Vì sao việc Internet Explorer ngừng hoạt động khiến cả Nhật Bản 'đau đầu', nhiều doanh nghiệp lập tức rơi vào "hoảng loạn"?

    Anh Việt,  

    Theo đó, Nhật Bản có thể là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi động thái khai tử IE của Microsoft

    Kể từ ngày 15/6, Microsoft đã chính thức ngừng hỗ trợ Internet Explorer (IE) 11, phiên bản cuối cùng của trình duyệt web từng được cài đặt mặc định trên Windows. Cách đây 6 năm, Microsoft cũng đã chính thức ngừng hỗ trợ Internet Explorer từ phiên bản 8 đến phiên bản 10.

    Cũng trong thông báo của Microsoft, hãng này cũng đồng thời kêu gọi người dùng chuyển sang sử dụng trình duyệt Microsoft Edge, vốn được coi là 'người kế thừa' của Internet Explorer (IE).

    Đáng nói ở chỗ, việc IE được "khai tử" vào hôm 15/6 đã gây ra một sự hoảng loạn nhỏ tại các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ tại một vài quốc gia, vốn đã xây dựng các hệ thống nội bộ xung quanh trình duyệt cũ kĩ được coi là 'chẳng ai muốn dùng" này.

    Theo đó, Nhật Bản có thể là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi động thái khai tử IE của Microsoft. Một cuộc khảo sát vào tháng 3 cho thấy, 49% công ty ở quốc gia Đông Á này vẫn sử dụng IE, thay vì các trình duyệt mới hơn như Chrome, FireFox, Safari. Trong số này, các công ty tại Nhật thường dùng IE cho các ứng dụng như quản lý nội bộ, trao đổi dữ liệu và hệ thống kế toán. 

    Vì sao việc Internet Explorer ngừng hoạt động khiến cả Nhật Bản 'đau đầu', nhiều doanh nghiệp lập tức rơi vào "hoảng loạn"? - Ảnh 1.

    Theo Bloomberg, tất cả những công việc trên phải được cập nhật hoặc chuyển đổi sang các phần mềm (hoặc trình duyệt) khác kể từ khi Microsoft công bố kế hoạch ngừng hỗ trợ IE từ một năm trước. Tuy nhiên, vì một số lý do khác nhau, việc chuyển đổi đã bị trì hoãn, theo Nikkei.

    Kết quả, các doanh nghiệp trên khắp Nhật Bản hiện đã và  đang phải chạy đua nước rút chóng để đảm bảo họ vẫn có thể chạy các hoạt động trước đây dựa vào các ứng dụng được xây dựng trên trình duyệt lâu đời của Microsoft. Một số đã đợi để cập nhật trang web của họ cho đến phút cuối cùng.

    Ngay từ tháng 4, nhà phát triển phần mềm Computer Engineering & Consulting có trụ sở tại Tokyo đã nhận được rất nhiều yêu cầu trợ giúp. Những khách hàng đó chủ yếu là các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính và các công ty sản xuất và hậu cần vận hành các trang web chỉ tương thích với Internet Explorer. 

    "Bạn có thể vui lòng làm một cái gì đó để chúng tôi không gặp bất kỳ vấn đề nào?" một khách hàng đã cầu xin. 

    “Họ đã biết [về việc tạm hoãn] từ lâu, nhưng họ chắc chắn đã trì hoãn thực hiện các hành động”, Một quan chức CEC bình luận, đồng thời cho rằng tình trạng "hỗn loạn" giữa những khách hàng bị trì hoãn chuyển đổi phần mềm sẽ kéo dài trong “vài tháng”.

    Trong một số trường hợp, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng IE vì hệ thống của khách hàng được sử dụng để xử lý đơn đặt hàng. Hơn 20% trong số những người được hỏi không biết hoặc không tìm ra cách chuyển sang các trình duyệt khác sau khi IE ngừng hoạt động.

    Bản thân các cơ quan chính phủ Nhật Bản cũng chậm chạp trong việc chuyển đổi. Cổng thông tin cung cấp thông tin về mua sắm và đấu thầu của chính phủ Nhật tuyên bố sẽ chuyển trình duyệt được đề xuất sang Edge và Google Chrome sau 15/6. Nhưng đối với website Dịch vụ hưu trí Nhật Bản, các thông báo phải được xem ở chế độ Internet Explorer của Edge. Trang web của một công ty về trường tư thục vẫn liệt kê Internet Explorer là trình duyệt được đề xuất duy nhất.

    "Người Nhật yêu thích sự an toàn. Tổ chức hay cơ quan chính phủ càng lớn, họ càng do dự (trong việc thay đổi). Khi nói đến các trang web của chính phủ, vấn đề lớn nhất ở đây chính là chỉ có một số lượng ít ỏi các nhà cung cấp phần mềm có thể triển khai các hệ thống lớn như vậy", Tetsutaro Uehara, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, cho biết.

    Vẫn dùng đĩa mềm để lưu trữ

    Cũng phải nói thêm, việc vẫn duy trì và sử dụng các công nghệ được đánh giá là 'cổ lỗ sĩ" vẫn không hiếm gặp tại Nhật Bản – một quốc gia được đánh giá là 'cường quốc công nghệ'. Trong khi người dùng tại nhiều quốc gia đã chuyển sang sử dụng những phương tiện lưu trữ mới hơn, nhiều cơ quan hành chính tại Nhật vẫn dùng đĩa mềm để lưu và trao đổi dữ liệu.

    Theo đó, mặc cho Sony, một trong những nhà sản xuất đĩa mềm 3,5 inch đầu tiên trên thế giới, đã ngừng bán đĩa mềm cách đây một thập kỷ, việc lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ cũ kĩ này vẫn khá phổ biến ở Nhật,

    Vì sao việc Internet Explorer ngừng hoạt động khiến cả Nhật Bản 'đau đầu', nhiều doanh nghiệp lập tức rơi vào "hoảng loạn"? - Ảnh 2.


    Cụ thể, việc đĩa mềm có thể ghi đè & lưu trữ dữ liệu không giới hạn số lần, hay việc các cơ quan tại Nhật có trong tay một số lượng lớn đĩa mềm, đã khiến các quan chức nước này không quá mặn mà chuyện nâng cấp hệ thống lưu trữ mới hơn. Bên cạnh đó, nhiều công ty hay tổ chức, chính quyền tại Nhật vẫn sử dụng phương tiện lưu trữ đã lỗi thời để tránh phải bỏ tiền nâng cấp hệ thống.

    Một trưởng phòng tài chính tại một quận ở Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, lý do mọi người vẫn còn dùng đĩa mềm là bởi chúng "gần như không bao giờ hỏng và mất dữ liệu". Tại quận này, thông tin lương của cán bộ vẫn được lưu trữ trên đĩa mềm, sau đó chuyển tới ngân hàng để giao dịch.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ