Vì sao lừa đảo trực tuyến vẫn tràn lan?

    Phi Long, VTV 

    Theo Cục An toàn thông tin, các nhóm lừa đảo trực tuyến đang tập trung nhắm tới các nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp...

    Thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

    Các đối tượng lừa đảo đang tập trung nhắm tới nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp

    Tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 5/7, ông Trần Quang Hưng - Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

    Vì sao lừa đảo trực tuyến vẫn tràn lan? - Ảnh 1.

    Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng mà người dân cần lưu ý (Nguồn: Cục An toàn thông tin)

    Đối với mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong đó, người cao tuổi thường gặp 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em với 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên với 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…

    Vì sao lừa đảo trực tuyến vẫn tràn lan? - Ảnh 2.

    Ông Trần Quang Hưng - Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại buổi họp báo

    "Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp… Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo cũng đang hình thành tổ chức mạng lưới lừa đảo quốc tế tại các khu vực lân cận Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines... với các hình thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi" - ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.

    Vì sao lừa đảo trực tuyến vẫn tăng mạnh?

    Lý giải lý do vì sao lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Trần Quang Hưng cho rằng, các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, ngày càng giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

    Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn là do người dân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

    Điểm mới trong chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân

    Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, ngày 23/6, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến".

    Chiến dịch triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023 dưới sự chủ trì Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), phối hợp cùng thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.

    Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

    Chia sẻ về sự khác biệt của chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân lần này, ông Trần Quang Hưng cho biết, khác với các năm trước - chủ yếu là đại diện cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp an toàn thông tin tham gia tuyên truyền, năm nay chiến dịch đã huy động sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức khác như các công ty truyền thông, mạng xã hội, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động Việt Nam... để có những hình thức tuyên truyền đa dạng, với mục tiêu là làm sao đến được với nhiều người nhất.

    Ngoài ra, theo đại diện Cục An toàn thông tin, một tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, nhiều người dân đã chủ động thông tin tới cơ quan Nhà nước về việc mình đang bị lừa đảo trực tuyến. Điều này giúp thúc đẩy phát hiện, nhận diện sớm và kịp thời tuyên truyền, lan tỏa cho nhiều người khác biết và cảnh giác với các tình huống, hình thức lừa đảo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ