Vĩnh biệt Windows Phone, cùng lần cuối hoài niệm về Nokia Lumia 520: Chiếc Windows Phone thành công nhất
Lumia 520 là chiếc máy từng gây bão trên thị trường và cũng đánh dấu cho thời kỳ huy hoàng nhất của Windows Phone, trước khi nền tảng này tụt dốc và suy tàn như hiện nay.
Cái chết của Windows Phone đã tới, cả về mặt phầncứng lẫn phần mềm. Ra đời vào ngày 21/10/2010, tức là tròn 7 năm trước với phiên bản Windows Phone 7 đầu tiên, đây là câu trả lời của Microsoft với iPhone của Apple và Android của Google. Microsoft dẫu sao vẫn là gã khổng lồ về phần mềm, hệ điều hành Windows Mobile (tiền thân của Windows Phone) tuy đã "thất thủ" hoàn toàn trước iPhone nhưng cũng từng rất được ưa chuộng. Chính vì vậy, người dùng đặt kỳ vọng rất nhiều vào Windows Phone.
Lumia 800 - smartphone chạy Windows Phone 7 đầu tiên của Nokia
Tuy nhiên, mọi thứ đã không đạt được như mong đợi của người dùng và Microsoft. Trong suốt 7 năm qua, sau hai bản cập nhật lớn là Windows Phone 8 và Windows 10 Mobile, nền tảng di động của Microsoft vẫn không thể trở thành một thế lực lớn như những gì mà Microsoft đã làm được trên thế giới PC. Không những không thể đánh bại Apple và Google, Windows Phone còn bị các nhà sản xuất phần cứng, lập trình viên và người dùng lãng quên hoàn toàn với chỉ 0.1% thị phần tính đến hết Q1 2017.
Lumia 520
Tuy nhiên, Windows Phone không phải là không có những giây phút tỏa sáng. Tại Việt Nam, thời kỳ hưng thịnh nhất của Windows Phone là vào hồi năm 2013, trong đó, đỉnh điểm là sự ra mắt của chiếc Nokia Lumia 520 - chiếc smartphone giá rẻ từng gây bão trên thị trường.
Tính đến tháng 1/2016, tức là gần 3 năm kể từ thời điểm ra mắt, Lumia 520 vẫn là chiếc máy Windows Phone phổ biến nhất
Sức nóng của Lumia 520 đến từ đâu?
Nokia chính thức bán ra Lumia 520 tại Việt Nam hồi cuối tháng 3/2013 với mức giá 3.84 triệu đồng. Ở thời điểm hiện tại, 3.84 triệu là quá đủ để người dùng sở hữu một chiếc smartphone tốt, nhưng vào năm 2013 thì Lumia 520 quả là một món hời:
- Đây là chiếc máy hiếm hoi ở tầm giá dưới 4 triệu sở hữu con chip dual-core đến từ Qualcomm, thay vì các hãng đến từ Trung Quốc như MediaTek hay Spreadtrum.
- Màn hình sử dụng công nghệ IPS, cho chất lượng tốt hơn nhiều smartphone giá rẻ trong cùng phân khúc.
Màn hình 4 inch, độ phân giải 480x800, công nghệ IPS
Chất lượng của màn hình này so với những chiếc máy khác ở cùng phân khúc thời đó được đánh giá cao
Vào thời điểm đó, gần như tất cả các máy Windows Phone đều sử dụng ba phím điều hướng cảm ứng. Microsoft yêu cầu các nhà sản xuất phải tích hợp nút Search nhằm kích hoạt nhanh công cụ Bing
- Camera chính có độ phân giải 5MP, hỗ trợ lấy nét tự động và cho chất lượng ảnh khá ổn.
Camera của Lumia 520 có độ phân giải 5MP, không có bất kỳ một công nghệ gì nổi bật (kể cả đèn Flash LED) nhưng vẫn cho chất lượng ở mức chấp nhận được
Một đặc điểm mà Microsoft từng yêu cầu các nhà sản xuất phải tuân theo là máy phải có nút chụp ảnh vật lý
Ảnh chụp từ Lumia 520
- Thiết kế của Lumia 520 được đánh giá khá cao khi sở hữu nắp lưng có thể tháo được với nhiều màu sắc tươi trẻ.
Mặt lưng của máy được làm bằng nhựa. Đây là phiên bản màu đen của Lumia 520, ngoài ra người dùng còn có nhiều lựa chọn màu sắc khác như trắng, đỏ, vàng, xanh...
Nắp lưng và pin của máy có thể tháo rời. Người dùng cũng có thể mở rộng dung lượng bộ nhớ bằng thẻ nhớ microSD
- Vào thời điểm thị trường đang chứng kiến sự xâm lăng của hàng loạt thương hiệu smartphone Trung Quốc, một sản phẩm đến từ Nokia tạo cho người dùng sự tin tưởng và an tâm.
Thương hiệu Nokia là một yếu tố không nhỏ tạo nên sự thành công của Lumia 520
Tuy nhiên, thế mạnh của Lumia 520 thời đó, bất ngờ thay, lại đến từ phần mềm
Windows Phone 8 - phiên bản hệ điều hành đi kèm Lumia 520 thời đó, sở hữu rất nhiều hạn chế cả về mặt ứng dụng lẫn ngay cả những tính năng của hệ điều hành. Nhưng, chính việc chạy Windows Phone lại là một lợi thế khiến cho Lumia 520 tách biệt khỏi những chiếc smartphone Android giá rẻ, mà cụ thể ở đây là vấn đề về hiệu năng, bảo mật và tính dễ sử dụng.
Có thể khẳng định rằng Lumia 520 là chiếc smartphone giá rẻ mượt mà nhất thời đó. Bên cạnh yếu tố về phần cứng với chip Snapdragon S4 Plus, phong độ của Lumia 520 còn đến từ sự tối ưu hóa tốt của hệ điều hành Windows Phone. Các hiệu ứng chuyển cảnh được thể hiện ở mức "chuẩn" 60fps, khả năng đa nhiệm tuy vẫn còn hạn chế nhưng không hề tệ với mức RAM 512MB, tốc độ khởi động các ứng dụng cơ bản cũng rất tốt.
Lumia 520 là chiếc smartphone giá rẻ mượt mà nhất vào thời điểm năm 2013
Trong quá trình sử dụng lâu dài và người dùng cài thêm một loạt ứng dụng, Windows Phone cũng tỏ ra ổn định chứ không giật, lag như Android, do hệ điều hành này không cho phép các tiến trình chạy nền và gây ảnh hưởng đến tốc độ của ứng dụng chính mà người dùng đang sử dụng.
Bảo mật cũng là một yếu tố mà Windows Phone tỏ ra vượt trội so với Android. Được thiết kế "đóng", Windows Phone không cho phép cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định, mà chỉ là các ứng dụng đã được kiểm duyệt bởi Microsoft trên kho ứng dụng Windows Store. Điều này giúp cho người dùng tránh khỏi nguy cơ cài đặt các ứng dụng độc hại, gây ảnh hưởng đến không chỉ trải nghiệm mà còn là quyền riêng tư.
Ngôn ngữ thiết kế của Windows Phone với phông nền tĩnh màu (đen/trắng) và thanh tiêu đề lớn xuyên suốt nhiều ứng dụng cũng đem đến sự rõ ràng, dễ sử dụng hơn so với Android. Đây là điều đặc biệt hữu ích với người dùng smartphone lần đầu, trong đó bao gồm đối tượng người lớn tuổi. Không chỉ có vậy, người dùng cũng có thể nhanh chóng thay đổi màu sắc xuyên suốt hệ điều hành để thể hiện phong cách riêng của mình. Quan trọng hơn, có thể coi Windows Phone là nền tảng di động tiên phong với lối thiết kế phẳng - lối thiết kế mà một thời gian sau đó đã trở thành xu thế của toàn bộ ngành công nghiệp phần mềm.
Windows Phone 8 có một giao diện phẳng, hiện đại và khá đồng nhất
Người dùng có thể tùy ý thay đổi màu sắc xuyên suốt các thành phần giao diện của Windows Phone dựa trên sở thích cá nhân
Suy tàn cũng chính vì phần mềm
Lumia 520 thành công vì đây là một chiếc điện thoại đẹp, mượt, nổi và quan trọng nhất là rẻ. Một chiếc điện thoại giá rẻ chắc chắc phải đi kèm với những hạn chế, và vấn đề của Lumia 520 chính là sự thiếu vắng của ứng dụng bên thứ ba. Vào thời điểm đó, sức tiêu thụ mạnh mẽ của chiếc máy này, cộng thêm việc Windows Phone vẫn còn là một hệ điều hành non trẻ, khiến cho người ta tin vào một tương lai xán lạn hơn sẽ sớm đến với nền tảng này.
Thời gian trôi qua. 1 năm, 2 năm rồi 3 năm, người dùng đã kiên nhẫn cho Microsoft cơ hội. Nhưng, sự hy vọng ấy dần dần biến thành thất vọng. Windows Phone không những không thể tăng trưởng mà còn suy tàn. Lập trình viên quay lưng, người dùng cũng dần dần dứt áo ra đi. Ngay cả những fan trung thành nhất của Windows Phone cũng không có sự lựa chọn nào khác khi ngay cả các ứng dụng cơ bản nhất cũng không hoàn thiện, và hệ điều hành này cũng mất dần ưu thế so với hai đối thủ iOS và Android - vốn có những bước phát triển mạnh mẽ qua từng năm.
Đương nhiên, iOS và Android cũng có những điểm yếu của riêng mình. Nhưng, nếu như người dùng có thể tìm cách khắc phục hoặc sống chung với những nhược điểm của iOS và Android, thì nhược điểm của Windows Phone lại rất khó có thể chấp nhận.
Lumia 520 thu hút người dùng bởi giá rẻ, nhưng ưu thế này cũng chỉ là nhất thời và không thể giúp cứu vãn cho một nền tảng ngày càng héo mòn
Khi smartphone đóng vai trò ngày một lớn trong cuộc sống, người dùng cũng đòi hỏi nhiều hơn ở chiếc máy mà họ sẽ sở hữu. Lúc này, giá cả sẽ không phải vấn đề lớn nhất nữa, mà, chất lượng mới là thứ mà người dùng đặt lên hàng đầu. Và chính thứ nhược điểm chí mạng ấy đã khiến cho Windows Phone, cho dù có rẻ đến mấy, cũng không thể thu hút được người dùng.
Vĩnh biệt Windows Phone!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín