Vì sao nên chuyển sang Body-Weight Training thay vì tới phòng gym

    Long.J,  

    Không phải phòng gym với những trang thiết bị hỗ trợ luyện tập đến tận răng, Body-Weight Training mới chính là tương lai của thể hình.

    Calisthenics (Body-Weight Training) là gì?

    Calisthenics là một phương pháp tập luyện không cần tới tạ hay các thiết bị hỗ trợ phức tạp, chỉ sử dụng chính trọng lượng cơ thể để tập luyện (Body-Weight Training).

    Từ Calisthenics bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại với Kalos (vẻ đẹp) và Sthenos (sức mạnh), theo một giả thuyết khác thì Calisthenics được đặt thên theo sử gia Hy Lạp là Callisthenes.

    Tập Calisthenics sẽ giúp bạn có được sự dẻo dai, cơ bắp săn chắc mà cơ thể vẫn uyển chuyển, sức bền và khả năng chịu đựng được đẩy lên cực hạn nhờ ý chí và chính sự kiên nhẫn của người tập được bồi đắp mỗi ngày. Mặc dù không dùng đến tạ nhưng cơ bắp của người tập Calisthenics vẫn phát triển, cơ bắp được tạo nên bởi Body-Weight Training rất bền vững và được cho là hình thái tự nhiên nhất của cơ thể con người.

    Vì sao Calisthenics (Body-Weight Training) lại là tương lai của fitness?

    Khoảng 5 năm trở lại đây, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có rất nhiều người đã chuyển từ gym sang Body-Weight Training. Thậm chí nhiều PT chuyên nghiệp (Personal Trainer - huấn luyện viên cá nhân) tại các cơ sở thể hình uy tín đã kết hợp Calisthenics vào những bài tập cho chính mình cũng như học viên.

    Thực tế, những nghề nghiệp đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai như vận động viên, vũ công, lính cứu hỏa, bộ đội... đã thực hành Body-Weight Training trong nhiều năm qua nhưng chúng chưa được có tên gọi rõ ràng và chính thức.

    Tới phòng gym cùng vô số trang thiết bị hỗ trợ đến tận răng cho người tập có vẻ là một điều rất tốt, tuy nhiên sự thật lại không như vậy.

    Đối với gym, đa phần các bài tập tác động đến từng nhóm cơ riêng lẻ, điều này giúp bạn dễ dàng chọn bài tập mình thích, nhưng với người mới tập, còn thiếu kinh nghiệm sẽ dễ mắc sai lầm khi chỉ chọn một số nhóm cơ nhất định. Khiến cơ thể mất cân đối nghiêm trọng, khối lượng và kích thước cơ bắp phát triển mạnh nhưng các cơ core (cốt lõi) lại ít được tác động dẫn đến những chấn thương tiềm ẩn trong tương lai.

    Chuyện nhìn thấy những anh chàng "no leg day" (trên to dưới nhỏ) ở xung quanh bạn là chuyện như cơm bữa, đúng chứ?

     Trên to dưới nhỏ, ngại tập chân là vấn nạn của rất nhiều gymer

    Trên to dưới nhỏ, ngại tập chân là vấn nạn của rất nhiều gymer

     Hay chỉ tập trung vào một số nhóm cơ khiến cơ thể mất cân đối

    Hay chỉ tập trung vào một số nhóm cơ khiến cơ thể mất cân đối

    Hơn nữa, đa phần giới trẻ hiện nay có cuộc sống và công việc rất bận rộn, không phải ai cũng có khoảng thời gian rảnh cố định mỗi ngày nên việc tới phòng gym "bữa đực bữa cái" rất hay xảy ra. Tốn kém, hiệu quả thấp sẽ khiến bạn dễ dàng chán nản và cuối cùng là bỏ tập.

    Với Body-Weight Training thì ngược lại, bạn không cần thiết phải tới phòng gym, không cần đóng tiền phòng hàng tháng, có thể tập mọi nơi mọi lúc vì "dụng cụ" chính là cơ thể của bạn.

    Tóm lại, Calisthenics (Body-Weight Training) cho bạn rất nhiều thứ trong đó có sức khỏe thực sự chứ không đơn giản chỉ là vẻ đẹp cơ bắp.

    Xác định rõ mục đích của bản thân trước khi tập luyện bất cứ bộ môn nào

    Bất cứ bộ môn rèn luyện sức khỏe nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Nhiều anh chàng lấy cơ thể đồ sộ (bulky), cơ bắp lớn làm hình mẫu muốn hướng tới, nhiều người lại thích cơ thể săn gọn, vừa phải... Gym hay Body-Weight Training là lựa chọn của cá nhân, chúng ta không có quyền đánh giá vì đó là phong cách của mỗi người.

    Làm quen với Calisthenics (Body-Weight Training) như thế nào?

    Để tường tận về Body-Weight Training tốn rất nhiều giấy mực, chủ yếu là thực hành chứ không phải lý thuyết suông. Bước đầu nên tham khảo các tài liệu và giáo trình trên mạng (tìm từ khóa 'Calisthenics' sẽ cho ra hàng nghìn video hướng dẫn trên Youtube).

    Chris Heria - quá trình biến đổi cơ thể của một trong những "ngôi sao" Body-Weight Training

    Xin giới thiệu đến các bạn Chris Heria - fitness model, người sáng lập đồng thời là CEO của ThenX, một ứng dụng hướng dẫn luyện tập từ A-Z theo phương pháp Body-Weight Training.

     Chris Heria trước và sau khi đến với Body-Weight Training

    Chris Heria trước và sau khi đến với Body-Weight Training

    Xuất phát điểm Chris Heria là một anh chàng mê nhạc Rock, gầy nhẳng và trông rất thiếu sức sống. Sau khi tiếp xúc với phương pháp tập Calisthenics từ năm 2011, cơ thể của Chris đã biến đổi hoàn toàn (không tính chỗ hình xăm nhé) và nhận ra Body-Weight Training chính là sự nghiệp của đời mình, ThenX đã ra đời.

    Nỗ lực, sự bền bỉ và lòng kiên nhẫn là những yêu cầu cốt lõi khi luyện tập theo phương pháp Body-Weight Training

    Từng đại diện cho Mỹ tham gia giải vô địch thế giới Street Workout (Street Workout World Championship), Chris Heria còn đánh bại vô số vận động viên thể hình chuyên nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới trong những cuộc "tỉ thí" sức mạnh và sức bền.

    Chris Heria Bar War 2016

    Tương tự như thể hình, Body-Weight Training cũng có những nguyên tắc nghiêm ngặt phải tuân theo:

    Sự kiên trì: Bất cứ bộ môn nào cũng phải đầu tư thời gian, công sức để luyện tập. Thành quả không thể đến trong ngày một ngày hai mà phải là cả quá trình.

    Phải nắm rõ kĩ thuật của bài tập cơ bản: Mọi thứ phải bắt đầu từ đơn giản cho tới phức tạp, từ từ xây dựng chứ không được nhảy cóc.

    Thực hiện động tác đúng và đủ: Hiệu quả của bài tập và cả quá trình sẽ không thể hiện rõ nếu bạn không tập đúng, tập đủ

    Nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý: Nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp cơ bắp của bạn phát triển đầy đủ, bồi đắp sự dẻo dai và khỏe mạnh cho cơ thể.

    Đây là bài tổng hợp mang tính giới thiệu, hướng dẫn tập cụ thể cùng giáo trình tham khảo sẽ được trình bày rõ hơn ở những bài viết sau.

    Tham khảo Darebee/Thehinh/ThenX

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ