khá bình thường".

    Đi tìm

    Dmitry Itskov mưu cầu sự bất tử

    Doanh nhân người Nga, Dmitry Itskov, là người sáng lập công ty truyền thông trực tuyến New Media Stars. Nhưng điều khiến ông được chú ý hơn cả là hành trình tìm kiếm sự bất tử.

    Năm 2011, Itskov thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Sáng kiến 2045. Tổ chức này nhằm mục đích tạo ra các công nghệ cho phép chuyển nhân cách của một cá nhân sang dạng vật thể phi sinh học tiên tiến hơn để kéo dài tuổi thọ, hướng đến khả năng bất tử.

    Nói cách khác, mục tiêu của công ty là sử dụng công nghệ để tạo ra các thế thân ảo và bộ não tổng hợp được tùy biến lại theo tính cách con người. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

    "Đây là lúc mà những tâm trí độc lập với cơ thể sẽ nhận được những cơ thể mới có khả năng vượt xa con người bình thường. Một kỷ nguyên mới cho nhân loại sẽ đến!", trang web của dự án tuyên bố.

    Đi tìm

    David Murdock mong sống đến 125 tuổi

    David Murdock, cựu chủ tịch Dole, có yêu cầu khiêm tốn hơn các tỷ phú khác khi chỉ mong sống tới 125 tuổi. Theo tờ New York Times, Murdock dường như bắt đầu chú ý đến sức khỏe của mình sau khi mất người vợ thứ ba vì bệnh ung thư.

    Chế độ ăn kiêng của người đàn ông 100 tuổi này chỉ giới hạn ở hải sản, lòng trắng trứng, đậu, các loại hạt. Ông tránh xa sữa, thịt đỏ và thậm chí cả muối, đường và rượu. Ông cũng nâng tạ vài lần một tuần, đi bộ nhanh trên máy chạy bộ và cố gắng duy trì cân nặng khoảng 60kg.

    Ngoài công việc cá nhân, Murdock còn dẫn dắt hàng triệu người tham gia nghiên cứu khoa học về khoa học thực phẩm và dinh dưỡng. Theo tờ Times, ông đã chi 500 triệu USD để phát triển một trung tâm nghiên cứu với niềm tin rằng thực vật được ăn với số lượng dồi dào và đúng chủng loại, hứa hẹn mang lại sức khỏe tối ưu và tuổi thọ tối đa.

    Đi tìm

    Trẻ hóa như Bryan Johnson

    Doanh nhân ngành công nghệ sinh học 46 tuổi Bryan Johnson có trái tim của người 37, làn da của người 28 và lá phổi của một thanh niên.

    Johnson được đánh giá là đang đảo ngược, hoặc ít nhất là dừng lại đồng hồ lão hóa thông qua một chế độ tập thể dục, ăn kiêng và bổ sung hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ Oliver Zolman, người tự xưng là "bác sĩ trẻ hóa".

    Thói quen hàng ngày của doanh nhân này bắt đầu lúc 5 giờ sáng với một lượng lớn các chất bổ sung bao gồm lycopene, metformin, nghệ, kẽm và các loại khác.

    Johnson cũng duy trì chế độ ăn thuần chay gồm thực phẩm rắn và mềm với tổng lượng lên tới 1.977 calo mỗi ngày.

    Vào năm 2021, ông được ghi nhận kỷ lục thế giới về trẻ hóa 5,1 tuổi so với tuổi thật.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ