Ốp lưng là kẻ thù của thiết kế smartphone. Sử dụng ốp lưng chẳng khác gì phủ nhận công sức của hãng sản xuất trong việc tạo ra một chiếc smartphone đẹp. Nhưng tại sao bạn vẫn nên sử dụng nó?
Ốp lưng là một phụ kiện đã quá quen thuộc với người dùng iPhone nói riêng và smartphone nói chung. Sử dụng nó hay không là quyền của mỗi người - có những người luôn đặt chiếc máy của mình trong ốp, nhưng cũng có nhiều người lại sử dụng "trần" ngay sau khi bóc hộp.
Lợi ích của việc dùng ốp lưng rất rõ ràng, khi nó giúp bảo vệ chiếc điện thoại của bạn. Thế nhưng, nó cũng mang đến nhược điểm là sẽ che đi thiết kế rất đẹp của chiếc smartphone. Sẽ không có một sự lựa chọn nào là hoàn hảo: bạn sẽ buộc phải lựa chọn hy sinh vẻ đẹp hoặc độ bền.
Đương nhiên, bạn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi gửi đến một số quan điểm cá nhân về lý do tại sao bạn nên sử dụng ốp lưng cho chiếc iPhone của mình.
Nếu bạn đang dùng iPhone 6 - iPhone 6s - iPhone 7...
iPhone 6/6s/7 đều sở hữu chung một lối thiết kế được làm bằng nhôm nguyên khối. Về cơ bản, đây là một chất liệu khá bền và khó xước (nếu được sử dụng cẩn thận).
Tuy nhiên, vấn đề khiến tôi buộc phải sử dụng ốp cho những chiếc máy này là khả năng cầm nắm: vỏ nhôm của iPhone được gia công rất mịn, rất êm và cũng rất... trơn. Khi cầm trên tay những chiếc máy này, ngón tay của tôi gần như không thể tì một cách chắc chắn, khiến cho nó có thể bị rơi bất cứ lúc nào. Đây là một thứ càng đáng để lo ngại hơn khi (1) bạn sử dụng iPhone phiên bản Plus với kích thước lớn và (2) bàn tay của bạn ra nhiều mồ hôi.
Lớp vỏ nhôm nguyên khối của iPhone 6/6s/7 rất trơn và khó để cầm nắm chắc chắn
Sử dụng một chiếc ốp lưng sẽ khiến máy không còn đẹp như trước, nhưng bù lại cảm giác cầm nắm sẽ chắc chắn hơn rất nhiều
Khi rơi, việc máy bị móp là điều khó để tránh khỏi - nhôm là một chất liệu không có tính đàn hồi. Lúc này, tùy vào độ nặng/nhẹ của cú rơi mà chiếc điện thoại của bạn có thể đang từ "đẹp rạng ngời" bỗng chốc trở thành "xấu điên đảo", vô tình phản lại mục đích ban đầu của việc không sử dụng ốp lưng là tôn vinh vẻ đẹp của máy. Nghịch lý thay, rất nhiều người sau khi bị rơi máy mới bắt đầu cảm thấy... xót và bắt đầu tìm mua ốp lưng để che đi sự xấu xí đó.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề lớn nhất. Dẫu sao thì trong tình huống xấu nhất, bạn vẫn có thể thay vỏ cho những chiếc máy này. Thứ đáng để lo ngại hơn là hỏng hóc về phần cứng mà người dùng có thể gặp phải.
Một ví dụ cụ thể là chiếc iPhone 6 Plus. Chiếc máy này rất dễ gặp phải tình trạng liệt cảm ứng và sọc màn hình do chip quản lý cảm ứng không còn tiếp xúc tốt với bo mạch chủ. Hiện tượng này xảy ra khi người dùng làm cong vỏ, hay máy bị va đập mạnh. Một chiếc ốp lưng tốt với khả năng chịu lực sẽ làm giảm thiểu đáng kể vấn đề này.
Sọc màn hình, liệt cảm ứng là bệnh kinh niên của iPhone 6 Plus, và nó rất dễ xảy ra khi người dùng đánh rơi máy
May thay kể từ iPhone 6s trở đi, với lớp vỏ được gia cố, vấn đề này không còn tiếp diễn nữa. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ không nhỏ người dùng sẽ gặp phải những lỗi khác như vỡ/hỏng màn hình, hỏng camera, mic/loa thoại tậm tịt... iPhone là một dòng máy bền, nhưng khi bị rơi thì không một ai có thể nói trước được điều gì.
Nếu bạn đang dùng iPhone 8 - iPhone X...
Sở dĩ tôi phải chia bài viết này thành hai phần khác nhau là do thiết kế của iPhone 8 và iPhone X quá khác biệt so với các dòng máy còn lại.
Như các bạn đã biết, iPhone 8 và iPhone X sử dụng mặt lưng bằng kính. Và khi rơi, nếu như nhôm có thể bị xước hoặc móp, thì kính sẽ vỡ. Bạn có thể sẵn sàng sử dụng một chiếc điện thoại bị móp, nhưng tôi tin rằng sẽ không ai muốn dùng một chiếc điện thoại bị vỡ, đặc biệt là với dòng sản phẩm cao cấp như iPhone 8/X. Một điều nữa đáng để lưu ý: khác với vỏ nhôm, khi kính bị rơi vỡ, khả năng chống nước của máy sẽ mất ngay lập tức.
Bạn có muồn điều này xảy ra với chiếc điện thoại của mình không?
Một điểm khác biệt nữa của iPhone 8 và iPhone X là chi phí sửa chữa. Nếu như để thay vỏ iPhone 6/6s/7, người dùng chỉ mất trung bình từ 500 nghìn - 1 triệu đồng, thì với trường hợp của iPhone 8/8 Plus, chỉ riêng việc thay kính sau của máy đã mất khoảng 1.6 - 2.1 triệu đồng, chưa bao gồm công tháo lắp. Đây là mức giá "lý tưởng" tại các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam, còn nếu bạn muốn sửa chữa tại Apple thì con số này là... 349 USD đến 549 USD (7.9 - 12.4 triệu đồng), một mức giá không khả thi.
Chi phí thay mặt kính sau của iPhone 8/8 Plus ở một cửa hàng tại HN. Đơn vị này cho biết chi phí này chưa bao gồm công thay. Đương nhiên, với việc sửa chữa ở những cửa hàng nhỏ lẻ, máy sẽ ngay lập tức mất bảo hành chính hãng.
Nhưng thà như vậy còn hơn là sửa chữa chính hãng, khi mức giá để thay mặt sau cho iPhone X có thể lên đến 549 USD và dao động trong khoảng 349 - 399 USD cho iPhone 8/8 Plus
Và, theo những gì chúng tôi biết, việc tháo lắp một chiếc iPhone 8/X không hề đơn giản. Theo REWA Technologies - một đơn vị sửa chữa iPhone chuyên nghiệp, sẽ mất khoảng 2 tiếng cho riêng công đoạn tách lớp kính vỡ khỏi khung nếu sử dụng phương pháp khò nhiệt truyền thống. Cộng thêm quá trình tháo/lắp toàn bộ linh kiện bên trong và ép kính mới, để thay kính sau cho một chiếc iPhone 8/X có thể lên đến 4 tiếng, lâu hơn đáng kể khoảng thời gian 30-45 phút để thay vỏ đối với các thế hệ trước.
Quá trình thay thế mặt lưng cho iPhone 8/X là rất khó khăn, do nó yêu cầu tháo toàn bộ linh kiện bên trong của máy và sử dụng một lượng nhiệt lớn, trong một khoảng thời gian dài để tách lớp kính vỡ khỏi khung
Kết quả bạn nhận được là gì? Một số tiền lớn, một thời gian dài chờ đợi cho một chiếc iPhone đã bị tháo tung, mất khả năng chống nước và chưa kể hàng loạt rủi ro trong quá trình sữa chữa, tất cả chỉ tại một cú rơi.
Phòng còn hơn chống
Một quan điểm được đưa ra là: "mua đồ công nghệ là để nó phục vụ mình, chứ không phải mình phục vụ nó", vậy nên dùng điện thoại cũng chẳng cần ốp để làm gì. Về tính chất, quan điểm trên là đúng - những vật như điện thoại được sinh ra để tăng thêm giá trị cuộc sống cho con người. Tuy nhiên, chuyện sử dụng ốp, dán màn hình hay các biện pháp bảo vệ cho điện thoại không phải là để "phục vụ" nó, mà là một cách để kéo dài tuổi thọ của thiết bị, để nó phục vụ mình lâu hơn.
Nếu bạn muốn smartphone có thể phục vụ cho mình trong khoảng thời gian lâu nhất có thể, thì sử dụng ốp lưng là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất. Ngay cả khi bạn là một người cẩn thận và không quăng quật chiếc điện thoại của mình, tai nạn vẫn là thứ hoàn toàn có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Khi mà những chiếc iPhone đời mới ngày một mỏng manh dễ vỡ, trong khi mức giá lại ngày càng đắt đỏ, việc bảo vệ chúng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tôi đang sử dụng chiếc ốp Silicone Case do Apple sản xuất cho chiếc iPhone X của mình. Nó không phải là chiếc ốp đẹp nhất, và chắc chắn là xấu hơn rất nhiều so với việc để trần, tuy nhiên điều quan trọng là nó sẽ giúp bảo vệ món đồ mà tôi sử dụng hàng ngày, cũng như tạo ra một cảm giác cầm nắm rất tốt
Còn về vấn đề vẻ đẹp rồi "tôn vinh thiết kế" của smartphone ư? Thật tình chẳng mấy ai chẳng quan tâm. Người dùng sử dụng điện thoại của mình mỗi ngày, chứ họ không ngắm điện thoại của mình mỗi ngày. Họ thà có một chiếc điện thoại xấu nhưng có thể sử dụng được, hơn là một chiếc điện thoại đẹp nhưng có thể hỏng hóc bất kỳ lúc nào sau một cú rơi.
Khi mà những chiếc smartphone cao cấp ngày một đắt đỏ, sử dụng ốp lưng là một điều cần thiết - chứ không phải là điều ngược lại như một số người nói
Viết đến đây, tôi lại tháo chiếc ốp lưng trên chiếc iPhone X của mình. Lâu rồi chưa nhìn thấy chiếc máy này "trần trụi", giờ được thấy mặt kính và lớp viền thép... iPhone X quả thật là rất đẹp. Nhưng thế là đủ rồi, đến lúc lại lắp ốp vào thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời