Viễn cảnh đen tối có thể gây tử vong nhiều nhất ở con người hơn cả bệnh ung thư

    PV,  

    Viễn cảnh đen tối hoàn toàn có thể xảy ra chính là việc vi khuẩn kháng kháng sinh có thể giết chết nhiều người hơn so với bệnh ung thư chỉ trong vài thập kỷ tới.

    Cảnh báo hiểm họa từ tình trạng kháng kháng sinh

    Kháng sinh là một trong những loại thuốc quan trọng nhất trong kho tàng dược phẩm của nhân loại, được dùng để điều trị mọi thứ từ những bệnh nhiễm trùng nhỏ gây ra do vi khuẩn như viêm màng kết tới những căn bệnh đe dọa tính mạng con người như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu.

    Điều đáng lo ngại là vi khuẩn gây ra những căn bệnh nhiễm trùng này đang có xu hướng kháng thuốc. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể kể tới việc sử dụng kháng sinh có hoạt phổ rộng (là những loại dùng để điều trị nhiều chủng vi khuẩn khác nhau) khi một loại hoạt phổ hẹp (là loại chỉ chống lại hiệu quả một dạng nhiễm trùng cụ thể hoặc một họ vi khuẩn) được cho là đã đủ liều. Bên cạnh đó là tình trạng nhiều bệnh nhân không thể hoàn tất thời gian sử dụng thuốc theo kê đơn.

    Viễn cảnh đen tối hoàn toàn có thể xảy ra chính là việc vi khuẩn kháng kháng sinh có thể giết chết nhiều người hơn so với bệnh ung thư chỉ trong vài thập kỷ tới.

    Trên thực tế, kháng kháng sinh đang gây ra rất nhiều rắc rối tại các bệnh viện ở Anh. Hôm 17/4 vừa qua, một dạng kháng thuốc mạnh của bệnh lậu đang lây lan khắp đất nước này. Theo đó, phác đồ điều trị chuẩn vẫn thường được áp dụng là kháng sinh azithromycin. Nhưng do tình trạng kháng thuốc cao nên các bác sĩ buộc phải dùng tới loại kháng sinh thứ hai để điều trị bệnh lậu. Vấn đề là sẽ không có những loại thuốc hữu hiệu khác để đối phó với các siêu khuẩn. Nếu không được chữa trị, bệnh lậu có thể dẫn tới tình trạng vô sinh, hay hiếm gặp hơn, là nhiễm trùng máu.

    Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây do Đại học Bristol thực hiện cho thấy, khoảng 50% trẻ em Anh được phát hiện nhiễm trùng nước tiểu do vi khuẩn E.coli xảy ra tình trạng kháng ampicillin – một trong những loại kháng sinh chính được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Bác sĩ đa khoa sau đó sử dụng một kháng sinh khác – trimethoprim nhưng tình trạng kháng thuốc tiếp tục xảy ra ở một số bệnh nhân và họ lại được khuyến nghị dùng sang loại kháng sinh thứ ba – nitrofurantoin. Việc này làm dấy lên nguy cơ những bệnh truyền nhiễm này tới một ngày đó sẽ không thể chữa được.

    Nếu điều đó thực sự xảy ra thì không chỉ đơn giản là sự bất tiện bởi nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề khác như hư thận và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng máu.

    Một số loại kháng sinh chính, ưu, nhược điểm và cơ chế kháng thuốc của chúng

    Loại kháng sinh bác sĩ đa khoa hay kê đơn nhất: Penicillin

    Cơ chế hoạt động: Penicillin tác động tới sự hình thành của màng tế bào vi khuẩn, khiến cho vi khuẩn bị tiêu diệt hoặc phát triển với những hình dạng bất thường.

    Công dụng: Penicillin vẫn là loại kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất, chiếm khoảng 45% các loại kháng sinh được kê đơn trong khoảng thời gian từ 2011 tới 2014.

    Chúng được dùng để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau như viêm da, viêm tai, viêm amidan, nhiễm trùng đường tiết niệu và cho các thủ thuật nha khoa để phòng tránh nhiễm trùng.

    Ưu điểm: Penicillin rẻ và tác dụng nhanh, thường phát huy hiệu quả chữa trị trong vòng 3 ngày. Bạn có thể vẫn được uống rượu khi dùng pennicillin. Nếu uống thuốc với một số kháng sinh khác, nó có thể làm xấu hơn các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, giảm hoặc trì hoãn hiệu quả của thuốc.

    Không giống nhiều loại kháng sinh khác, phụ nữ mang thai vẫn có thể dùng penicillin. Penicillin có thể dùng khi đói nhưng có tác dụng nhanh hơn nếu được dùng cùng thức ăn.

    Nhược điểm: Thường gặp nhất là phản ứng dị ứng. Tiêu chảy cũng khá phổ biến nhưng mọi loại kháng sinh đều gây có tác dụng phụ này bởi chúng quét sạch cả vi khuẩn có lợi trong hệ đường ruột cùng với vi khuẩn gây hại.

    Ngày càng có nhiều lo ngại rằng một số chủng vi khuẩn thường gặp mỗi ngày đang trở nên kháng loại kháng sinh trụ cột này. Cụ thể là vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng ngực và sốt thấp khớp (hay còn gọi là bệnh thấp khớp cấp/thấp tim).

    Loại kháng sinh rất ít hiệu quả: Tetracycline

    Cơ chế hoạt động: Tetracycline can thiệp vào khả năng sản sinh protein – vốn cần thiết cho sự tăng trưởng và sinh sôi của vi khuẩn. Tetracycline phát huy hiệu quả nhất khi dùng lúc đói ít nhất 1 giờ trước bữa ăn.

    Công dụng: Tetracycline từng được kê đơn cho đủ mọi loại bệnh, bao gồm cả nhiễm trùng ngực, viêm họng bởi chúng có khả năng trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng hơn penicillin. Nhưng ngày nay, do tình trạng kháng thuốc, chúng chủ yếu được kê đơn để điều trị mụn trứng cá và chlamydia – một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp.

    Ưu điểm: Dòng kháng sinh này có ít tác dụng hơn nếu so sánh với một số kháng sinh phổ rộng khác.

    Nhược điểm: Tetracycline thường phải dùng với liều cao bởi vì chúng khá khó hấp thu (trừ doxycycline). Do đó, chúng làm tăng nguy cơ tiêu chảy.

    Chúng cũng có thể làm xỉn màu vĩnh viễn răng trẻ em và phụ nữ mang thai vì chúng tác động tới sự hình thành răng và xương, quét sạch lớp flouride khỏi răng. Do đó, bác sĩ sẽ không kê đơn dòng kháng sinh này cho trẻ em dưới 8 tuổi và phụ nữ có thai.

    Tình trạng kháng thuốc đã làm suy giảm đáng kể việc sử dụng loại thuốc từng được cho là “thần dược” này. Trái với thời kỳ hoàng kim những năm 1960 và 1970, tetracycline ngày càng trở nên không cần thiết và được dùng rất hạn chế. Khả năng kháng thuốc thậm chí đã phát triển ở một số chủng vi khuẩn gây mụn trứng cá. Điều này có nghĩa là tetracycline không thể giúp bạn hết mụn. Tương tự là trường hợp vi khuẩn gây bệnh lậu và nhiễm trùng ngực.

    Vẫn còn hiệu quả - ít ra là cho tới thời điểm này: Macrolid

    Cơ chế hoạt động: Giống quinolone, macrolid nhắm vào ADN – chất mang vật liệu di truyền. Thuốc có khả năng dừng quá trình tái sản sinh và lan truyền của vi khuẩn.

    Công dụng: Đây là dòng kháng sinh được kê đơn phổ biến thứ hai trong hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Chúng có tác dụng chữa trị với nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau – bao gồm một số bệnh dễ điều trị như bệnh viêm da, viêm họng và một số bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) tới các bệnh khó điều trị hơn như ho gà.

    Clarithromycin thường được kê đơn cho bệnh nhiễm trùng ngực, khi bệnh nhân bị dị ứng hoặc không dung nạp với penicillin. Nó cũng được dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn helicobacter pylori gây ra như viêm loét dạ dày.

    Ưu điểm: Dòng kháng sinh này vẫn tỏ ra hiệu quả khi điều trị các bệnh nhiễm trùng từ dễ tới khó.

    Nhược điểm: Không giống các dòng kháng sinh khác, bao gồm cả penicillin, bạn không thể uống rượu khi đang dùng macrolide. Chúng cũng nên được dùng với thức ăn bởi có thể gây ra các vấn đề về dạ dày như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

    Tác dụng phụ của macrolid nghiêm trọng hơn penicillin. Điều này lý giải tại sao trước đây, chúng chỉ được xem là lựa chọn điều trị hạng hai. Nếu bạn có vấn đề về gan, thận, đang mang thai hoặc cho con bú, bạn cũng không thể dùng macrolid.

    Có tác dụng điều trị một số bệnh nhiễm trùng kháng penicillin nhưng giờ đây một số bệnh cũng bắt đầu kháng macrolid. Cụ thể là bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn campylobacter (đây là loại vi khuẩn có liên quan tới ngộ độc thức ăn), bệnh viêm phổi, viêm phổi cấp do vi khuẩn Legionnaire gây ra và ho gà.

    Loại kháng sinh dự phòng thiết yếu cho penicillin: Cephalosporin

    Cơ chế hoạt động: Cephalosporin hoạt động theo cơ chế giống penicillin, can thiệp vào các hóa chất cần thiết để tạo thành màng tế bào bình thường.

    Công dụng: Cephalosporin được coi là loại “thần dược” của những năm 1980 và 1990, có tác dụng chữa trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau. Nhưng do hậu quả của tình trạng kháng thuốc, giờ đây, chúng chỉ được kê đơn cho bệnh viêm màng não và bệnh lậu. Chúng cũng được dùng như liệu pháp điều trị hạng hai nếu penicillin không hiệu quả.

    Ưu điểm: Là loại kháng sinh phổ rộng, cephalosporin có thể được dùng để chữa trị các bệnh nhiễm trùng khó chữa hơn cũng như nhóm bệnh viêm da.

    Nhược điểm: Cephalosporin không lành tính như penicillin khi vào trong dạ dày và có thể gây tiêu chảy, nôn mửa nặng cũng như tưa lưỡi do nấm Candida. 10% bệnh nhân bị dị ứng với cephalosporin.

    Chúng cũng làm tăng nguy cơ các bệnh nhiễm trùng do C.difficile gây ra do đã quét sạch các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, và vì thế, cho phép vi khuẩn C.difficile chiếm ưu thế.

    Mặc dù mọi loại kháng sinh đều gây ra tình trạng này ở một mức độ nào đó nhưng cephalosporin thể hiện tác động mạnh hơn.

    Loại kháng sinh quan trọng được dùng như biện pháp cuối cùng: Carbapenem

    Cơ chế hoạt động: Carbapenem kết hợp với một số protein cụ thể, có khả năng tiêu diệt sự sinh trưởng và sức mạnh của màng tế bào vi khuẩn.

    Công dụng: Carbapenem thuộc dòng kháng sinh chỉ được dùng như biện pháp điều trị cuối cùng, dự phòng cho nhiều bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc nghiêm trọng như, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E.coli và bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn pseudomonas gây ra. Ngày nay, dòng kháng sinh này chủ yếu được hạn chế sử dụng chỉ trong bệnh viện.

    Ưu điểm: Carbapenem vẫn hiệu quả với một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng nhất, bao gồm E.coli.

    Nhược điểm: Dòng kháng sinh này được kê đơn cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện trong đa phần các trường hợp thông qua tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, một phần do chúng khó hấp thụ qua dạ dày nên không thể dùng dưới dạng đường uống.

    Một số chủng vi khuẩn nhất định, trong đó có E.coli, pseudomonas và gonorrhoea (gây bệnh lậu) đã học được cách sản sinh enzyme để tấn công carbapenem. Do đó, tình trạng kháng thuốc phát triển. Những vi khuẩn kháng carbapenem này rõ ràng là đặc biệt khó điều trị, bao gồm những loại sản sinh ra từ vi khuẩn E.coli. Bởi hiện tại, có quá ít loại thuốc còn lại đủ sức chống chọi với vi khuẩn kháng carbapenem.

    Huyền Nguyễn/Afamily/Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày