Vì sao Microsoft áp đảo trên mảng kinh doanh doanh nghiệp, cả Google và Facebook không thể nào làm gì nổi?
Google và Facebook đã và đang tung ra rất nhiều đòn đánh vào thị trường doanh nghiệp - nguồn thu ổn định, lâu dài nhất của Microsoft. Nhưng thèm muốn là một chuyện, thành công hay không lại là chuyện khác.
Tham vọng của các ông lớn công nghệ đối với thị trường phần mềm doanh nghiệp là rất rõ ràng. Khác với thị trường người tiêu dùng có thể thay đổi nhu cầu trong phút chốc, dịch vụ/phần mềm cho doanh nghiệp là nhắc đến những miếng ăn dài hơi và màu mỡ. Chỉ cần một bản hợp đồng là bạn vừa có thể bán bản quyền, vừa có thể "ăn" phí hỗ trợ lâu dài.
Chính bởi vậy mà các ông lớn dù đang sống tốt trên các lĩnh vực khác vẫn luôn muốn tìm cách tiến vào thị trường doanh nghiệp. Facebook có một phiên bản dành riêng cho doanh nghiệp mang tên Facebook at Work (mới đổi tên thành Workplace) để nhân viên cùng một công ty vừa có thể "khoe khoang", vừa có thể chat, chia sẻ file... cùng nhau ngay trong lúc đang làm việc. Google vẫn đang sống tốt bằng tìm kiếm, di động và nhiều lĩnh vực khác nhưng vẫn không ngừng tìm cách cạnh tranh với Microsoft Office và các bộ công cụ làm việc nhóm khác.
Kẻ áp đảo
Đặc biệt, đứng trước thế áp đảo của Amazon và Microsoft trên đám mây, Google vẫn tham vọng chen chân được vào lĩnh vực hạ tầng doanh nghiệp. Trong suốt hàng năm trời, Google Cloud Platform đã luôn được tung hô là một trong những mũi nhọn cạnh tranh của gã khổng lồ tìm kiếm.
Nhưng Google và Google chắc chắn sẽ không thể chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường doanh nghiệp trong tương lai gần. Facebook Workplace miễn phí nhưng vẫn chưa có bất cứ con số nào đáng công bố về khách hàng, lượng người dùng... Doanh thu của cả đám mây GCP, Play Store và mảng phần cứng Google gộp lại trong cả quý vừa qua chỉ là 3,1 tỷ USD.
Trong cùng một quý, riêng doanh thu đám mây của Microsoft đã là 6 tỷ USD. Mảng doanh nghiệp của Microsoft (Productivity and Business Processes) thu về gần 8 tỷ USD. Không một đối thủ nào trên lĩnh vực công cụ làm việc trực tuyến có thể mơ đến con số 85 triệu người dùng của Office 365.
Vì sao Microsoft thống trị?
Có 2 lý do chính dẫn đến sự thống trị của Microsoft trên lĩnh vực "đẻ trứng vàng" doanh nghiệp.
Thứ nhất, dù áp đảo đến mấy thì Facebook và Google về bản chất vẫn là những công ty sống bằng quảng cáo. Facebook và Google đọc dữ liệu của người dùng để tìm cách đưa ra những mẩu quảng cáo phù hợp nhất. Vẫn biết rằng bất cứ gã khổng lồ nào bước chân vào thế giới doanh nghiệp cũng sẽ tìm mọi cách để chứng minh rằng các mảng kinh doanh của mình độc lập với nhau, nhưng trong thời đại quyền riêng tư vẫn luôn là một mối lo, danh tiếng trên mảng quảng cáo vẫn sẽ là con dao hai lưỡi làm hại Facebook và Google.
Thứ hai, ngay cả trong thời đại WWW và đám mây lên ngôi, PC vẫn là loại thiết bị duy nhất có thể phục vụ cho công việc. Microsoft nắm trong tay hệ điều hành đại diện cho cả thị trường PC. Các hệ thống đám mây, portal, database, bất cứ một loại middleware nào khác của Microsoft đều có lợi thế tích hợp dễ dàng với Windows.
Quan trọng hơn, Office và nhiều công nghệ khác của Microsoft vẫn đang hỗ trợ cả những hệ điều hành hoặc các chủng loại thiết bị có thể đe dọa chút ít tới PC Windows như iPad Pro và Mac. Google hay bất cứ ai khác có thể "nhái" được Word, Excel và PowerPoint, nhưng "nhái" các ứng dụng khác của Office như Visio, Projects hay Outlook là không thể. Trên lĩnh vực văn phòng, mức độ áp đảo của Microsoft còn cao gấp nhiều lần so với các lĩnh vực hệ điều hành và đám mây.
Gã khổng lồ duy nhất
Trong tất cả các ông lớn công nghệ hiện tại, chỉ có Microsoft là được lãnh đạo bởi 1 người xuất thân từ lĩnh vực doanh nghiệp: vị trí lãnh đạo đầu tiên của Satya Nadella tại Microsoft là ở mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 15 năm tiếp theo, chức vụ của ông liên tục gắn với các mảng doanh nghiệp và đám mây. Khi lên nắm quyền, quyết định nổi trội đầu tiên của ông là tái cơ cấu Microsoft thành 3 mảng lớn: điện toán cá nhân, doanh nghiệp và đám mây.
Đến thời điểm hiện tại, Microsoft vẫn thể hiện tầm nhìn cực kỳ trọng tâm vào 2 chữ "nền tảng". BUILD 2017 tràn ngập các ví dụ về sự ưu ái của giới doanh nghiệp dành cho Microsoft. Cùng lúc, Google vẫn bối rối trong giai đoạn chuyển giao từ quảng cáo lên AI, còn Facebook về bản chất vẫn chỉ có thể "bắt nạt" các đối thủ trong lĩnh vực social mà thôi.
Điều này có nghĩa rằng dù có cố gắng đến mấy thì không một gã khổng lồ phần mềm/dịch vụ nào có thể thay đổi được vị thế của Microsoft. Khi PC đã chìm vào dĩ vãng, khi Windows Phone đã chết, gã khổng lồ phần mềm đã cũng đã kịp xây dựng một mảng kinh doanh không thể bị đánh bại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming