Việc thu hồi Note7 đã từng có một tiền lệ đen tối cách đây 22 năm, và đây là cách vượt qua của Samsung
Đã từng có một Samsung dám đứng lên từ chính những sai lầm của mình, một cách vô cùng cứng rắn và mạnh mẽ.
Sự cố về pin khiến cho Galaxy Note7 có khả năng phát nổ, đã khiến Samsung phải tiến hành một đợt thu hồi hàng loạt trên toàn thế giới. Đây được xem là một động thái chưa từng có và có thể khiến cho gã khổng lồ Hàn Quốc chịu thiệt hại hơn 1 tỷ USD.
Không chỉ vậy, việc tạm hoãn giao hàng và đổi trả Note7 mới cho người dùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số và tốc độ tăng trưởng mảng smartphone của Samsung. Trong khi đối thủ Apple lại chuẩn bị ra mắt iPhone 7, có thể thấy Samsung đang gặp rất nhiều khó khăn.
Galaxy Note7 bị thu hồi trên toàn cầu không phải là lần đầu tiên trong lịch sử của Samsung.
Thế nhưng quyết định thu hồi Galaxy Note7 trên toàn cầu được xem là động thái đúng với triết lý kinh doanh của Samsung. Đó là khi Samsung bắt đầu có những thay đổi vào năm 1993, để có thể trở thành kẻ lãnh đạo ngành công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc và trên thế giới.
Năm 1993, Samsung có một tỷ lệ lỗi sản phẩm rất lớn. Thậm chí theo một báo cáo của Korea Herald, người dùng lúc đó phải tự dùng dao để cắt bớt các phần nhựa thừa trên những chiếc máy giặt Samsung, do khâu gia công còn quá nhiều lỗi khiến cho sản phẩm bán ra không được hoàn thiện nhất.
Sau khi xem lại những công đoạn sản xuất và lắp ráp sản phẩm trong nhà máy Samsung, Chủ tịch Lee Kun-hee đã khiển trách CEO của công ty một cách nghiêm khắc, đồng thời kêu gọi một sự thay đổi toàn diện.
Chủ tịch Lee Kun-hee của Samsung, người đã đưa ra những quyết định vô cùng cứng rắn.
Chính ông đã nói với các nhân viên của Samsung lúc đó rằng: “Hãy thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con của các bạn”. Kể từ đó, Samsung thay đổi với một bộ mặt hoàn toàn khác và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất xưởng ở mức cao nhất.
Tuy nhiên vào năm 1994, cách đây 22 năm, Samsung đã gặp phải một sự cố rất lớn. Đó là lúc Samsung ra mắt một trong những chiếc điện thoại di động đầu tiên của mình, đó là sản phẩm công nghệ mang tính cách mạng lúc bấy giờ.
Chiếc điện thoại di động SH-770 của Samsung.
Thế nhưng sản phẩm mới này gặp phải tỷ lệ lỗi không thể chấp nhận được, đó là hơn 11,8% thiết bị xuất xưởng bị lỗi. Hội đồng quản trị của tập đoàn lúc đó đã tiến hành họp khẩn và đưa ra quyết định cuối cùng là thu hồi toàn bộ 150.000 chiếc điện thoại đã bán ra thị trường.
Toàn bộ số điện thoại được thu hồi về đã được chất thành đống lớn ngay trước sân chính của Nhà máy Gumi. Lúc đó, Chủ tịch Lee đã ra lệnh cho toàn bộ 2.000 nhân viên thuộc dây chuyền sản xuất thiết bị này, buộc trên tay băng đỏ có dòng chữ “Chất lượng là số 1” và cầm búa để phá hủy toàn bộ số thiết bị do chính họ tạo ra.
Sau đó, toàn bộ số điện thoại này bị thiêu hủy hoàn toàn trước sự chứng kiến của 2.000 nhân viên. Nhiều người đã khóc và đó là cảnh tượng không bao giờ có thể quên trong tâm trí của những người làm việc trong dây chuyền sản xuất của Samsung.
Việc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số thiết bị này đã khiến Samsung tổn thất hơn 5 tỷ Won (khoảng 4,5 triệu USD), vào năm 1994 thì đó là số tiền khổng lồ. Nhưng chính những chiến lược và quyết định cứng rắn như vậy đã giúp Samsung thực sự thay đổi.
Tham khảo: androidauthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?